Kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế

Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao mới đây tổ chức Hội thảo khoa học 'Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Viện KSND qua 60 năm xây dựng và phát triển' thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo ngành kiểm sát qua các thời kỳ; đại diện nhiều cơ quan, ban, bộ, ngành T.Ư; nhiều chuyên gia, nhà khoa học và phóng viên các cơ quan báo chí.

Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao mới đây tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Viện KSND qua 60 năm xây dựng và phát triển” thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo ngành kiểm sát qua các thời kỳ; đại diện nhiều cơ quan, ban, bộ, ngành T.Ư; nhiều chuyên gia, nhà khoa học và phóng viên các cơ quan báo chí.

Chung quanh những vấn đề thời sự được dư luận xã hội rất quan tâm, nhiều nhà khoa học, lãnh đạo ban, ngành đánh giá cao vai trò của Viện KSND tối cao trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo thời gian qua. Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học cho rằng: Thời gian qua, Viện KSND tối cao thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Ban Chỉ đạo về đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Theo số liệu báo cáo, đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật đối với 77 vụ với 776 bị cáo trong tổng số 120 vụ án. Điểm nổi bật là nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời. Vừa qua, có nhiều bị can, bị cáo là những cán bộ giữ chức vụ cao trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước. Dư luận nhân dân trong nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong nước, nước ngoài bày tỏ đồng tình cao, ủng hộ trước những bước đột phá, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ “không có vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ việc phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Qua thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử những vụ án trọng điểm, điều đáng nói với một số vụ án, khi kết thúc điều tra, Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng truy tố trong thời gian rất ngắn, chỉ từ năm đến bảy ngày, trong khi luật quy định là 60 ngày. Hơn nữa, đã quan tâm thực hiện các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Các đại biểu tại hội thảo cũng nêu một trong những cách làm hay, sáng tạo trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi. Vừa qua, Viện KSND tối cao thực hiện cơ chế biệt phái kiểm sát viên của Viện KSND tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án trực tiếp tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án đó tại TAND cấp tỉnh. Từ đó mang lại những kết quả tích cực, giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu hồ sơ của kiểm sát viên; góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án lớn.

Nội dung trọng tâm được nhiều nhà khoa học, giới chuyên gia pháp luật chuyên ngành tập trung nêu, đó là công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng cần được quan tâm hơn nữa; từ đó sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều chủ trương, chính sách, quy định, góp phần hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng. Trước xu thế phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế ngày càng sâu rộng, việc chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng là nội dung quan trọng, cấp bách. Theo Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học, cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn thật sự có hiệu lực, hiệu quả. Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.

Thực tế những năm qua cho thấy, việc kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở nước ta nói chung, lĩnh vực phòng, chống tham nhũng nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở, tạo điều kiện cho tham nhũng phát sinh. Chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực ở các cấp. Hệ thống thể chế hiện hành chưa đủ bảo đảm cho mọi cơ quan hành pháp đều được kiểm soát; kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ còn yếu kém. Ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, thủ tục hành chính phức tạp, nhiêu khê, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tạo nên rào cản lớn đối với việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, hiệu quả.

Tham gia thảo luận nội dung nêu trên, GS, TSKH Lê Cảm, Giám đốc Trung tâm Luật Hình sự và Tội phạm học (Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) và các chuyên gia nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp và đổi mới Viện KSND trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay. Nhấn mạnh nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện KSND, GS, TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, tổ chức và hoạt động của Viện KSND phải tuân thủ các nguyên tắc: lãnh đạo tập trung, thống nhất trong toàn ngành; kết hợp vai trò của tập thể Ủy ban kiểm sát với Viện trưởng Viện KSND cùng cấp; kiểm sát viên chỉ tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện KSND. Qua đó làm rõ nội dung, ý nghĩa của các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện KSND trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phù hợp tiến trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ trong nhiều năm tới.

VĂN CHÚC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thoi-su-phap-luat/kiem-sat-hoat-dong-tu-phap-doi-voi-cac-vu-an-tham-nhung-kinh-te-613702/