Kiếm hiệp Kim Dung: Không phải Dịch cân kinh đây mới là môn thần công mạnh nhất võ lâm

Tuy không nổi tiếng như Dịch cân kinh, Hàng long thập bát chưởng, Cửu dương thần công hay Cửu âm chân kinh… nhưng theo Kim Dung mô tả trong Hiệp khách hành thì Thiên thái huyền kinh mới là môn thần công mạnh nhất giúp cho người luyện thành có sức mạnh kinh thiên động địa.

Hiệp khách hành là một trong những tiểu thuyết võ hiệp của cố nhà văn Kim Dung, có nội dung xoay quanh các cuộc phiêu lưu của Thạch Phá Thiên và xoay quanh bài thơ Hiệp khách hành của thi tiên Lý Bạch. Hiệp khách hành là câu chuyện hoàn toàn không có sự liên hệ với lịch sử, với những tình tiết mang tính chất mờ ảo, thần thoại. Chỉ có thể đoán rằng nó xảy ra sau thời kỳ Nguyên-Minh, khi mà đã xuất hiện phái Võ Đang.

Tạo hình Thạch Phá Thiên trong phim Hiệp khách hành 2002.

Tạo hình Thạch Phá Thiên trong phim Hiệp khách hành 2002.

Xuất hiện trong truyện Hiệp khách hành, Hiệp khách thần công (Thiên thái huyền kinh) là một môn thần công do một vị cổ nhân sáng tạo ra và khắc trên vách ở 24 gian thạch thất trên Hiệp Khách đảo. Vị cổ nhân đó đã chiếu theo bài thơ của một vị thi nhân thời Đường là Lý Bạch, bài thơ như sau:

Triệu khách mạn hồ anh,

Ngô câu sương tuyết minh

Ngân yên chiếu bạch mã

Táp nạp như lưu tinh

Thập bộ sát nhất nhân

Thiên lý bất lưu hành

Sự liễu phất y khứ

Thâm tàng thân dữ danh

Nhàn quá Tín lăng ẩm

Thất kiếm tất tiền hoành

Tương chích đạm Chu Hợi

Trì Trường khuyến Hầu Doanh

Tam bôi thổ nhiên nặc

Ngũ nhạc đảo vi khinh

Nhãn hoa nhĩ nhiệt hậu

Ý khí tố nghê sinh

Cứu Triệu huy kim chùy

Hàm Đan tiên chấn kinh

Thiên thu nhị tráng sĩ

Huyên hách Đại Lương thành

Túng tử hiệp cốt hương

Bất tàm thế thượng anh

Thùy năng thư các hạ

Bạch thủ Thái huyền kinh.

Vị cao nhân đã gói gọn môn thần công của mình chỉ trong 24 câu thơ viết trong 24 gian thạch thất, kèm theo những câu thơ trên những gian thạch thất là những đồ hình, văn tự chú thích mà vị cổ nhân đó đã khắc nên. Trong 24 gian thạch thất này thì mỗi gian lại là một môn võ công khác nhau. Có gian thì dạy kiếm pháp, gian dạy nội công, gian dạy khinh công, chưởng pháp… ẩn chứa võ học tinh yếu cao thâm đến đáng sợ.

Nhiều cao thủ nghiên cứu nhưng vẫn không ngộ ra

Long - Mộc đảo chủ.

Năm xưa, có 2 vị tiền bối một người tên Long một người tên Mộc đã có cơ duyên lấy được tấm địa đồ và tìm ra được hòn đảo này. Sau đó 2 người đã chiếu theo những bức đồ giải trên trên vách đá mà tu tập nhưng khó khăn ở chỗ tuy võ công của 2 người đã tịnh tiến tới mức xuất quỉ nhập thần nhưng chung qui lại 2 người vẫn luyện sai đường.Phàm những môn võ công thượng thừa nguyện luyện chỉ cần sai trật một chút cũng dẫn đến tẩu hỏa nhập ma nhưng hết thảy 2 vị đảo chúa này lại không bị sao.

