Kiểm soát chặt các điều kiện mang thai hộ

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo 'Mang thai hộ và những vấn đề phát sinh' do Trường ĐH Luật Hà Nội tổ chức ngày 3/10 với sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Văn Cừ, Trưởng khoa Pháp luật Dân sự.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định nhiều nội dung mới, trong đó có các quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được ghi nhận trong Luật đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc của pháp luật Việt Nam, bảo đảm quyền con người, các quyền cơ bản của công dân. Sau hơn 4 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đã đạt được của chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng bộc lộ một số hạn chế, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Đề cập tới điều kiện nhờ mang thai hộ, PGS.TS Nguyễn Văn Cừ, Trưởng khoa Pháp luật Dân sự, Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết theo quy định tại Điều 95, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ phải là vợ chồng trước pháp luật, có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vợ chồng đang không có con chung và đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi cần mở rộng về chủ thể được nhờ mang thai hộ, không chỉ cặp vợ chồng vô sinh mà có thể cho phép các cặp vợ chồng khác hoặc phụ nữ độc thân cũng được thực hiện quyền này. Đồng thời cần quy định cụ thể các trường hợp vợ chồng được nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thực hiện pháp luật về mang thai hộ.

Còn PGS.TS Ngô Thị Hường, Trường ĐH Luật Hà Nội nhận định thực tiễn thi hành quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực, thậm trí là trái pháp luật, trong đó có những vấn đề liên quan đến người mang thai hộ. Đã có những trường hợp vi phạm pháp luật về mang thai hộ bị khởi tố. Điều này cho thấy mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đang bị biến thành hoạt động thương mại do chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về điều kiện đối với người mang thai hộ. Theo đó, thực tế có nhiều người mang thai hộ là người thân thích của vợ, chồng nhờ mang thai hộ nhưng không cùng hàng mà là cô, dì, bác, thậm chí có trường hợp mẹ mang thai hộ con gái. Ngay cả khi được khai là chị họ, em họ thì vẫn có thể không phải người có họ trong phạm vi 3 đời. Đa số người dân không hiểu đúng thế nào là người thân thích nên khi nộp hồ sơ mang thai hộ thì bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ chứng minh quan hệ thân thích và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện mang thai hộ do không nắm vững quy định về người thân thích nên đã chấp nhận hồ sơ mà không biết hồ sơ này không phù hợp với quy định pháp luật. Do vậy, bà Hường cho rằng không nên mở rộng đối tượng mang thai hộ mà vượt quá người thân thích vì sẽ khó kiểm soát việc mang thai hộ vì mục đích lợi nhuận hay không.

Liên quan tới quyền và nghĩa vụ của người mang thai hộ, TS. Bùi Minh Hồng, Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết khoản 4, Điều 97 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Trường hợp vì lý do tính mạng, sức khỏe của mình hoặc sự phát triển của thai nhi, người mang thai hộ có quyền quyết định về số lượng bào thai, việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nên có những hạn chế nhất định về quyền giữ thai của người mang thai hộ vì có trường hợp người mang thai hộ không thăm khám thường xuyên, không phát hiện dị tật của thai nhi mà cơ sở y tế chỉ định dừng mang thai, bên nhờ mang thai hộ cũng đồng ý chấm dứt thì sẽ giải quyết thế nào? Nếu người mang thai hộ không đồng ý từ bỏ thai, bất chấp lời khuyên của bác sĩ cũng như yêu cầu của bên nhờ mang thai hộ để sinh ra đứa trẻ dị tật không khỏe mạnh thì sẽ khiến đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi.

Từ thực trạng nêu trên, TS. Nguyễn Phương Lan, Trường ĐH Luật Hà Nội nhấn mạnh việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của những đứa trẻ sinh ra từ những trường hợp vi phạm này là vấn đề cần quan tâm giải quyết. Ví dụ trường hợp người phụ nữ mang thai hộ thỏa thuận dùng trứng của mình để thụ tinh với tinh trùng của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ hoặc ngược lại, đứa trẻ được thụ tinh trong ống nghiệm từ trứng của người vợ trong cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ nhưng với tinh trùng của người đàn ông khác hiến tặng. Việc làm này vi phạm các quy định về điều kiện mang thai hộ nhưng việc thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vẫn được thực hiện, đứa trẻ vẫn được sinh ra. Vậy nếu việc mang thai hộ này bị phát hiện thì giải quyết hậu quả như thế nào? Đứa trẻ sinh ra được xác định là con của ai? Ngoài ra, dù nhiều trường hợp mang thai hộ với mục đích thương mại có thể bị tuyên vô hiệu nhưng đứa trẻ được sinh ra từ việc mang thai hộ thì vẫn cần giải quyết việc ai là người chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ?

Ngoài ra, một số vấn đề khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự Hội thảo như: quyền và nghĩa vụ của bên mang thai hộ, tranh chấp về mang thai hộ, thực trạng mang thai hộ tại Việt Nam và những vấn đề phát sinh...

Kim Quy

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/kiem-soat-chat-cac-dieu-kien-mang-thai-ho-473622.html