Kiếm hiệp Kim Dung: Những môn khinh công lợi hại nhất võ lâm ít người biết

Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, khinh công được xem là một môn công phu phổ biến. Kim gia đã viết về rất nhiều môn khinh công lợi hại như Bích hổ du tường Thê vân tung, Thủy thượng phiêu, Thần hành bách biến...

Bách biến quỷ ảnh

Cảnh trong phim Bích huyết kiếm.

Cảnh trong phim Bích huyết kiếm.

Bách biến quỷ ảnh là môn khinh công của phái Hoa Sơn, trong tiểu thuyết Bích huyết kiếm kể rằng, hồi ở núi Hoa Sơn, Mộc Tang đạo nhân không dạy môn khinh công tuyệt tác Bách biến quỷ ảnh (Bóng ma trăm biến) cho Viên Thừa Chí là vì lúc ấy võ nghệ của Thừa Chí hãy còn non nớt, học được cũng vô dụng, và cũng chưa chắc đã hiểu.

Lần này vì Thừa Chí có hẹn ở Vũ Hoa đài với Quy nhị nương, vợ Thần Quyền Vô Địch Quy Thân Thụ, nhị sư huynh của Thừa Chí. Biết chàng không ra tay thì Quy nhị nương không để yên nhưng lại không thể đánh thật được nên Mộc Tang đạo nhân mới mượn Ôn Thanh Thanh gián tiếp truyền cho chàng.

Võ nghệ tuy không được tinh xảo, nhưng Thanh Thanh nhờ có trí nhớ hơn người lại thêm tinh khôn, biết Mộc Tang truyền cho mình là giả, mà truyền cho Thừa Chí là thật. Nên lúc đó, nàng cứ cố nhớ từ khẩu quyết, hành động, tay chân, thân pháp, vân vân. Nàng đều nhớ thuộc không sót một tí nào và đọc lại nguyên văn và biểu diễn cho Thừa Chí xem.

Sau đó Viên Thừa Chí cố công suy nghĩ đem hỗn hợp Trường quyền Thập đoạn cẩm của phái Hoa Sơn với Bách biến quỷ ảnh như vậy kiêm cả sở trường của hai môn sáng tạo một môn võ tuyệt kỹ mới. Chàng nhờ Tiêu Uyển Nhi và mười vị sư huynh đệ của Kim Long bang, mỗi người xách một thùng nước đứng chung quanh luyện võ trường, chàng đứng ở giữa. Mỗi người tạt nước vào trong lúc chàng nhảy nhót luồn cúi, tránh Đông né Tây. Chờ mấy thùng nước đã tạt hết, chỉ có tay áo bên phải và chân trái hơi bị ướt thôi.

Thủy thượng phiêu

Trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu, Cừu Thiên Nhận là Bang chủ Thiết Chưởng Bang, biệt hiệu Thiết chưởng Thủy thượng phiêu, nổi tiếng với tuyệt chiêu Thiết chưởng và công phu Thủy thượng phiêu (môn khinh công đi trên mặt nước).

Theo lý mà nói thì khinh công của Thiết chưởng Thủy thượng phiêu Cừu Thiên Nhận cũng cực cao, nhưng ấn tượng của ông ấy lại trước sau chỉ thấy thiết trượng (chưởng sắt) chứ không phải bay nhảy, điều này có thể có liên quan với ngoại hình của ông.

Thủy thượng phiêu khi luyện thành đi lại trên nước như trên mặt đất. Năm xưa Cừu Thiên Nhận đấu với Chu Bá Thông, hai người bám theo nhau hàng vạn dặm, từ Trung Nguyên đến Tây Vực, Lão Ngoan đồng võ công cao siêu như thế mà cũng không theo kịp.

Cừu Thiên Nhận là Bang chủ Thiết Chưởng Bang, biệt hiệu Thiết chưởng Thủy thượng phiêu.

