Kiếm hiệp Kim Dung: Những mỹ nhân có võ công cao cường khiến đấng mày râu cũng phải nể phục

Trong các tác phẩm kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung luôn xuất hiện nhiều mỹ nhân xinh đẹp sở hữu võ công thâm hậu.

Lâm Triều Anh

Lâm Triều Anh là người sáng lập nên môn phái Cổ Mộ.

Lâm Triều Anh là người sáng lập nên môn phái Cổ Mộ.

Lâm Triều Anh không phải là nhân vật được nhắc đến nhiều lần trong các truyện võ hiệp Kim Dung, nhưng để lại được ấn tượng sâu sắc trong tâm trí độc giả. Bà chính là người sáng lập nên môn phái Cổ Mộ - môn phái mà sau này Tiểu Long Nữ và Dương Quá theo học.

Lâm Triều Anh cũng là người tình của đệ nhất cao thủ thời bấy giờ là Vương Trùng Dương. Trong tác phẩm Thần điêu đại hiệp, cố nhà văn Kim Dung đã mô tả chuyện tình của hai người vô cùng đẹp nhưng buồn.

Trong một lần gặp gỡ Quách Tĩnh trên núi Toàn Chân, Khưu Xứ Cơ có nói về Lâm Triều Anh qua bài thơ được khắc trên đá. Ông ta nói người viết trên đó là nhân vật kiệt xuất trong võ lâm, thân thế vô cùng đặc biệt, văn võ toàn tài, phiêu dật tuyệt luân, tuy không phải là thần tiên, song cũng là nhân kiệt trăm năm mới có.

Lâm Triều Anh vốn có tình ý, muốn sau này kết phu thê với Vương Trùng Dương, nhưng vì sự nghiệp chống giặc chưa thành nên Vương Trùng Dương dù biết vẫn cố né tránh chuyện này, khiến cho Lâm Triều Anh đau khổ, hai người từ thù hóa thành bạn, giờ đây vì tình cảm mà lại hóa thù địch, hẹn tỷ võ trên núi Chung Nam.

Vương Trùng Dương hết mực nhường nhịn, nhưng càng làm nàng ta tức giận hơn. Thế là ông đành phải động thủ, nhưng đấu mãi vẫn không phân thắng bại, điều đó càng khiến Lâm Triều Anh oán giận thêm vì nghĩ ông quá coi thường mình. Vương Trùng Dương đề nghị đấu Văn. Lâm Triều Anh nói nếu thua sẽ không làm phiền ông nữa, còn nếu thắng, nhất định nàng phải được ngôi cổ mộ. Ngụ ý là sống cùng với ông ở đó. Hai người hẹn nhau sáng hôm sau quyết đấu.

Sáng hôm sau, gặp nhau, nàng nói: “Nếu huynh đắc thắng, muội sẽ tự vẫn tại chỗ, thế là không bao giờ còn thấy mặt nhau. Nếu muội thắng, thì huynh phải cho muội trú trong Hoạt Tử Nhân Mộ, suốt đời nghe muội sai bảo, không được làm trái bất cứ việc gì. Nếu không, huynh sẽ phải xuất gia, hoặc làm đạo sĩ, hoặc làm hòa thượng. Dù làm đạo sĩ hay hòa thượng, thì cũng phải xây dựng tự quán trên núi, ở bên muội mười năm”.

Sau đó, trước sự kinh ngạc khôn xiết của Vương Trùng Dương, từng nét chữ như rồng bay phượng múa dần dần hiện ra trước mắt ông, nàng đã khắc một bài thơ nói về Trương Tử Phòng chống giặc Tần. Ngay tối hôm đó ông dọn ra ngoài cho nàng ở cổ mộ, còn ông thì xuất gia dựng một đạo quán ở bên cạnh nàng, đạo quán ấy là tiền thân của cung Trùng Dương, thuộc Toàn Chân Giáo sau này.

Sau khi vào cư trú nơi này, Lâm Triều Anh tìm hiểu một số môn võ công mà Vương Trùng Dương khắc họa ở đây, rồi nghiền ngẫm sáng chế cách khắc chế môn võ công đó viết nên bộ Ngọc nữ tâm kinh.

Ngọc nữ tâm kinh là môn võ công mà Lâm Triều Anh dành cả đời mình trong cổ mộ viết nên, cốt chỉ để khắc chế toàn bộ võ công của Vương Trùng Dương và phái Toàn Chân.

Video: Vương Trùng Dương đấu viết chữ với Lâm Triều Anh.

A Cửu

Trường Bình công chúa là nhân vật có thật trong lịch sử, là con gái của Sùng Trinh - vua cuối cùng nhà Minh. Trong Bích huyết kiếm, nàng xuất hiện với tên A Cửu, là người yêu của nhân vật chính Viên Thừa Chí. Nàng được mô tả có vẻ đẹp khuynh thành với làn da trắng, má đỏ hồng, giọng nói trong trẻo, đồng thời dịu dàng, giỏi võ, giỏi âm nhạc. Trong cơn biến loạn, A Cửu bị cha cắt đứt một cánh tay. Sau khi Viên Thừa Chí ra hải ngoại, nàng xuất gia và góp mặt với vai phụ trong tiểu thuyết Lộc đỉnh ký.

Còn tiếp...

Quốc Tiệp (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kiem-hiep-kim-dung-nhung-my-nhan-co-vo-cong-cao-cuong-khien-dang-may-rau-cung-phai-ne-phuc-a472496.html