Kiểm soát chặt chẽ nguồn nước thải ra sông Nhuệ, sông Đáy

Đó là một trong những yêu cầu được các đại biểu tham dự phiên họp thứ 10 của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy (về tổng kết thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực các sông này) đặt ra đối với các địa phương trong lưu vực. Phiên họp được tổ chức chiều ngày 19/11 tại TP. Nam Định.

Phiên họp nêu ra yêu cầu phải Kiểm soát chặt chẽ nguồn nước thải ra sông Nhuệ, sông Đáy

Phiên họp nêu ra yêu cầu phải Kiểm soát chặt chẽ nguồn nước thải ra sông Nhuệ, sông Đáy

Theo Văn phòng Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy, trong giai đoạn 2017-2018, môi trường nước lưu vực hai con sông này, nhất là tại các đoạn chảy qua khu vực đô thị, khu vực có các hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, gồm ô nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Riêng chất lượng nước ở sông Nhuệ luôn ở mức thấp. Nhiều đoạn nước sông bị ô nhiễm nặng, giá trị WQI (chỉ số chất lượng nước) thấp dưới giá trị 25, điển hình là đoạn chảy qua địa phận TP.Hà Nội. Mức độ ô nhiễm đặc biệt cao vào các tháng mùa khô. 3 trong 6 đoạn của sông Nhuệ đang sử dụng nước không phù hợp với chất lượng nước, gồm đoạn đầu nguồn từ hợp lưu sông Hồng đến hợp lưu sông La Khê; 2 đoạn từ đập tràn Đỗ Hà đến hết ranh giới Hà Nội, tại huyện Ứng Hòa. Trong khi đó, chất lượng nước sông Đáy tốt hơn, có xu hướng tăng dần theo dòng chảy từ Hà Nội về Ninh Bình...

Về nguồn thải, báo cáo tại phiên họp cho biết, lượng nước thải chủ yếu vào lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy là nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, chiếm hơn 65%. Trong đó, mỗi một ngày đêm, TP. Hà Nội thải ra sông Tô Lịch 150.000 m3 nước thải chưa qua xử lý, theo nguồn tiếp nhận đi thẳng vào sông Nhuệ, sông Đáy. Phần còn lại là nước thải từ các làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp...Từ đó, các đại biểu cho rằng, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương liên quan cần quan tâm, có lộ trình đầu tư xử lý nước thải sinh hoạt, đặc biệt là nước thải ở các đô thị xả thải trực tiếp ra sông Nhuệ, sông Đáy.

Đề cập đến những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy, các đại biểu nhìn nhận tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại đây vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cơ sở; phương thức vi phạm ngày càng tinh vi, nguy hiểm; xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương vẫn còn hạn chế, chưa bao quát. Kinh phí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tại các địa phương còn thấp. Một số dự án đầu tư bảo vệ môi trường đã được đầu tư vận hành không hiệu quả, lúng túng trong tiếp cận công nghệ, phương pháp ứng dụng. Việc trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết các vấn đề nổi cộm về môi trường giữa các địa phương trong lưu vực,giữa địa phương với trung ương chưa đáp ứng yêu cầu, giữa các bộ, ngành liên quan cũng thiếu sự phối hợp...

Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo các Bộ liên quan bố trí ngân sách cho Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt; ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để xử lý ô nhiễm môi trường trên sông Nhuệ, sông Đáy. Ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị cho các địa phương trên lưu vực theo hướng hợp tác công-tư, xã hội hóa và địa phương nào gây ô nhiễm chính phải chịu trách nhiệm chính trong xử lý ô nhiễm lưu vực sông../.

Tin, ảnh: Nam Dương

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/kiem-soat-chat-che-nguon-nuoc-thai-ra-song-nhue-song-day-505464.html