Kiếm hiệp Kim Dung: Bốn cao thủ ẩn danh vì si mê cầm kỳ thi họa mà chuốc họa vào thân

Giang Nam tứ hữu được trời phú bẩm cho tài hoa, không ham thi thố, sống quy ẩn lánh đời, thế nhưng định mệnh cũng không chịu buông tha. Đã bị Hướng Vấn Thiên và lợi dụng sự si mê cầm kỳ thi họa đến quá mức của bốn người để nhân cơ hội cứu chủ.

Tiếu ngạo giang hồ là một trong những tiểu thuyết đặc sắc nhất của cố nhà văn Kim Dung, với nhiều thành công về nội dung, cốt truyện, thủ pháp văn học. Tiếu ngạo giang hồ đã có một hệ thống nhân vật phong phú với nhiều nhân vật điển hình để lại nhiều ấn tượng cho người đọc. Trong đó, thảm kịch của Giang Nam tứ hữu tại Cô Mai sơn trang có lẽ là thảm kịch não nùng nhất về hệ lụy của hai chữ tài hoa.

Cảnh trong phim Tiếu ngạo giang hồ 2001.

Cảnh trong phim Tiếu ngạo giang hồ 2001.

Giang Nam tứ hữu là một nhóm gồm bốn nhân vật kết nghĩa anh em của Nhật Nguyệt thần giáo sống ở Cô Mai sơn trang bên cạnh Tây Hồ ở thành Tô Châu, gồm có Hoàng Chung Công, Đan Thanh tiên sinh, Ngốc Bút Ông và Hắc Bạch Tử, đều là những người tài hoa, mê cầm kỳ thi họa, có võ công trác tuyệt, có nhiệm vụ canh giữ Nhậm Ngã Hành đang bị nhốt dưới hắc lao.

Tuy nhiên, ngày Hướng Vấn Thiên và Lệnh Hồ Xung đến tìm Giang Nam tứ hữu ở Cô Mai sơn trang cũng đúng là lúc định mệnh gõ cửa đời họ. Bốn vị chủ nhân của Cô Mai sơn trang được trời phú bẩm cho tài hoa, không ham thi thố, sống quy ẩn lánh đời, thế mà định mệnh cũng không chịu buông tha. Âu đó cũng là hệ lụy của bọn tài tử suốt vòm trời kim cổ.

Hướng Vấn Thiên.

Hướng Vấn Thiên vì muốn cứu chủ nên đã sử dụng kiếm pháp Độc cô cửu kiếm của Lệnh Hồ Xung để đấu với họ, và lợi dụng sự si mê cầm kỳ thi họa đến quá mức của bốn người để nhân cơ hội cứu chủ. Hướng Vấn Thiên đã đem "nước cờ tiên của Ly Sơn Tiên mỗ" cùng 80 danh cục về cờ vây của thần tiên ra dụ Hắc Bạch Tử, bức tranh "Bắc Tống Phạm Trung Lập khê sơn hành lữ đồ" của Phạm Khoan ra dụ Đan Thanh tiên sinh, bản thư pháp của Trương Húc ra dụ Ngốc Bút Ông và bản Tiếu ngạo giang hồ ra tặng Hoàng Chung Công, giao hẹn nếu ai đó đánh bại kiếm pháp của Lệnh Hồ Xung thì sẽ tặng cho Giang Nam tứ hữu bốn báu vật đó.

Lệnh Hồ Xung (Lý Á Bằng).

Cả bốn người (cùng hai gia nhân khác của Cô Mai sơn trang là Đinh Kiên và Thi Lệnh Oai) đều bị Lệnh Hồ Xung sử dụng Độc cô cửu kiếm đánh bại. Vì quá khao khát những đồ đó, họ đã đem Nhậm Ngã Hành đang bị giam trong hắc lao ra đấu với Lệnh Hồ Xung để tìm chiến thắng. Không ngờ Nhậm Ngã Hành đã sử dụng nội lực thâm hậu làm cho cả bọn ngất đi, đem đánh tráo mình với Lệnh Hồ Xung và sau đó tẩu thoát.

Rời khỏi ngục tối, Nhậm Ngã Hành cùng Hướng Vấn Thiên ra sức gây dựng lại thế lực. Khi Nhậm Ngã Hành quay lại cứu Lệnh Hồ Xung, lúc đó Hắc Bạch Tử bị tàn phế vì bị Lệnh Hồ Xung dùng Hấp tinh đại pháp hút mất nội lực, Ngốc Bút Ông cùng Đan Thanh tiên sinh đành uống "Tam thi não thần đan" để theo phục vụ Nhậm Ngã Hành, Hoàng Chung Công tự sát.

Nhậm Ngã Hành.

Nhậm Ngã Hành ban đầu rất thích Lệnh Hồ Xung do y tài giỏi và đã cứu sống ông, nhưng về sau lại chuyển thành bực bội, vì Lệnh Hồ Xung không chịu gia nhập Nhật Nguyệt thần giáo ngay cả khi ông đồng ý gả con gái và có ý sẽ để hắn tiếp nhiệm ngôi giáo chủ trong tương lai.

Hoàng Chung Công là đại ca của Giang Nam tứ hữu. Vào thời điểm Hoàng Chung Công gặp Lệnh Hồ Xung, ông ta chừng 60-70 tuổi, hình dáng gày gò, quắc thước. Hoàng Chung Công mê chơi đàn cầm và có nội công thâm hậu. Hoàng Chung Công sử dụng tiếng đàn để tấn công địch thủ bằng cách đưa nội công thâm hậu vào tiếng đàn với tuyệt kỹ "Thất huyền vô hình kiếm". Hoàng Chung Công bị thất bại dưới tay Lệnh Hồ Xung vì anh chàng này không còn nội lực để cảm ứng với tiếng đàn.

Hắc Bạch Tử là người thứ hai trong Cô Mai sơn trang, là người mê đánh cờ vây. Võ công của Hắc Bạch Tử cũng dựa trên các nước cờ, binh khí là một bàn cờ đúc bằng thép, có pha đá nam châm để hút các binh khí bằng sắt. Hắc bạch Tử còn có công phu "Huyền thiên chỉ" có khả năng làm đông nước bằng nội lực.

Ngốc Bút Ông là em thứ ba trong bốn anh em kết nghĩa, mê viết thư pháp, sử dụng vũ khí là cây bút phán quan dài một thước sáu tấc đúc bằng thép nguyên chất, ở đầu bút có buộc một túm lông cừu có bôi một loại mực bằng mười mấy chất dược liệu đặc biệt, đã quệt vào người là vĩnh viễn rửa không sạch mài cũng không đi vì vết mực ăn sâu vào da.

Các chiêu số võ công của Ngốc Bút Ông cũng bay bướm theo kiểu thư pháp và một trong những bút pháp nổi tiếng của Ngốc Bút Ông là "Bùi tướng quân thi", tuy nhiên chiêu số của ông phần lớn chỉ có đẹp mắt chứ khi đánh nhau không mấy hiệu quả, dễ dàng bị Độc cô cửu kiếm của Lệnh Hồ Xung đánh bại.

Đan Thanh tiên sinh là người anh em thứ tư trong Giang Nam tứ hữu, mê vẽ tranh, kiếm pháp và đặc biệt thích uống rượu do đó rất hợp tính cách của Lệnh Hồ Xung.

Video: Lệnh Hồ Xung cứu Nhậm Ngã Hành.

Quốc Tiệp (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kiem-hiep-kim-dung-bon-cao-thu-an-danh-vi-si-me-cam-ky-thi-hoa-ma-chuoc-hoa-vao-than-a443023.html