Kiểm duyệt điện ảnh: Bao giờ mới hết khóc - cười?

Bộ phim 'Abominable' bị rút khỏi rạp chiếu vì khán giả phản ánh trong phim để lọt hình ảnh đường lưỡi bò trong khuôn hình. Câu chuyện duyệt phim còn quá nhiều vấn đề của Hội đồng duyệt phim quốc gia tiếp tục được bàn luận.

Lỗi “tày đình” hay “làm quá”?

Bộ phim “Abominable”, tựa Việt: “Everest - người tuyết bé nhỏ” được chiếu tại các cụm rạp của Việt Nam từ ngày 4-10. Bộ phim do hãng DreamWorks Animation Studio của Mỹ kết hợp cùng hai nhà sản xuất Trung Quốc thực hiện.

Phim có kinh phí đầu tư vào khoảng 75 triệu USD, nội dung kể về chuyến hành trình của 3 cô cậu nhỏ tuổi và loài sinh vật chỉ có trong huyền thoại - người tuyết Yeti.

Biên kịch - chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước.

Biên kịch - chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước.

Đến ngày 13-10, bộ phim bất ngờ gây tranh cãi khi phát hiện có lồng ghép hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp mà nhân vật chính Yi treo trên tường trong căn phòng nhỏ của cô bé. Hình ảnh này xuất hiện trong 2 đoạn và 4 cảnh phim. Thậm chí, ngay trong trailer phát hành của phim cũng có.

Ngoài ra, có 2 cảnh trọn vẹn và rõ ràng hơn xuất hiện ở đoạn những chiếc trực thăng của công ty ông trùm Burnish phát hiện ra Everest trên sân thượng nhà Yi và đã thổi tung “căn cứ” bí mật của cô bé khiến những bức ảnh đính trên bản đồ bay ra, thể hiện rõ “đường lưỡi bò”.

Tối 13-10, bộ phim được rút khỏi các rạp của CJ-CGV. Nguyên nhân phía đơn vị phát hành này đưa ra là đã chiếu gần 2 tuần, lại là phim hoạt hình vào ngày trong tuần ít khách nên đơn vị quyết định ngừng khai thác. Trong khi đó, hồi tháng 9, bộ phim được quảng bá rầm rộ và được khẳng định đây hứa hẹn là bộ phim ăn khách.

Đây không phải lần đầu tiên CJ-CGV phát hành một phim có thông điệp về lãnh thổ và biên giới trên biển sai trái của Trung Quốc. Tháng 3-2018, phim “Điệp vụ Biển Đỏ” cũng do chính đơn vị này phát hành đã phát đi thông điệp xuyên tạc rằng Biển Đông là của Trung Quốc. Cụ thể, trong 36 giây cuối của bộ phim, tàu tuần tra hải quân Trung Quốc trục xuất tàu lạ nước ngoài khỏi vùng biển được cho là của họ nhưng thực chất là vùng biển Trường Sa của Việt Nam.

Ngoài ra, còn 3 điểm chung quan trọng liên quan đến 2 bộ phim kể trên. Thứ nhất, người phát hiện ra lỗi sai nghiêm trọng trên không phải là các nhà quản lý điện ảnh mà chính là khán giả đến rạp. Thứ hai, việc rút phim khỏi rạp cũng không phải là động thái khắc phục của Cục Điện ảnh mà lý do đơn giản là bên phát hành tự rút với những lý do của họ đưa ra...

Đặc biệt hơn, trong khi trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện, Cục Điện ảnh (trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - đơn vị cấp phép phổ biến cho bộ phim lại có những phản hồi thiếu trách nhiệm.

Câu trả lời của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - thành viên Hội đồng Thẩm định phim quốc gia, mặc dù đang còn tranh cãi từ chính người đưa ra phát ngôn, rằng hình ảnh đường lưỡi bò “chỉ xuất hiện vài giây, mọi người cứ làm quá” thật sự là không thể chấp nhận được.

Còn, bà Nguyễn Thị Thu Hà - quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh - khi nói về việc này thì cho biết chưa thể kết luận ngay mà phải xem lại bản duyệt phim mà đơn vị phát hành đã trình lên hội đồng duyệt để đối chiếu với bản công chiếu, sau đó mới kết luận(?!).

Phát ngôn của bà Hồng Ngát gợi nhớ đến phát ngôn của bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Ủy viên Hội đồng Trung ương Thẩm định phim, khi bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ” được ra rạp. Bà Lý Phương Dung khẳng định Hội đồng Trung ương Thẩm định phim đã làm việc “hết sức cẩn trọng, công tâm”. Sau khi thẩm định và phân loại, bộ phim được 100% thành viên hội đồng đề nghị cho phép phổ biến...

Như vậy, nếu Hội đồng Trung ương Thẩm định phim đã làm việc “hết sức cẩn trọng, công tâm” thì việc để lọt hình “đường lưỡi bò” trong phim “Abominable” phải chăng cũng cần được truy cứu trách nhiệm một cách nghiêm túc, công tâm?

