Kiểm soát chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn cho du khách

VH- Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh này vừa có công văn yêu cầu đơn vị phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan và các doanh nghiệp du lịch tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch (DL).

Đồng thời phải khẩn trương xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt trong quý III/2018.

UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương có các khu, điểm du lịch tập trung chỉ đạo, đề ra các biện pháp cụ thể, hiệu quả theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị 19.

Như Văn Hóa đã thông tin trong loạt bài về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc chấn chỉnh những sai phạm tại các điểm đến du lịch, từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Chỉ thị số 19 về việc tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó đã phân trách nhiệm cụ thể cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có các khu, điểm du lịch phải phối hợp với các ngành chức năng và chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện quyết liệt các biện pháp cụ thể quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; ngăn chặn các tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch. Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về môi trường du lịch, an ninh trật tự, an toàn giao thông, các quy định về quản lý, niêm yết công khai giá, phí đối với các dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật. Rà soát, sắp xếp lại hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch theo quy hoạch tại tất cả các điểm tham quan du lịch trên địa bàn. Vận động nhân dân ứng xử văn minh, thân thiện với du khách, cam kết không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi xâm hại khách tham quan tại các khu, điểm du lịch,..

Tại công văn mới ban hành, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị các ngành, địa phương liên quan rà soát lại việc thực hiện CT19, đặc biệt tại các địa phương trọng điểm du lịch. Chú ý đến tăng cường công tác quản lý môi trường DL, đảm bảo an toàn, an ninh cho khách du lịch, nhất là việc thiết lập đường dây nóng, trung tâm thông tin, hỗ trợ du khách tại các điểm du lịch trọng điểm.

Đồng thời chú trọng công tác quản lý điểm đến, chất lượng dịch vụ phục vụ khách DL; kiểm soát việc thực hiện các chương trình tham quan của du khách, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng chèo kéo mua hàng hóa, dịch vụ, kinh doanh kép kín, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ. Thường xuyên kiểm soát hoạt động của các Trung tâm mua sắm dành cho khách du lịch để tránh hành vi trốn thuế, giao dịch ngầm, chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.

Chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn có biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh cho khách DL quốc tế và nội địa, nhất là thời gian cao điểm không đưa du khách đến những nơi không đảm bảo an toàn; cung cấp đầy đủ thông tin về điểm đến, an ninh, an toàn cho khách DL. Tăng cường các hoạt động xúc tiến điểm đến, khai thác các thị trường du lịch tiềm năng, đề xuất chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, có chất lượng, ưu tiên khai thác, cung ứng các mặt hàng nông sản, thủ công địa phương để phục vụ khách DL.

K.C

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-l%E1%BB%8Bch/ki%E1%BB%83m-so225t-ch%E1%BA%A5t-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-d%E1%BB%8Bch-v%E1%BB%A5-%C4%91%E1%BA%A3m-b%E1%BA%A3o-an-to224n-cho-du-kh225ch