Kiếm hiệp Kim Dung: Cặp đôi cao thủ số 1 trong Xạ điêu tam bộ khúc nhưng ít người biết đến

Lâm Triều Anh là người sáng lập ra phái Cổ Mộ còn Vương Trùng Dương - đệ nhất cao thủ lúc bấy giờ là người sáng lập ra phái Toàn Chân, hai người có tình cảm với nhau nhưng lại không có thể thành đôi khiến cho hậu thế không khỏi nuối tiếc thay.

Vương Trùng Dương - Lâm Triều Anh là một cặp đôi toàn tài nhưng do Vương Trùng Dương khởi binh chống Kim bất thành nên phải lui về núi Chung Nam, lập ra phái Toàn Chân. Ông phụ tình nữ hiệp Lâm Triều Anh nên khiến nàng tức giận.

Lâm Triều Anh vì hận Vương Trùng Dương nên lập ra phái Cổ Mộ với mục tiêu phá giải mọi võ công của Toàn Chân giáo. Bí kíp chân truyền của Cổ Mộ là Ngọc nữ tâm kinh, sau truyền tới Tiểu Long Nữ rồi Dương Quá.

Vương Trùng Dương - Lâm Triều Anh có tình nhưng không đến được với nhau.

Vương Trùng Dương - Lâm Triều Anh có tình nhưng không đến được với nhau.

Vương Trùng Dương được cố nhà văn Kim Dung tiểu thuyết hóa trở thành một nhân vật vắng mặt trong Xạ điêu tam bộ khúc (là bộ ba tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung gồm có: Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp và Ỷ thiên đồ long ký). Trong truyện, Vương Trùng Dương mất trước khi thời đại Xạ điêu bắt đầu. Những câu chuyện về ông thường được kể thông qua sư đệ Chu Bá Thông trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu và các học trò của ông trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp kể lại. Vương Trùng Dương có ngoại hiệu Trung Thần Thông, võ công vô địch thiên hạ. Ông chiến thắng ở Hoa Sơn luận kiếm lần đầu, do đó giành được bộ Cửu âm chân kinh.

Thuở thiếu thời Vương Trùng Dương là một hảo hán hành hiệp giang hồ. Vì nghĩa lớn mà dựng cờ chống giặc Kim, lập nhiều chiến công oanh liệt. Thế nhưng lúc đó khí thế quân Kim quá mạnh, nghĩa quân về sau đại bại, Vương Trùng Dương phẫn uất mà xuất gia, không màng thế sự nữa, tự xưng là Hoạt Tử Nhân, sống trong ngôi cổ mộ sau núi Chung Nam. Hoạt Tử Nhân nghĩa là sống cũng như chết, suốt mấy năm liền không ra khỏi mộ vì không muốn đội trời chung với giặc Kim.

Vương Trùng Dương chống giặc Kim không thành lui về núi Chung Nam, lập ra phái Toàn Chân.

Rất nhiều bằng hữu giang hồ đến khuyên bảo, nhưng Vương Trùng Dương vẫn kiên quyết không bước nửa bước ra khỏi mộ. Tám năm sau đó, một kình địch ngày trước của ông đến bên mộ, nhục mạ và chửi mắng ông suốt bảy ngày bảy đêm. Chịu hết nổi, ông liền ra giao đấu. Vừa bước ra khỏi mộ, thì người ấy cười to: “Đã ra khỏi mộ, tức là sống lại rồi, thì không được vào mộ nữa”. Thì ra kình địch nhục mạ vì thiện ý, không muốn ông chôn vùi tài năng trong mộ ấy. Hai người hóa thành bằng hữu, phiêu bạt giang hồ. Kình địch ấy là nữ hiệp Lâm Triều Anh.

Lâm Triều Anh không chỉ xinh đẹp mà còn là một cao thủ võ lâm.

