Kiểm soát chặt an toàn bữa cỗ đông người

Thời gian qua, nhờ triển khai hiệu quả mô hình kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người, công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn Hà Nội đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập để mô hình hoạt động hiệu quả hơn.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mô hình hoạt động hiệu quả

Là địa phương triển khai mô hình kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người từ năm 2016 đến nay, huyện Thanh Oai đã phủ kín 21/21 xã, thị trấn trên địa bàn. Qua thống kê, trong năm 2019, toàn huyện có 2.940 bữa cỗ tập trung đông người, gồm cỗ cưới, giỗ, sinh nhật... (mỗi bữa có từ 60 - 800 người ăn), trong đó khoảng 95% các bữa cỗ là do gia đình tự chế biến. Trong khi đó, chính quyền địa phương mới chỉ quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, còn bữa cỗ tập trung đông người phần lớn là do các gia đình tự bảo đảm.

Theo điều tra năm 2019, cả xã Phương Trung, huyện Thanh Oai có 315 bữa cỗ tập trung đông người, khoảng 95% các bữa cỗ do gia đình, họ hàng tự nấu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có chủ hộ gia đình và những người tham gia trực tiếp làm cỗ chưa có đầy đủ kiến thức về ATTP. Điều kiện trang thiết bị dụng cụ chưa đầy đủ, thực hành vệ sinh cá nhân chưa bảo đảm…

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phương Trung Phạm Thị Hà Giang

Trưởng khoa ATTP, Trung tâm y tế (TTYT) huyện Thanh Oai Nguyễn Như Toan cho biết, để thực hiện tốt việc kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người, huyện chỉ đạo 21/21 xã, thị trấn thành lập, duy trì hoạt động Tổ giám sát tư vấn các điều kiện ATTP với 263 lượt cơ sở được kiểm tra, giám sát. Mỗi xã, thị trấn hỗ trợ tư vấn cho từ 120 - 150 bữa cỗ đông người, từ khâu kiểm soát nguyên liệu thực phẩm đến chế biến và tổ chức ăn uống, bảo quản, vận chuyển thức ăn. Qua giám sát, đa số các hộ gia đình tổ chức bữa cỗ tập trung đông người đã có ý thức về bảo đảm ATTP, cơ sở vật chất sạch sẽ, dụng cụ nấu nướng bảo đảm theo quy định. Nơi nấu ăn được phân khu riêng biệt, tách biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín.

Cùng thời điểm năm 2016, Phú Xuyên cũng là một trong hai địa phương đầu tiên của Hà Nội được chọn để triển khai thí điểm mô hình kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người. Từ 5 xã đầu tiên, đến nay huyện có 20/27 xã, thị trấn triển khai mô hình này. Nếu như trước đây, Phú Xuyên từng xảy ra các vụ ngộ độc tập thể tại bữa cỗ tập trung đông người thì sau 4 năm triển khai, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm rõ rệt. Qua giám sát, có 99% hộ gia đình sử dụng nước sạch tổ chức bữa cỗ tập trung đông người. 91% sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và 94% các hộ dân có lưu mẫu thức ăn tối thiểu 24 giờ…

Trong khi đó, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện, có 170 bữa cỗ tập trung đông người do gia đình tự nấu và 35 bữa thuê đội nấu cỗ lưu động, chưa xảy ra vụ ngộ độc tập thể nào. Huyện phấn đấu 27/27 xã, thị trấn trên địa bàn sẽ triển khai mô hình này trong thời gian tới.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo Giám đốc TTYT huyện Phú Xuyên Tiêu Ngọc Chiến, khó khăn khi triển khai mô hình là nhận thức của người dân về ATTP còn hạn chế. Đặc biệt, khó kiểm soát các đội nấu cỗ lưu động vì họ không đề biển hiệu. Hình thức nấu nướng lưu động, không có chỗ cụ thể, cơ sở chật hẹp. Khâu sơ chế, nấu nướng kéo dài, việc bảo quản không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP…

Đồng quan điểm, Trưởng khoa ATTP, TTYT huyện Thanh Oai Nguyễn Như Toan cho rằng, do người dân chủ yếu mua nguyên liệu thực phẩm tại các chợ ở địa phương nên khó truy xuất nguồn gốc. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ chưa đảm bảo, chưa phân khu riêng thức ăn sống, thức ăn chín. Khó khăn nhất là việc lưu mẫu thực phẩm tại các bữa cỗ. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của các tổ tư vấn giám sát của huyện tại các hộ gia đình, truyền thông về ATTP, khó khăn dần được khắc phục. Sau khi tập huấn, tuyên truyền, các địa phương yêu cầu người dân ký cam kết đảm bảo ATTP khi nấu cỗ. Từ đó, các gia đình tổ chức bữa cỗ tập trung đông người đã được nâng cao nhận thức, kỹ năng, thực hiện tốt ATTP.

“Để kiểm soát, quản lý được các cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu cỗ, Chi cục ATVSTP Hà Nội tăng cường công tác tập huấn chuyên môn về ATTP cho Ban chỉ đạo ATTP tại xã, trưởng thôn, y tế thôn, tổ tư vấn, giám sát cũng như đầu tư mua trang thiết bị xét nghiệm thử rượu. Ngoài ra, các địa phương cũng nên thường xuyên tổ chức tuyên truyền tại cộng đồng, phổ biến kiến thức về đảm bảo ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người” - ông Toan nhấn mạnh.

Phó Chi Cục Trưởng, Chi cục ATVSTP Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho hay, từ 2 địa phương triển khai điểm về mô hình này là huyện Thanh Oai và Phú Xuyên, đến hết năm 2019, TP đã nhân rộng đến 15 quận, huyện, thị xã với 155 xã, phường, thị trấn. Hiện nay, mô hình này đã được lan tỏa đến nhiều địa phương trên cả nước. Đề cập đến vấn đề tháo gỡ những khó khăn của mô hình, ông Tuấn cho rằng, thời gian tới, Chi cục và các địa phương trên địa bàn TP sẽ tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu, chủ động mời cán bộ chuyên môn đến hướng dẫn, tư vấn cho họ khi nhà có cỗ. Truyền thông xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của người dân để các địa phương có những bữa cỗ thực sự an toàn, đem lại sức khỏe cho cộng đồng. Ngoài ra, việc lựa chọn những người tham gia tổ tư vấn, giám sát cũng rất quan trọng. Đây cũng là yếu tố tạo nên sự thành công của mô hình…

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/kiem-soat-chat-an-toan-bua-co-dong-nguoi-392177.html