Kiểm duyệt lỏng lẻo, Facebook vẫn để người dùng mua quảng cáo nhằm bôi nhọ người khác

Một trong ba vi phạm lớn của Facebook đã được cơ quan chức năng chỉ ra gần đây là mạng xã hội này đã cho phép người dùng mua quảng cáo của Facebook để phát tán thông tin sai sự thật, bôi nhọ, nói xấu tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…

Bôi nhọ người khác có thể bị xử lý hình sự

Bôi nhọ người khác có thể bị xử lý hình sự

Đầu năm 2019, cơ quan chức năng đã chỉ ra, mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook khi hoạt động tại thị trường Việt Nam có những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.

Dẫn chứng cho điều này, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) trích dẫn nội dung của một người dùng Facebook như sau: “Màn kịch của diễn giả, nhà báo H.N ở Trường VOV (?). Tôi biết cô H.N qua Facebook và ấn tượng với bản tự giới thiệu “cỡ khủng” của cô về nghề báo trên đấy.

Tôi cũng đã nghĩ cô phải là một nhà báo chân chính, ẩn dật và khiêm tốn lắm, cho đến khi gặp cô trong buổi giao lưu với sinh viên trường VOV thì mọi sự thần tượng hoàn toàn sụp đổ. Tôi khẳng định, cô H.N là người rất háo danh, đầy chiêu trò và lắm ảo tưởng”.

Tương tự, một MC truyền hình khác cũng bị bôi nhọ vì vay vài chục tỷ đồng nhưng không chịu trả. Kèm theo mỗi nội dung là hình ảnh của chính nhân vật.

Trên mạng xã hội này không thiếu những trang mang tên “Góc bốc phốt…” để “hạ bệ”, nói xấu người khác. Mới đây, một phụ nữ trong lúc tức giận đã dọa mua 5 triệu quảng cáo trên Facebook để “dằn mặt” người khác.

Mặc dù Facebook đã có quy định cấm người dùng có các hành vi bêu xấu người khác nhưng thực tế, việc chạy bài trên Facebook với mục đích trên không còn là hiếm. Nguyên nhân là bởi cơ chế kiểm duyệt những quảng cáo dạng này còn lỏng lẻo.

Theo một chuyên gia về quảng cáo trên Facebook, chi phí để quảng cáo nhằm bôi nhọ, nói xấu người khác trên Facebook rất rẻ. Chỉ với khoảng vài trăm nghìn đồng, người dùng đã có thể phát tán những nội dung nói xấu người khác tới hàng chục nghìn tài khoản. Đáng chú ý, mạng xã hội này còn giúp người dùng “khoanh vùng” khu vực đối tượng bị bêu xấu ở, sau đó phát tán thông tin tiêu cực đến những người xung quanh, ở khoảng cách gần.

Việc xác định “mục tiêu” như vậy để lại hậu quả nặng nề với người bị bêu xấu. Chưa kể, thông thường, những tin tức tiêu cực phát tán mạnh hơn so với thông tin tích cực nên hậu quả rất khó lường.

Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, việc sử dụng thông tin cá nhân của người khác để đăng tải lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý là xâm phạm đến quyền cá nhân. Đồng thời, người có hình ảnh bị xâm phạm có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người xâm phạm hình phải thu hồi, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Điểm e, g, Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định rõ: "Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Tùy theo mức độ, hành vi vi phạm có chế tài xử lý khác nhau. Điểm b Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định: Người nào thực hiện hành vi gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Đại diện Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho rằng, Facebook chưa tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, nhất là quy định liên quan tới quảng cáo. Bộ TT-TT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để quản lý các hoạt động quảng cáo tại Việt Nam, nhằm bảo vệ người dùng.

Hà Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/kiem-duyet-long-leo-facebook-van-de-nguoi-dung-mua-quang-cao-nham-boi-nho-nguoi-khac/823317.antd