Kiểm soát bệnh không lây nhiễm: Bắt đầu từ thực phẩm hàng ngày

Lần đầu tiên Hội thảo quốc tế về kiểm soát chế độ ăn uống liên quan đến bệnh không lây nhiễm tại châu Á được tổ chức từ ngày 19-21/11 tại Hà Nội, với sự tham dự của các chuyên gia đến từ 12 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mông Cổ, Sri Lanka, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Lào và Việt Nam.

Bệnh không lây nhiễm do 4 nhóm nguyên nhân chính gây ra gồm: Hút thuốc lá, uống rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và vận động thể lực. Trong đó, dinh dưỡng không hợp lý là một nguyên nhân cơ bản, có liên quan chặt chẽ đến bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, ung thư.

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên- Chủ tịch Hội Y học các nước Đông Nam Á, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, chúng ta đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Cụ thể, Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp. Gần 60% số này chưa được phát hiện bệnh và trên 80% chưa được quản lý điều trị. Hơn 3 triệu người bị tiểu đường thì gần 70% chưa phát hiện bệnh và trên 70% chưa được quản lý điều trị thuốc.

Về giải pháp kiểm soát hiệu quả bệnh không lây nhiễm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Dinh dưỡng hợp lý và thực phẩm lành mạnh sẽ là ưu tiên hàng đầu trong dự phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe người dân. Việt Nam tập trung theo hướng kiểm soát các yếu tố nguy cơ, khám phát hiện sớm, theo dõi liên tục, suốt đời bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm. Theo các chuyên gia, chế độ ăn ít rau và trái cây có liên quan đến 19% trường hợp ung thư dạ dày và ruột, 31% bệnh nhân thiếu máu tim cục bộ và 11% đột quỵ. Chế độ ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác…

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/an-toan-thuc-pham/kiem-soat-benh-khong-lay-nhiem-bat-dau-tu-thuc-pham-hang-ngay-tintuc423286