Giải pháp nào cho việc thẩm định phim?

Nói về sai phạm của hai bộ phim “lọt lưới” kiểm duyệt kể trên, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ cho rằng, Trung Quốc đang tìm mọi cách để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông nên nếu cho công chiếu phim là mặc nhiên công nhận Biển Đông của Trung Quốc.

“Các đơn vị chịu trách nhiệm kiểm duyệt điện ảnh tại Việt Nam đã không hoàn thành nhiệm vụ “gác cửa” của mình. Sai phạm này như một lời báo động khẩn cấp cho khâu kiểm duyệt điện ảnh, bởi, đây không phải là lần đầu tiên. Vì vậy, chúng ta cần kiểm điểm nghiêm túc, không chỉ tuyên bố rút phim khỏi rạp là xong. Nếu không xử lý nghiêm khắc, chúng ta sẽ gặp lại rất nhiều tình trạng tương tự như vậy”, TS Trần Công Trục khẳng định.

Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam.

Đồng quan điểm với TS Trần Công Trục, biên kịch - chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước cho rằng, nếu những bộ phim có nội dung tương tự được truyền bá rộng rãi tại Việt Nam sẽ có hệ quả nghiêm trọng. “Điều này sẽ khiến những người trẻ - những người ra rạp xem phim này, thấy quen dần với thông tin lịch sử bịa đặt về biển đảo, từ phía Trung Quốc tung ra theo phương cách gây nhiễu.

Đồng thời, nguy hại hơn, núp dưới vỏ bọc của thể loại phim hoạt hình dành cho trẻ em, hình thức cài đặt thông tin sai lệch về lịch sử, sẽ dẫn đến nguy cơ lớp thế hệ tương lai của người Việt mất dần khả năng hiểu đúng và đủ về chủ quyền biển đảo Việt Nam - như lịch sử đã có”, ông Châu Quang Phước nói.

Rõ ràng, bê bối xoay quanh các sai phạm sau khâu kiểm duyệt điện ảnh trong thời gian qua như một ví dụ điển hình cho hệ quả của cơ chế, cách thức vận hành một cách thô sơ, đầy cảm tính, chưa thực sự có một chuẩn mực rõ ràng nào của bộ máy kiểm duyệt điện ảnh tại Việt Nam.

Được biết, một bộ phim để ra rạp tại Việt Nam cần có buổi chiếu kiểm duyệt tại Cục Điện ảnh, Hội đồng Thẩm định phim quốc gia bao gồm 11 người sẽ trực tiếp theo dõi, đánh giá.

Việc phim có cần phải cắt bỏ đoạn nào, gắn nhãn giới hạn độ tuổi ra sao sẽ được thông báo qua giấy phép phổ biến phim do Cục Điện ảnh cung cấp. Sau đó, nhà phát hành có nhiệm vụ gửi bản giấy phép tới các nhà rạp nhận chiếu tác phẩm đó và các đơn vị rạp sẽ tiếp tục thông báo thông tin rộng rãi tới cho khán giả về nhãn mà bộ phim nhận được.

Trong khi đó, các nền điện ảnh phát triển, việc kiểm duyệt phim đã đi trước chúng ta rất nhiều. Ở Hàn Quốc, từ năm 1995 cơ quan kiểm duyệt phim ảnh nhà nước bị giải thể. Thay vào đó là một Hội đồng Đánh giá truyền thông (Media Ratings Board-MRB), cơ quan chịu trách nhiệm phân loại phim nhựa, băng đĩa phim, game máy tính và các ấn phẩm truyền thông khác phát hành ra công chúng (có một hội đồng độc lập khác đối với truyền hình).

Sự thay đổi này tạo ra bước chuyển cực mạnh với điện ảnh Hàn Quốc và chỉ trong hai thập kỷ, họ đã vươn lên hàng top đầu thế giới cả ở hai khía cạnh nghệ thuật lẫn kinh doanh.

Trong thời đại 4.0, khi Việt Nam vẫn đang được thẩm định phim bởi đội ngũ làm nghề được cho là “lão làng” ở thế hệ 4x, 5x, 6x..., đang loay hoay với công nghệ làm phim mới, ý đồ làm phim đầy tinh vi thì các trang mạng chiếu phim trực tuyến của Mỹ đều được thiết lập công nghệ báo nội dung sai phạm, vi phạm bản quyền để đảm bảo sự chính xác cũng như nội dung độc quyền.

Thực trạng này mở ra câu hỏi, với bộ máy cồng kềnh nhưng còn quá nhiều bất cập, sai sót như hiện tại thì đến bao giờ câu chuyện bản quyền điện ảnh tại Việt Nam mới thôi có những câu chuyện “cười ra nước mắt” như vậy. Phải chăng, đã đến lúc Hội đồng Thẩm định phim quốc gia cần có một làn gió mới?