Trong một lần gặp gỡ Quách Tĩnh trên núi Toàn Chân, Khưu Xứ Cơ có nói về Lâm Triều Anh qua bài thơ được khắc trên đá. Ông ta nói người viết trên đó là nhân vật kiệt xuất trong võ lâm, thân thế vô cùng đặc biệt, văn võ toàn tài, phiêu dật tuyệt luân, tuy không phải là thần tiên, song cũng là nhân kiệt trăm năm mới có.

Lâm Triều Anh vốn có tình ý, muốn sau này kết phu thê với Vương Trùng Dương, nhưng vì sự nghiệp chống giặc chưa thành nên Vương Trùng Dương dù biết vẫn cố né tránh chuyện này, khiến cho Lâm Triều Anh đau khổ, hai người từ thù hóa thành bạn, giờ đây vì tình cảm mà lại hóa thù địch, hẹn tỷ võ trên núi Chung Nam.

Vương Trùng Dương hết mực nhường nhịn, nhưng càng làm nàng ta tức giận hơn. Thế là ông đành phải động thủ, nhưng đấu mãi vẫn không phân thắng bại, điều đó càng khiến Lâm Triều Anh oán giận thêm vì nghĩ ông quá coi thường mình. Vương Trùng Dương đề nghị đấu Văn. Lâm Triều Anh nói nếu thua sẽ không làm phiền ông nữa, còn nếu thắng, nhất định nàng phải được ngôi cổ mộ. Ngụ ý là sống cùng với ông ở đó. Hai người hẹn nhau sáng hôm sau quyết đấu.

Sáng hôm sau, gặp nhau, nàng nói: “Nếu huynh đắc thắng, muội sẽ tự vẫn tại chỗ, thế là không bao giờ còn thấy mặt nhau. Nếu muội thắng, thì huynh phải cho muội trú trong Hoạt Tử Nhân Mộ, suốt đời nghe muội sai bảo, không được làm trái bất cứ việc gì. Nếu không, huynh sẽ phải xuất gia, hoặc làm đạo sĩ, hoặc làm hòa thượng. Dù làm đạo sĩ hay hòa thượng, thì cũng phải xây dựng tự quán trên núi, ở bên muội mười năm”.

Vương Trùng Dương - Lâm Triều Anh.

Ở vào tình thế này, Vương Trùng Dương buộc lòng phải thua vì không nỡ thấy nàng tự sát. Nhưng nàng ra câu đố là dùng ngón tay khắc chữ trên vách đá, nét chữ ai đẹp hơn thì thắng. Về nét chữ, Vương Trùng Dương là bậc kỳ tài, tuyệt không thể thua, nhưng dùng ngón tay viết trên đá lại là một chuyện khác. Xét về chỉ lực thời đó, có Nhất Dương Chỉ của họ Đoàn ở Đại Lý là mạnh nhất, nhưng khắc chữ trên gỗ chưa chắc làm được huống hồ là vách đá vững chắc. Vì vậy mà ông nói rằng mình chịu thua không thể làm được, nhưng nếu nàng cũng không làm được thì xem như huề, không cần tỷ thí nữa. Ông muốn cục diện huề nhau, ông không thắng thì nàng không tự sát, nàng cũng không thắng được thì ông không cần phải đi tu và sống bên nàng mười năm.

Sau đó, trước sự kinh ngạc khôn xiết của Vương Trùng Dương, từng nét chữ như rồng bay phượng múa dần dần hiện ra trước mắt ông, nàng đã khắc một bài thơ nói về Trương Tử Phòng chống giặc Tần. Ngay tối hôm đó ông dọn ra ngoài cho nàng ở cổ mộ, còn ông thì xuất gia dựng một đạo quán ở bên cạnh nàng, đạo quán ấy là tiền thân của cung Trùng Dương, thuộc Toàn Chân Giáo sau này.

Sau khi vào cư trú nơi này, Lâm Triều Anh tìm hiểu một số môn võ công mà Vương Trùng Dương khắc họa ở đây, rồi nghiền ngẫm sáng chế cách khắc chế môn võ công đó viết nên bộ Ngọc nữ tâm kinh.

