Kiểm soát cảm xúc khi dạy trẻ

Khi trẻ không nghe lời, ngang bướng, nhiều phụ huynh, giáo viên có xu hướng sử dụng đòn roi để giải quyết. Nhưng đó chưa phải là cách dạy con tích cực, cần thay đổi để có thế hệ trẻ tốt hơn về tư duy

Lúc ba mẹ la mắng, trách phạt bằng đòn roi, trẻ sẽ hình thành tư duy khoảng cách giữa người chịu phạt và người có quyền uy. Như vậy, ba mẹ sẽ khó là người đồng hành, hướng dẫn con trong quá trình lớn lên và phát triển. Đặc biệt, trẻ từ 2-11 tuổi khi bị kích động quá mức sẽ có khuynh hướng bỏ chạy hay phản kháng bằng bạo lực, từ chối tiếp nhận giáo dục.

Cảm xúc người lớn tác động đến hành vi của trẻ

Thầy Lester Stephens, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Sài Gòn Pearl (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho rằng mối quan hệ của ba mẹ và con trẻ ảnh hưởng rất nhiều đến cách con nhìn nhận bản thân và thế giới xung quanh, cách phát triển về nhận thức.

Theo thầy Lester, trong nghiên cứu về phương pháp dạy trẻ, thế giới có 2 quan điểm chính về cách dạy con. Thứ nhất, dạy trẻ bằng phương pháp công lý phục hồi, giáo viên và phụ huynh chú trọng vào mối quan hệ giữa mình và trẻ để hướng dẫn, chia sẻ cho trẻ hiểu thêm những lúc phạm lỗi. Khi đặt trẻ vào mối quan hệ với người lớn, môi trường với cơ sở vật chất, trẻ hiểu được mối quan hệ giữa mình và thế giới xung quanh, tạo được tinh thần trách nhiệm ở trẻ.

Thứ hai, số đông hơn, mọi người hành xử theo lối nuôi dạy con kiểu trách phạt, chú trọng nhiều hơn về nguyên tắc, muốn trẻ đi vào khuôn khổ, làm cho trẻ cảm thấy mặc cảm và có lỗi. Nếu không thực hiện đúng yêu cầu, trẻ sẽ bị trừng phạt bằng cách đánh, mắng…

Mỗi phương pháp sẽ có tác động khác nhau lên con trẻ, với phương pháp dạy con tích cực sẽ hỗ trợ chúng trong việc hình thành tính cách. Còn đối với việc trách phạt, trẻ sẽ thấy tức giận và có khuynh hướng trả đũa. Khi cảm xúc thay đổi sẽ ảnh hưởng đến hành vi.

Theo khoa học thần kinh, não chia ra 3 vùng chính: vùng phản xạ tự nhiên, vùng phát triển về cảm xúc và vùng phát triển tư duy ý thức. Trong trường hợp bị kích động quá mức, cơ thể và não sẽ ở vùng phản xạ tự nhiên, bất động hoặc bỏ chạy, đấu tranh.

"Cảm xúc của phụ huynh và giáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ, khả năng kích hoạt vùng phản xạ tự nhiên của họ và con trẻ là giống nhau. Khi trẻ bị đánh, mắng, cảm xúc sẽ trở nên giận dữ, máu đổ dồn từ vùng tư duy ý thức sang vùng phản xạ tự nhiên, khiến trẻ sợ, không sẵn sàng để tiếp nhận thông tin, không tiếp tục học được" - thầy Lester thông tin.

Sử dụng những phương pháp dạy tích cực để trẻ phát triển toàn diện

Sử dụng những phương pháp dạy tích cực để trẻ phát triển toàn diện

Đưa ra hình phạt khoa học

Thầy Nathan, giáo viên Trường Quốc tế Sài Gòn Pearl, đưa ra khuyến cáo phụ huynh nên dành thời gian trao đổi với con về những giá trị của chúng, giải thích về những lý do khi phụ huynh đưa ra yêu cầu cho trẻ. Khi trẻ phạm lỗi, phụ huynh cùng trẻ phân tích lỗi sai, ngồi lại nói chuyện với con để tìm ra nguyên nhân dẫn đến hành vi đó.

"Trẻ làm điều khó chịu hết lần này đến lần khác, sự tức giận và thất vọng của phụ huynh có thể tích tụ. Đôi khi họ không thể không tỏ ra bực bội nhưng hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Mục tiêu của giáo dục là phát triển nhân cách lâu dài, nếu một đứa trẻ tuân thủ vì sợ bị trừng phạt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khi trẻ trưởng thành" - thầy Nathan chia sẻ.

Ngoài ra, thầy Nathan nói rằng dù trẻ ở độ tuổi nào, điều quan trọng là phải nhất quán khi nói đến kỷ luật. Nếu phụ huynh, giáo viên không tuân theo các quy tắc mà họ thiết lập, trẻ cũng không có khả năng làm như vậy. Trẻ em cần sự nhất quán. Khi phụ huynh buộc con làm việc gì thì mình cũng phải làm được, là hình mẫu để con trẻ noi theo. Quan trọng hơn, tất cả mọi người tham gia dạy trẻ phải thống nhất những yêu cầu và hình phạt đối với trẻ.

Cô Huỳnh Thị Nga - giáo viên tiểu học tại quận 5, TP HCM - đưa ra quan điểm dạy trẻ để phát triển toàn diện, phụ huynh và giáo viên cần kiểm soát việc "cằn nhằn", lặp đi lặp lại những lời nhận xét không tốt đối với trẻ. Thay vào đó, nên có một bản cam kết, đưa ra giới hạn với trẻ về những hành vi được làm và không được làm, tập cho trẻ tính tự giác.

Trẻ cần được chỉ dẫn

Theo thầy Lester Stephens, một môi trường có thầy cô, ba mẹ thực hành phương pháp nuôi dạy con tích cực thì ở đó hình thành mối quan hệ rất tốt giữa trẻ - ba mẹ và giáo viên. Vì vậy, phụ huynh và giáo viên cần giữ bình tĩnh khi dạy trẻ, kiểm soát được cảm xúc của mình để đưa ra những giải pháp xử lý tích cực với những lỗi sai của trẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh và giáo viên nên đưa ra những hướng dẫn, yêu cầu cụ thể cho trẻ, ví dụ mình muốn con dọn giường gọn gàng thì cái gì cần phải gọn gàng...

Bài và ảnh: Nguyễn Thuận

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/kiem-soat-cam-xuc-khi-day-tre-20210320213304387.htm