Nghịch lý “nhất bên trọng, nhất bên khinh”

Không phải ngẫu nhiên mà giới làm phim tại Việt Nam cùng truyền thông trong nước vẫn hay nói về câu chuyện bất cập trong vấn đề duyệt kiểm phim xưa nay. Ngoài những “hạt sạn” trong quá trình thẩm định, dường như còn có sự phân biệt đối xử giữa phim ngoại nhập và phim nội (phim Việt) từ chính các cơ quan chức năng chuyên ngành khiến phim Việt bị ghẻ lạnh ngay trên sân nhà.

Trong khi những phim như “Abominable” hay “Điệp vụ Biển Đỏ”... thì được kiểm duyệt một cách hời hợt, qua loa dẫn đến sai sót nghiêm trọng như thế này thì nhiều bộ phim do người Việt làm lại chịu số phận “hẩm hiu” từ kiểm duyệt.

Poster phim “Xích Lô” đoạt giải Sư tử vàng của Trần Anh Hùng.

Từ việc phân loại trong cách xếp hạng phim ra rạp cho đến quy cách cắt xén nội dung phim (thông qua các cảnh phim được cho là “nhạy cảm” với thuần phong mỹ tục Việt Nam), hầu hết đều khiến giới làm nghề sản xuất và phát hành phim trong nước cứ phải liên tục “than trời trách đất” mà cũng đành phải thúc thủ với hệ thống kiểm duyệt phim hiện có. Ngoài ra, cũng có không ít phim Việt xuất ngoại đoạt giải thưởng quốc tế nhưng khá “lận đận” khi trở về quê hương.

Điển hình có thể kể đến bộ phim “Vợ ba” của Đạo diễn Nguyễn Phương Anh. Trước khi bị dừng chiếu tại Việt Nam vì tranh cãi cho diễn viên 13 tuổi đóng cảnh “nóng” cũng đã từng giành giải Phim châu Á xuất sắc nhất (Best Asia Film) do NETPAC tài trợ trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Toronto (Canada) diễn ra vào tháng 9-2018; giải Phim xuất sắc nhất, trị giá 71.000 USD tại LHP Kolkata (Ấn Độ). Đặc biệt, phim được công chiếu thương mại tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, Nhật, Anh, Hàn Quốc, Australia, Tây Ban Nha...

Năm 1995, “Xích lô” của đạo diễn Trần Anh Hùng được xem niềm tự hào của điện ảnh Việt khi giành được giải Sư Tử Vàng đầu tiên, duy nhất (đến hiện tại) tại LHP Venice. Nhờ bộ phim mà rất nhiều người nước ngoài biết đến Việt Nam và rất nhiều người quyết định đến Việt Nam sau khi xem phim. Tuy nhiên, dường như do ngôn ngữ điện ảnh độc đáo nhưng lạnh lùng, tàn nhẫn của đạo diễn không phù hợp với tư tưởng của Cục Điện ảnh thời điểm đó.

Kết quả, bộ phim bị “cấm cửa” ngay trên chính quê hương mình khiến nhiều khán giả nuối tiếc. Dù trong phim còn có sự góp mặt của ngôi sao điện ảnh Hoa ngữ Lương Triều Vỹ cùng rất nhiều ngôi sao khác của điện ảnh Việt Nam như NSND Như Quỳnh, Trịnh Thịnh... nhưng cũng không thể giúp bộ phim được hoan nghênh tại nước nhà.

Năm 2011, bộ phim “Bi! Đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di là bộ phim chất lượng hiếm hoi may mắn được ra rạp. Song, phim lại nhận được sự ghẻ lạnh từ chính khán giả Việt Nam và không có kế hoạch ra rạp nếu như nó không giành được giải thưởng tại LHP Cannes bởi đề tài và cách khai thác của phim quá táo bạo.

Trước đó, phim đã nhận giải cho biên kịch xuất sắc nhất trong hạng mục Tuần lễ các nhà phê bình của LHP Cannes lần thứ 63.

Nhìn nhận về thực tế trên, nhà biên kịch - chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước thừa nhận: “Thực tế “nhất bên trọng nhất bên khinh” giữa phim ngoại nhập và phim Việt dường như cũng đã trở thành “luật bất thành văn” trong mắt giới làm nghề trong nước. Đó là một thực trạng không vui, nếu không muốn nói là mang tính phản cảm với dư luận chung trong nước, góp phần trì trệ hóa ngành công nghiệp điện ảnh vẫn còn non trẻ của Việt Nam giai đoạn này”.

Nhìn từ góc độ văn hóa, từ câu chuyện phát triển điện ảnh, cần có chính sách thỏa đáng để cân bằng hơn trong tương quan giữa phim nội với phim ngoại. Nếu không, phim Việt sẽ mãi bơ vơ, lạc lõng. Chẳng mấy chốc, những người làm phim có tâm, có tầm cũng sẽ nản lòng quay đi làm việc khác, bỏ lại một vùng đất trống khô cằn cho điện ảnh Việt.

Thảo Dung

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/kiem-duyet-dien-anh-bao-gio-moi-het-khoc-cuoi-565972/