Kiểm soát chặt chẽ nợ của chính quyền địa phương

Nợ của chính quyền địa phương ngày càng lớn đã đặt ra yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn, đặc biệt là phân định cụ thể trách nhiệm của chính quyền trong việc vay nợ và trả nợ. Với sự ra đời của Luật Quản lý nợ công năm 2017, bài toán này đã có lời giải. Để hướng dẫn cụ thể, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương.

Chính quyền địa phương cấp tỉnh được phép vay để bù đắp bội chi ngân sách cấp tỉnh và vay để trả nợ gốc các khoản vay của chính quyền địa phương. Ảnh: ST.

Còn tư tưởng ỷ lại

Theo Bộ Tài chính, dự kiến đến hết ngày 31/12/2017, mức dư nợ vay của các địa phương lên tới 66.654 tỷ đồng, bằng 1,2% GDP và bằng 29,2% mức dư nợ được phép theo quy định của Luật NSNN. Trong khi đó, hạn mức các địa phương còn được phép vay khá lớn, khoảng 162.064 tỷ đồng, bằng 2,9% GDP.

Thời gian qua, việc quản lý nợ của chính quyền địa phương đã được bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, đặc biệt từ khi Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực thi hành từ năm 2017. Tuy nhiên, thực tế lại chỉ ra rằng, trách nhiệm của cơ quan giúp UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ vay cũng như trách nhiệm trong việc bố trí các nguồn lực tài chính của địa phương để hoàn trả các khoản nợ theo đúng cam kết với các cơ quan và tổ chức cho vay trong và ngoài nước, đặc biệt là các khoản vay lại của chính quyền địa phương từ nguồn vay ngoài nước của Chính phủ chưa được phân định rõ ràng.

Có thể thấy, các khoản vay ngoài nước của Chính phủ từ năm 2016 trở về trước chủ yếu thực hiện cơ chế trung ương cấp phát cho địa phương (năm 2015 là 21.563 tỷ đồng; năm 2016 là 19.380 tỷ đồng; dự toán 2017 là 23.000 tỷ đồng; dự toán năm 2018 là 26.198 tỷ đồng), trong khi nghĩa vụ trả nợ lại thuộc về ngân sách Trung ương (NSTƯ). Điều này dẫn đến hệ lụy là các địa phương ỷ lại, trông chờ vào NSTƯ và sử dụng nguồn vốn vay ngoài nước chưa thực sự có hiệu quả.

Để bảo đảm kiểm soát nợ công trong giới hạn cho phép và sử dụng nguồn vốn vay ngoài nước có hiệu quả, chia sẻ nghĩa vụ trả nợ với NSTƯ, tháng 4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2017/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cũng có nghĩa là, từ thời điểm đó, thay vì Trung ương cấp phát nguồn vốn vay nước ngoài cho các địa phương như trước đây, sẽ thực hiện phương thức NSTƯ cấp phát một phần và cho địa phương vay lại một phần. Để luật hóa nội dung này, đồng bộ khung khổ pháp lý, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý nợ của chính quyền địa phương.

Đến nay, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2018/NĐ-CP quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương với nhiều quy định mới, đảm bảo đủ cơ sở pháp lý và đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Địa phương không được trực tiếp vay nước ngoài

Nghị định nêu rõ: Chính quyền địa phương cấp tỉnh được phép vay để bù đắp bội chi ngân sách cấp tỉnh và vay để trả nợ gốc các khoản vay của chính quyền địa phương.

Việc vay của chính quyền địa phương cấp tỉnh phải bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và các nguyên tắc như: Kế hoạch vay 5 năm, chương trình quản lý nợ 3 năm và kế hoạch vay hàng năm tối đa trong phạm vi trần do cấp có thẩm quyền thông báo (nếu có) và trong hạn mức dư nợ vay; Thực hiện vay hàng năm tối đa trong phạm vi tổng mức vay đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao cho từng địa phương; Vay bù đắp bội chi của ngân sách địa phương chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển để thực hiện chương trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

Bên cạnh đó, các khoản vay chỉ thực hiện và hạch toán bằng đồng Việt Nam, trừ các khoản vay lại từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi ngoài nước của Chính phủ và chính quyền địa phương không được trực tiếp vay nước ngoài.

Đặc biệt, chính quyền địa phương không được bảo lãnh cho các tổ chức, cá nhân để vay vốn hoặc phát hành trái phiếu trong và ngoài nước; Phải ưu tiên bố trí ngân sách địa phương hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Nợ chính quyền địa phương phải được hạch toán, kế toán, bảo đảm chính xác, tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch trong quản lý nợ và gắn với trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan trong việc quản lý nợ chính quyền địa phương.

Chính quyền địa phương được vay qua các hình thức gồm: Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường vốn trong nước; Vay lại từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi ngoài nước của Chính phủ theo quy định tại Chương V Luật Quản lý nợ công, Nghị định của Chính phủ quy định về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài và Nghị định này; Vay trực tiếp từ các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng trong nước; Vay ngân quỹ nhà nước; Vay từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định tại Nghị định này.

Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, các quy định của Nghị định hướng tới việc kiểm soát chặt chẽ nợ của chính quyền địa phương từ lập kế hoạch vay nợ đến việc huy động các nguồn vốn vay; phân bổ, sử dụng vốn vay và bố trí nguồn lực tài chính của địa phương để hoàn trả các khoản vay; góp phần kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công, bảo đảm an toàn, bền vững nợ và an ninh tài chính quốc gia; góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế công khai, minh bạch các khoản vay và trả nợ các khoản vay cũng được đưa vào Nghị định; tăng cường, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nợ của chính quyền địa phương.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kiem-soat-chat-che-no-cua-chinh-quyen-dia-phuong.aspx