Kiếm hàng trăm nghìn USD/năm nhờ tư vấn hôn nhân ở Trung Quốc

Áp lực về tài chính và gia đình khiến tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc tăng chóng mặt. Nhu cầu về dịch vụ tư vấn hôn nhân cũng bùng nổ.

Trong một văn phòng nhỏ ở Thượng Hải, anh Zhu Shenyong - một người tư vấn hôn nhân - đưa ra các lời khuyên cho khán giả thông qua livestream (phát trực tiếp). Theo South China Morning Post, tỷ lệ ly hôn tại Trung Quốc đang tăng vọt. Ngày càng nhiều người tìm đến những dịch vụ như của anh Zhu.

"Tôi luôn nói rằng tư vấn hôn nhân ở Trung Quốc giống như điều trị ung thư giai đoạn cuối", anh Zhu chia sẻ. Hầu hết khách hàng tìm đến anh đều rơi vào tình trạng "khủng hoảng hoàn toàn".

"Chỉ một số ít người cân nhắc việc ly hôn, nhưng muốn được tư vấn xem đó là quyết định đúng hay sai", chuyên viên tư vấn 44 tuổi chia sẻ. Anh luôn đội mũ lưỡi trai trong các buổi livestream của mình.

 Tỷ lệ ly hôn tại Trung Quốc đang tăng vọt, nhu cầu về các dịch vụ tư vấn hôn nhân bùng nổ. Ảnh: AFP.

Tỷ lệ ly hôn tại Trung Quốc đang tăng vọt, nhu cầu về các dịch vụ tư vấn hôn nhân bùng nổ. Ảnh: AFP.

Nhu cầu bùng nổ

Hồi đầu năm, anh Zhu nổi tiếng sau khi tuyên bố kiếm được 1 triệu NDT (tương đương 154.000 USD) mỗi năm nhờ công việc tư vấn hôn nhân. Hiện tại, mỗi buổi trò chuyện trực tuyến của anh thu hút 500 người xem.

Anh Zhu cho biết các cuộc trò chuyện giúp "tránh những cuộc ly hôn không cần thiết". Tuy nhiên, anh cũng luôn nỗ lực giúp các cặp vợ chồng tìm được cách giải quyết nhẹ nhàng nhất khi mối quan hệ tan vỡ.

Theo số liệu chính thức, số vụ ly hôn ở Trung Quốc đã đạt kỷ lục 8,6 triệu trong năm 2020, gần gấp đôi con số hồi năm 2019 và vượt số lượng đăng ký kết hôn.

Sau nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Số nam giới nhiều hơn nữ giới khoảng 30 triệu người. Cộng với tỷ lệ sinh ở mức thấp kỷ lục, cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang xuất hiện tại đất nước 1,4 tỷ dân.

Anh Zhu Shenyong, 44 tuổi, tư vấn hôn nhân cho một vị khách ở Thượng Hải. Ảnh: AFP.

Và ngày càng nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ, nhất là ở thế hệ trẻ ưu tiên tự do cá nhân. Nguyên nhân là áp lực kết hôn sớm, cuộc sống thành thị xô bồ, giá nhà tăng chóng mặt, áp lực chăm sóc con cái và hỗ trợ nghề nghiệp không đủ cho các bà mẹ.

"Nhìn một cách tích cực, ly hôn là biểu hiện của một xã hội văn minh và sự thức tỉnh của phụ nữ", anh Zhu bình luận. Theo anh, những nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn gồm sự không chung thủy và vấn đề tiền bạc.

Tỷ lệ sinh tại Trung Quốc đang giảm dần. Mới đây, The Lancet dự đoán dân số của Trung Quốc có thể giảm 50% vào năm 2100, tụt hạng so với Ấn Độ và Nigeria. Điều đó khiến các quan chức Bắc Kinh lo ngại. Họ đang khuyến khích công dân kết hôn và duy trì hôn nhân.

Áp lực tiền bạc

Năm ngoái, các nhà lập pháp đã kéo dài thời gian "cân nhắc lại trước khi ly hôn" từ một ngày thành 30 ngày. Mục đích là ngăn chặn những cuộc ly hôn bốc đồng. Tuy nhiên, một số người cho rằng việc kéo dài thời hạn khiến nhiều phụ nữ bị mắc kẹt trong các cuộc hôn nhân khủng hoảng.

"Giai đoạn 'hòa giải' đã trở thành giai đoạn 'lạm dụng', hoàn toàn ngược với mục đích ban đầu", Wang Youbai, một luật sư về hôn nhân tại Quảng Châu, bình luận.

"Điều đó thật bất công đối với các nạn nhân của bạo lực gia đình, những người đang muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc của họ", vị luật sư nói thêm. Trong khi đó, ly hôn bằng kiện tụng có thể mất từ một đến hai năm và tốn kém hơn đáng kể.

Nhiều tỉnh ở Trung Quốc đã triển khai hoạt động tư vấn hôn nhân cho hàng chục nghìn cặp vợ chồng, bao gồm những cặp mới cưới và các cặp vợ chồng đang trên đà tan vỡ.

Tỷ lệ ly hôn cao ở Thượng Hải một phần do sự cạnh tranh gay gắt tại thành phố, nỗi ám ảnh về địa vị khiến ngày càng nhiều người không hài lòng với cuộc sống

Anh Wallace, 36 tuổi

Tại Vũ Hán, nhà chức trách thành phố ghi nhận sáng kiến "30 ngày hòa giải" đã cứu vãn gần 2/3 trong số 3.096 cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn trong tháng 1.

Tuy nhiên, đối với anh Wallace, 36 tuổi, các buổi hòa giải là quá muộn đối với cuộc hôn nhân đổ vỡ của anh. "Đối với những người thực sự muốn ly hôn, hòa giải chỉ là hình thức", anh chia sẻ. Mùa hè năm 2020, anh Wallace đã kết thúc cuộc kết hôn kéo dài 3 năm của mình.

Anh Wallace nằm trong nhóm thuộc thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1981 đến 1995) của Trung Quốc vỡ mộng vì hôn nhân. Nhiều người bạn của anh cố kết hôn rồi lại tìm cách thoát khỏi hôn nhân.

"Một số không cân nhắc liệu họ có thể chịu đựng được những điểm yếu của bạn đời hay không", anh Wallace bình luận. Theo anh, tỷ lệ ly hôn cao ở Thượng Hải một phần do sự cạnh tranh gay gắt tại thành phố, nỗi ám ảnh về địa vị khiến ngày càng nhiều người không hài lòng với cuộc sống của họ.

Đối với cô Vivien, 31 tuổi, ly hôn không phải điều đáng sợ mà là con đường hướng tới sự giải thoát.

"Những người lớn tuổi thường cho rằng ly hôn có nghĩa là không ai muốn bạn. Nhưng thế hệ của chúng tôi coi đó chỉ là một sự lựa chọn", cô nói. "Chúng tôi không nghĩ điều này đáng xấu hổ. Thay vào đó, chúng tôi ngưỡng mộ những ai ly hôn thành công", cô Vivien nói thêm.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kiem-hang-tram-nghin-usdnam-nho-tu-van-hon-nhan-o-trung-quoc-post1196385.html