Ngọc nữ tâm kinh là môn võ công mà Lâm Triều Anh dành cả đời mình trong cổ mộ viết nên, cốt chỉ để khắc chế toàn bộ võ công của Vương Trùng Dương và phái Toàn Chân.

Có một lần sau khi Lâm Triều Anh qua đời trong cổ mộ, Vương Trùng Dương có đến ngôi cổ mộ và thấy võ công Ngọc nữ tâm kinh được Lâm Triều Anh khắc lên hết sức tinh vi ảo diệu, mỗi chiêu đều là khắc tinh của võ công phái Toàn Chân, thì bất giác tái mặt, lập tức rời tòa nhà mồ, vào rừng sâu, ba năm liền không xuống núi, nghiền ngẫm cách hóa giải Ngọc nữ tâm kinh, tuy một số chỗ có thành tựu, nhưng cuối cùng vẫn không tạo thành một bộ võ công hoàn chỉnh. Khâm phục tài trí của Lâm Triều Anh, cam bái hạ phong, không nghiên cứu nữa.

Ngọc nữ tâm kinh là khắc tinh của Toàn Chân kiếm pháp, chiêu thức nào cũng áp đảo chiêu thức của phái Toàn Chân, bước nào cũng đối đầu và chiếm tiên cơ, Toàn Chân kiếm pháp bất kể biến hóa cách nào, cũng không thoát nổi sự chế ngự của Ngọc nữ tâm kinh.

Tiểu Long Nữ và Dương Quá luyện Song kiếm hợp bích trong Ngọc nữ tâm kinh.

Ngoài Ngọc nữ tâm kinh thì Lâm Triều Anh còn sáng tạo ra hai môn võ khác là Băng phách ngân châm và Ngọc phong châm.

Sau lần Luận kiếm, Vương Trùng Dương trở thành thiên hạ đệ nhất, sở hữu Cửu Âm chân kinh, ông xem qua và dựa vào đó nghĩ ra cách hóa giải được Ngọc nữ tâm kinh nên đã đem Cửu âm chân kinh khắc trong mộ để hậu nhân của phái Cổ Mộ biết được. Có điều là Vương Trùng Dương cho rằng, Ngọc nữ tâm kinh là do Lâm Triều Anh tự sáng tạo ra, còn mình thì phải dựa vào di thư của người khác, so ra kém một bậc, nên sau đó ông ta tự khiêm nhường, thường dặn đệ tử phải theo cái đạo nghiêm khắc với mình, nhường nhịn người khác, nhận phần thiệt thòi.

Khưu Xứ Cơ cũng từng nói: “Luận về võ công, người ấy còn cao hơn cả bốn đại tông sư lúc bấy giờ còn với tổ sư Vương Trùng Dương cũng không biết ai thắng ai bại, nhưng là nữ nên không xuất đầu lộ diện, vì thế ít ai biết đến”.

Bốn đại tông sư mà Khưu Xứ Cơ muốn nói đấy chính là Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái.

Quả thật thời ấy đương kim thiên hạ sánh ngang được với Vương Trùng Dương chỉ có Lâm Triều Anh, ai cũng là tuyệt đỉnh cao thủ, yêu thương nhau nhưng rồi kẻ xuất gia làm Đạo sĩ, người chôn vùi cả đời trong ngôi cổ mộ, sáng tạo ra những môn võ công chỉ để khắc chế lẫn nhau thật khiến cho hậu thế không khỏi tiếc nuối cho cặp đôi này.

Video: Vương Trùng Dương đấu viết chữ với Lâm Triều Anh.

Quốc Tiệp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kiem-hiep-kim-dung-cap-doi-cao-thu-so-1-trong-xa-dieu-tam-bo-khuc-nhung-it-nguoi-biet-den-a443476.html