Kiểm nghiệm thực phẩm: Làm sao để tránh hình thức?

Việc cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm lấy mẫu thực phẩm đem đến các phòng xét nghiệm để kiểm tra chất lượng sản phẩm là yêu cầu bắt buộc cần tiến hành để giám sát việc sản xuất, kinh doanh của DN, đồng thời cảnh báo chất lượng sản phẩm tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác này hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, thậm chí 'kết quả kiểm tra chỉ có sau khi hàng hóa đã tiêu thụ hết'.

Trong năm 2017 Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia đã thực hiện kiểm nghiệm hơn 40 nghìn mẫu thực phẩm các loại. Ảnh: DN.

Một mẫu hai kết quả?

Nói về công tác kiểm nghiệm thực phẩm hiện nay, bà Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia cho rằng, đây là công cụ duy nhất, là bằng chứng khoa học trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo bà Hảo, kiểm nghiệm thực phẩm phải áp dụng trong kiểm nghiệm nguyên liệu, kiểm nghiệm bán thành phẩm và kiểm nghiệm thành phẩm. Thống kê cho thấy, đến thời điểm hiện tại cả nước có 55/63 cơ quan kiểm nghiệm được công nhận đơn vị đạt tiêu chuẩn ISO 17025 về thực hiện, thực hành phòng kiểm nghiệm tốt, còn lại 8 phòng kiểm nghiệm vẫn chưa đạt được các tiêu chí để công nhận đạt chuẩn.

Về hạn chế trong công tác kiểm nghiệm thực phẩm hiện nay, theo Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia, có một thực tế đang tồn tại ở labo kiểm nghiệm thực phẩm đó là cùng một cơ sở kiểm nghiệm nhưng lại áp dụng phương pháp kiểm nghiệm thực phẩm khác nhau dẫn tới cùng một sản phẩm nhưng kết quả đánh giá chất lượng an toàn khác nhau. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý và mất niềm tin của người tiêu dùng.

Do vậy bà Hảo cho rằng cần phải thống nhất phương pháp kiểm nghiệm đối với tất cả các phòng thí nghiệm để với mỗi sản phẩm, nhà quản lý ở các vị trí khác nhau đều nhìn thấy chất lượng thực phẩm như nhau ở các kết quả kiểm nghiệm.

Không chỉ bản thân các cơ quan kiểm nghiệm đưa ra hai kết quả cho cùng một sản phẩm mà ngay cả các DN sản xuất kinh doanh cũng chung tình trạng này. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng thừa nhận, qua quá trình thanh, kiểm tra cơ quan quản lý nhà nước còn phát hiện ra thực tế có cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng khi đưa mẫu đi kiểm nghiệm thì đạt tiêu chuẩn nhưng khi kiểm tra thực tế chất lượng sản phẩm lại không giống với mẫu gửi cơ quan chức năng kiểm nghiệm.

Chưa kể, thực tế cho thấy hiện trong công tác kiểm nghiệm thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã còn nhiều khó khăn cả về thiết bị lẫn trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ. Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội cho biết, bên cạnh khó khăn cố hữu về cơ sở vật chất, thời gian qua Đoàn kiểm tra liên ngành của thị trấn đã áp dụng biện pháp lấy mẫu giám sát chất lượng an toàn thực phẩm, nhưng hiệu quả còn hạn chế bởi cán bộ chuyên môn yếu, lúng túng khi thao tác bộ thử nhanh thực phẩm. Còn theo ông Nguyễn Tứ, Phó Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng, hiện trên địa bàn TP. có một số trung tâm kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng cả 2 trung tâm này vẫn chưa đủ năng lực để kiểm nghiệm, phân tích hết các mẫu thực phẩm.

Dẫn chứng về hành trình kiểm nghiệm thực phẩm còn quá chậm trễ, ông Tứ nói, khi lần đầu tiên phát hiện chất Vàng ô ở trong măng tươi có khả năng gây ung thư, lực lượng chức năng tại TP. đã phải gửi mẫu ra Hải Phòng và chờ đợi gần 15 ngày mới có kết quả. “Bên cạnh đó, hiện nay có một số hoạt chất chưa được các bộ, ngành Trung ương chỉ định kiểm tra nên khi phát hiện ra chất đó có trong thực phẩm, cơ sở loay hoay không biết xử lý như thế nào. Đơn cử như Nattri Benzoat dùng trong sản xuất nem, chả, chất huỳnh quang có trong bún, mì đều chưa được chỉ định kiểm tra”, ông Tứ cho biết.

Ngoài ra, theo ông Tứ, khi tiến hành lấy mẫu có nghi ngờ về chất lượng thực phẩm, cơ quan chức năng chưa có quyền niêm phong, cấm tiêu thụ lô hàng, cũng không có cơ sở pháp lý để xử phạt hành chính. Đến khi có kết quả thì nguồn thực phẩm đó có khi đã đến tay người tiêu dùng hoặc được tiêu thụ hết, do vậy chưa phát huy được hiệu quả công tác kiểm nghiệm thực phẩm.

Test nhanh thực phẩm còn “ảo”

Qua tìm hiểu phóng viên được biết, để xác định chất cấm trong các cơ sở giết mổ vật nuôi, trang trại chăn nuôi, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã sử dụng hàng trăm bộ thử kit test nhanh chất Clenbuterol và Salbutamol (chất tăng trọng trong chăn nuôi). Sau các đợt kiểm tra nhanh tại cơ sở giết mổ vật nuôi ở Thanh Trì, Thanh Oai, Đông Anh, Chương Mỹ…, các đơn vị của Sở đã phát hiện hàng chục mẫu dương tính với chất cấm, nhưng khi đưa số mẫu này đi xét nghiệm chuyên sâu tại phòng thí nghiệm lại cho kết quả âm tính.

Lý giải về tình trạng này, đại diện Phòng Kiểm dịch, Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, thực tế test nhanh phát hiện chất cấm ở lò mổ cho thấy một số mẫu cho kết quả dương tính “ảo”. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra vẫn sử dụng để làm hồ sơ ban đầu vì nếu lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm phải mất từ 1 đến 2 tuần mới có kết quả, gây khó khăn cho công tác xử phạt.

Ở một khía cạnh khác, bà Bùi Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội cho biết, hiện các bộ kit test nhanh mới chỉ kiểm tra được một số chất thông dụng, còn đối với chất vàng ô Auramine (một loại thuốc nhuộm thực phẩm có độc tính cao bị cấm) trong chăn nuôi vẫn phải xét nghiệm chuyên sâu tại phòng thí nghiệm.

Do vậy theo ý kiến của ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thời gian tới các ngành chức năng hỗ trợ về kinh phí, cũng như thường xuyên mở các lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở để nâng cao trình độ chuyên môn về lấy mẫu, phân tích chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Các bộ, ngành liên quan như Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần xây dựng, ban hành bộ tiêu chí chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm để các tổ chức, cá nhân căn cứ vào đó tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn được công bố và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nhằm bảo đảm tính chủ động, giảm thiểu chi phí.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kiem-nghiem-thuc-pham-lam-sao-de-tranh-hinh-thuc.aspx