Kim nhạn công

Kim nhạn công là khinh công độc môn của Toàn Chân giáo. Mã Ngọc lúc đầu dạy cho Quách Tĩnh bằng cách buộc Quách Tĩnh vào sợi dây, truyền thụ khẩu quyết và yêu cầu Quách Tĩnh leo lên vách đá. Khi Quách Tĩnh thành thạo rồi thì tự mình dùng Kim nhạn công để leo lên vách đá mà không cần dùng dây buộc. Lúc giao đấu với Kim Luân Pháp Vương trên tường thành Tương Dương, Quách Tĩnh lúc rơi xuống đã dùng Kim nhạn Công đạp lên tường thành mà chạy thẳng lên nhảy vào trong thành.

Thần hành bách biến

Đây là một môn khinh công cao cường. Môn võ công này xuất hiện trong Lộc đỉnh ký cùng với Bích huyết kiếm do Mộc Tang đạo nhân của Thiết Kiếm Môn sáng tạo. Về sau lại truyền cho A Cửu-Cửu Nạn, Cửu Nạn lại truyền cho Vi Tiểu Bảo.

Thượng thiên thê

Thượng thiên thê (nghĩa là thang lên trời) là môn khinh công dùng hai chân leo lên mặt phẳng thẳng đứng xuất hiện trong truyện Thần điêu đại hiệp.

Quách Tĩnh hồi nhỏ ở Mông Cổ được Mã Ngọc phái Toàn Chân truyền thụ cho bộ môn khinh công này. Về sau, khi Quách Tĩnh một mình bị quân Mông Cổ vây hãm ngoài thành Tương Dương tưởng như không có cách nào thoát thân đã sử dụng công phu này để leo lên thành, thể hiện nội lực và võ công kinh thế hãi tục khiến mấy chục vạn quân trong và ngoài thành trố mắt kinh ngạc.

Xà hành ly phiên

Xuất hiện trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu, Xà hành ly phiên là một trong nhiều môn khinh công được ghi lại trong Cửu âm chân kinh, đây là một môn thân pháp dùng để tránh né võ công. Môn võ công này dựa theo cách di chuyển của loài rắn mà sáng tạo ra, tuy nhiên khi dùng bộ thân pháp này phải lăn lộn vòng vòng trên mặt đất rất ảnh hưởng tới hình tượng nhưng vô cùng thực dụng.

Thê vân tung

Thê vân tung là khinh công nổi tiếng của Phái Võ Đang. Khi sử dụng thân thể nhảy vọt lên như chim hạc bay, linh hoạt dị thường, người đời gọi là Nhất hạc xung thiên.

Trương Thúy Sơn đã từng sử dụng môn này.Chân phải y đạp vào vách núi một cái, mượn sức,vọt lên đến hai trượng.

Trương Vô Kỵ cũng sử dụng môn này trên đình Quang Minh. Nguyên Vô Kỵ hồi nhỏ theo cha, Thái sư phụ và các sư thúc, sư bá học võ, tuy chàng chưa chính thức lần lượt học hết võ công của phái Võ Ðang, nhưng chàng đã mắt thấy tai nghe rất nhiều, bây giờ lại luyện thành công môn thần công Càn khôn đại na di nên bất luận võ công môn phái nào chàng muốn sử dụng tức thì sử dụng được ngay.

Bích hổ du tường

Ảnh minh họa.

Thiếu Lâm là một môn phái lớn trong thế giới kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, với hệ thống võ thuật uyên thâm, cũng là cái nôi của nhiều môn võ thuật khác. Các nhà sư Thiếu Lâm đều có công phu rất cao, và nổi tiếng với 72 tuyệt kỹ.

Trong đó, Bích hổ du tường (Thằn lằn leo tường) là môn khinh công rất độc đáo. Đây là một trong 72 tuyệt kỹ công phu của võ thuật Thiếu Lâm. Các tăng nhân đi lại trên bức tường nhẹ nhàng như “én”, như trên đất bằng.

Quốc Tiệp (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kiem-hiep-kim-dung-nhung-mon-khinh-cong-loi-hai-nhat-vo-lam-it-nguoi-biet-a468771.html