Kiểm lâm rừng ngập mặn yêu nghề, bám rừng

Với diện tích được giao quản lý bảo vệ gần 35 ngàn ha đất rừng ngập mặn và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Cần Giờ, TP.HCM, nhưng Hạt Kiểm lâm chỉ có 30 kiểm lâm viên chuyên trách, tính ra mỗi người phải gánh vác quản lý lên tới hơn 1.000ha.

Lãnh đạo Hạt KL Cần Giờ cùng với KLV địa bàn chấm tọa độ vùng tuần tra trên bản đồ, trước khi tiến hành đi kiểm tra thực địa theo kế hoạch

Theo ông Phùng Gia Hưng (Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Cần Giờ), mặc dù diện tích rừng quản lý rất lớn, nhưng bên cạnh còn có BQL Rừng phòng hộ là chủ rừng, giao khoán trực tiếp cho 12 đơn vị (hầu hết là lực lượng vũ trang địa phương) và 144 hộ dân địa phương bảo vệ rừng (BVR). Trong 12 đơn vị còn giao khoán lại cho 178 hộ dân khác. Theo quy định, mỗi hộ dân được giao khoán không quá 40ha đất rừng, chi phí nhận khoán hơn 1 triệu đồng/ha.

“Nhờ chung tay BVR của các đơn vị, người dân nên Hạt Kiểm lâm có nhiều thuận lợi trong công tác bảo vệ, tuần tra kiểm soát rừng. Nhiều ngư dân gắn bó với rừng ngập mặn lâu năm, họ thông thuộc địa hình có khi hơn cả anh em kiểm lâm. Lâu lâu bắt gặp cây gãy đổ, họ còn gọi điện nhắc chúng tôi. Bởi mọi người đều coi rừng là sinh kế, là cuộc sống của mình nên đều chung tay bảo vệ bên cạnh công việc mưu sinh của mình”, ông Hưng cho biết.

Anh Huỳnh Ngọc Giàu, kiểm lâm viên (KLV) địa bàn ở xã An Phú Đông chia sẻ, công việc chính của anh là phụ trách 2 tiểu khu, chủ động xây dựng kế hoạch tuần tra rừng, phối kết hợp với lực lượng Ban chỉ huy thống nhất ở xã về công tác quản lý BVR, nguồn lợi thủy sản.

“Do các đối tượng vi phạm thường thực hiện ngoài giờ hành chính, nhất là vào ban đêm nên chúng tôi làm việc bất kể ngày đêm, phải rong ghe đi trong những con sông, kênh rạch và xuyên rừng để tuần tra. Ngày nắng còn đỡ chứ mùa mưa như lúc này, công việc cực nhọc thậm chí nguy hiểm. Bốn bề sông nước, rừng hoang nên chỉ có một sự cố nào, dù nhỏ nhất cũng sẽ gây ra hậu quả khôn lường”.

-Công việc giữ rừng đặc thù và khá vất vả. Vậy lương của anh bao nhiêu/tháng?-Tôi hỏi.

“Tôi sinh năm 1989, tham gia công tác hoạt động kiểm lâm đã gần 5 năm. Lương trung cấp chưa đến 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ thêm 100kg gạo tương đương 250 ngàn đồng (đây là mức hỗ trợ của 20 năm trước, đến nay vẫn không thay đổi). Nếu không yêu nghề thì khó mà trụ được. Tuy nhiên, để có thu nhập thêm thì hầu hết anh em kiểm lâm cũng phải tranh thủ đặt lọp, bắt tôm cua... dưới tán rừng. Đó là, thủy triều ở Cần Giờ mỗi ngày lên/xuống 2 lần, khoảng trưa và đêm, mỗi lần chừng 2 - 3 giờ. Cứ khi nước xuống, nếu không có kế hoạch tuần tra là tôi đi đặt lọp men theo dòng sông, dòng kênh để bẫy các loài mực, tôm lóng, cua... rồi giao vợ bán cho thương lái”, anh Giàu chia sẻ.

Một chuyến tuần tra thực địa

Anh Nguyễn Hữu Lâm, KLV địa bàn xã Lý Nhơn, người gắn bó nhiều năm cùng những cánh rừng ngập mặn nơi đây cho biết, dưới những cánh rừng, đơn vị anh chia ra làm các tiểu khu, thường dựa vào kênh, rạch, tắc để quản lý, theo dõi...

Nhờ KLV bám sát địa bàn, phối hợp tốt với chủ rừng, đơn vị nhận khoán BVR cũng như sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2018 chỉ xảy ra 2 vụ phá rừng, 1 vụ khai thác rừng trái phép, trong đó tịch thu 1 xe máy, 1 ghe máy, 128kg địa sâm, 280 con chim Sắc Ô (đã thả về môi trường tự nhiên). So cùng kỳ năm ngoái thì số vụ vi phạm giảm đáng kể.

Cần Giờ có diện tích rộng hơn 700km2, chiếm 1/3 diện tích TP HCM nhưng hầu hết trong đó là rừng ngập mặn. Đặc biệt, rừng Cần Giờ là một trong những khu vực được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới bởi sự đa dạng sinh học. Những cánh rừng đước, sú, vẹt... không chỉ “lá phổi xanh” của TPHCM mà còn là nơi mang đến sinh kế cho hàng trăm cư dân địa phương.

ĐỖ QUYÊN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/kiem-lam-rung-ngap-man-yeu-nghe-bam-rung-post223844.html