Rồi sau đó 2 vị đã không biết mời bao nhiêu cao thủ võ lâm nên đảo cùng nghiên cứu nhưng rồi kết quả cũng vậy, không ai luyện giống ai, tất cả đều luyện sai hết. Chính vì vậy đã dẫn đến giai thoại trên giang hồ, rằng ở ngoài Đông Hải có một đảo nhỏ, trên đó có một lực lượng võ công cao cường. Cứ mười năm một lần, đảo chủ sẽ cử vào Trung Nguyên hai người gọi là hai sứ giả Thưởng thiện Phạt ác tìm đến các bang hội lớn trên giang hồ đưa hai tấm thẻ đồng (một tấm gọi là Thưởng thiện, một tấm gọi là Phạt ác) mời đích danh người đứng đầu đến dự tiệc cháo Lạp Bát trên đảo Hiệp khách.

Hai sứ giả Thưởng Thiện – Phạt Ác từ đảo Hiệp Khách và 2 thẻ bài – Nỗi khiếp sợ của võ lâm.

Bang hội nào không tuân theo đều bị tiêu diệt, hai sứ giả này võ công cực kỳ cao cường, không có bang hội nào đánh lại. Đã ba lần đảo Hiệp khách đến mời người, và những người đi đều không trở về. Đảo Hiệp khách được bao trùm bởi một màn sương mù bí ẩn, chết chóc, là nỗi khiếp sợ của võ lâm Trung Nguyên, và kiếp nạn này lại sắp xảy ra.

Thạch Phá Thiên do không biết chữ nên đã vô tình luyện thành thần công

Cho đến khi một chàng trai tên Thạch Phá Thiên xuất hiện (bang chủ Trường Lạc bang) đã khẳng khái nhận lệnh bài “Thưởng thiện Phạt ác” đi đảo Hiệp Khách dự yến Lạp Bát Sứ (Đối với bang Trường Lạc hay với người ngoài đều hiểu là đi chết thay). Nhờ bản tính ngay thẳng, thật thà, nghĩa khí, trung hậu và duyên số, do không biết chữ nên khi chàng nhìn vào chữ nào là thấy nó chuyển động bay vào các khiếu huyệt trên người, và biến thành hình thù các thế võ và luyện theo mà cũng không biết là gì vô tình luyện được thành Thiên thái huyền kinh, trở thành người có nội lực và võ công đạt đến mức kinh thiên động địa.

Té ra vị cao nhân đời trước đã có sắp đặt từ trước những câu thơ chú thích chỉ là những thứ đánh lừa người luyện, dẫn họ đi sai đường. Pho võ học Thiên thái huyền kinh này thực chất là những sợi dây cùng phương vị kinh mạch phàm những người tu tập thường chú ý đến những câu thơ, những văn tự cổ nhưng không ai chú ý đến điều này. Chỉ có Thạch Phá Thiên do không biết chữ nên đã vô tình ngộ ra.

Giây phút Thạch Phá Thiên ngộ ra võ học thượng thừa nhờ sự giúp sức của 2 vị chúa đảo.

Hai vị đảo chủ đảo Hiệp Khách là Long, Mộc với võ công và sức mạnh nội lực được coi là vô song thiên hạ bấy giờ khi liên thủ đã có một phen so tài “ngoài hệ Ngân Hà” với Thạch Phá Thiên, mặc dù thua, nhưng 2 vị đã hiểu được bí mật đảo hiệp khác và bài cổ thi này, rất vui mừng vì đã hoàn thành sứ mệnh tìm truyền nhân cho bí kíp võ công này, 2 vị quy tiên, đảo Hiệp Khách bị núi lửa nhấn chìm, các cao thủ quay trở lại Trung Nguyên, kết thúc huyền hoại về đảo Hiệp Khách.

Video: Thạch Phá Thiên dùng Thiên thái huyền kinh đấu với Dịch cân thần công của Bối Hải Thạch.

Quốc Tiệp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kiem-hiep-kim-dung-khong-phai-dich-can-kinh-day-moi-la-mon-than-cong-manh-nhat-vo-lam-a439794.html