Kiểm soát chặt biên giới trên bộ và trên biển để ngăn chặn dịch Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, nhất là tại một số nước trong khu vực, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm công tác quản lý nhập cảnh, cách ly y tế đối với các trường hợp nhập cảnh trên địa bàn.

Trạm kiểm soát người nhập cảnh do các lực lượng chức năng lập trên khu vực biên giới Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: ANH ĐỨC

Trạm kiểm soát người nhập cảnh do các lực lượng chức năng lập trên khu vực biên giới Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: ANH ĐỨC

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, nhất là tại một số nước trong khu vực, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm công tác quản lý nhập cảnh, cách ly y tế đối với các trường hợp nhập cảnh trên địa bàn.

Ngay sau khi có quyết định thành lập, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã chọn Kiên Giang là điểm đầu để kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 để thấy mức độ "nóng" tại địa phương này. Với hơn 56 km biên giới trên bộ giáp Cam-pu-chia, hơn 200 km đường biển, có hàng nghìn tàu cá của ngư dân trong nước và quốc tế đang hoạt động… Kiên Giang được đánh giá là địa phương có "đường biên dài, vùng biển rộng nhưng khoảng cách nhỏ". Do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập tại Kiên Giang, nhất là khu vực biên giới là rất lớn.

Thực tế cho thấy, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, hàng loạt các chốt kiểm soát đã được lập dọc biên giới, nhưng theo đánh giá của lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang thì trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Cam-pu-chia, Kiên Giang và các tỉnh miền tây luôn tiềm ẩn nguy cơ khi bỏ sót trường hợp nhập cảnh trái phép trên bộ và trên biển. Ðối tượng nhập cảnh trái phép hiện nay chủ yếu là lao động tự do, từ khi lây nhiễm trên diện rộng trong cộng đồng tại Cam-pu-chia (từ ngày 20-2), những người này về nước khá nhiều. Từ sau ngày 20-2, đến nay Kiên Giang ghi nhận 1.262 người nhập cảnh từ Cam-pu-chia, trong đó có 36 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, trong đó tập trung kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, bổ sung lực lượng cho các chốt kiểm soát; kiểm soát chặt chẽ người và hàng hóa nhập cảnh qua cửa khẩu. Ðồng thời, nâng cao khả năng thu dung cách ly tập trung, kích hoạt các khu cách ly tập trung sẵn sàng cho các tình huống gia tăng số lượng trường hợp cách ly; đẩy mạnh công tác xét nghiệm tầm soát Covid-19 để phát hiện sớm các ca bệnh… Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại nước bạn vẫn rất phức tạp, nhiều người sẽ nhập cảnh về Việt Nam (cả hợp pháp và bất hợp pháp); đồng thời sẵn sàng các điều kiện cách ly, thu dung, tiếp nhận điều trị ngay tại tuyến đầu, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ như nâng cao năng lực xét nghiệm, hỗ trợ các trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao phục vụ công tác xét nghiệm khẳng định Covid-19; ưu tiên phân bổ vắc-xin cho tỉnh trong các chương trình phân bổ vắc-xin thời gian tới…

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, sự bùng phát dịch Covid-19 tại Thái-lan, Cam-pu-chia hiện nay chính là bài học lớn cho Việt Nam trong việc kiểm soát lây nhiễm. Khu vực biên giới Tây Nam, Tây Nam Bộ hiện nay là khu vực nóng của cả nước về phòng, chống dịch Covid-19. Trước tình hình nêu trên, Bộ Y tế thành lập năm đoàn kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố: Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Ðồng Tháp, Long An, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng. Các đoàn sẽ kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, khai báo y tế tại cửa khẩu, cách ly và giám sát y tế trong phòng, chống dịch đối với chuyên gia (người thân), công dân Việt Nam nhập cảnh vào Việt Nam…

Sau khi kiểm tra thực tế tại khu vực biên giới và làm việc với chính quyền địa phương, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định luôn sẵn sàng hỗ trợ các vấn đề chuyên môn và kỹ thuật để các địa phương ứng phó với dịch. Tuy nhiên, các địa phương trong khu vực cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các bộ, ban, ngành và của địa phương; tiếp tục thực hiện nghiêm việc quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 trên đường bộ và trên biển; tuyên truyền, phổ biến để huy động người dân tham gia công tác đấu tranh, tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép theo tinh thần "mỗi người dân là một chiến sĩ". Mặt khác, tăng cường, chủ động công tác lấy mẫu giám sát tại các địa điểm, nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhằm kiểm soát tốt và giúp phát hiện sớm các trường hợp bệnh tiềm ẩn, tránh nguy cơ dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng; tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ để phục vụ công tác xét nghiệm, tầm soát diện rộng cũng như sẵn sàng trong các tình huống, kịch bản có thể xảy ra. Thậm chí chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản cách ly, phong tỏa, phòng, chống dịch trước các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra kể cả các phương án xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, dịch bệnh lây lan trên diện rộng hay trường hợp gia tăng đột biến số người bệnh nhập cảnh về nước. Bộ Y tế cũng đã giao Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp địa phương xây dựng các phương án thành lập các khu vực điều trị có thể tiếp nhận các trường hợp người bệnh nặng đến rất nặng, tập huấn, hướng dẫn y tế địa phương có thể làm chủ các tình huống khó, các người bệnh nặng để thực hiện tốt đáp ứng phương châm " bốn tại chỗ" trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố kiểm soát chặt biên giới trên bộ và trên biển, ngăn chặn những người nhập cảnh trái phép và thực hiện cách ly đúng quy định; tăng cường tầm soát cộng đồng tại các khu vực có nguy cơ cao... Ðây là những vấn đề then chốt trong kiểm soát dịch ở nước ta hiện nay.

THÁI SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/kiem-soat-chat-bien-gioi-tren-bo-va-tren-bien-de-ngan-chan-dich-covid-19-642844/