Kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông: Phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã tới kiểm tra công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tại tỉnh Hòa Bình. Tại đây, Thứ trưởng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao nhận thức về kiểm định chất lượng giáo dục; tăng cường thực hiện hoạt động này, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng giáo dục đào tạo.

Kiểm định chất lượng để nâng cao chất lượng giáo dục

Báo cáo đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Hường cho biết, công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia luôn được xác định là một khâu then chốt để nâng cao chất lượng của mỗi nhà trường, mở rộng ra là chất lượng của toàn ngành giáo dục địa phương.

Trong tổng số 520 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến phổ thông của Hòa Bình, hiện 100% đã hoàn thành tự đánh giá; 132 cơ sở đã đánh giá ngoài, trong đó 107 trường đạt tiêu chuẩn đánh giá mức độ 2; 25 trường đạt mức độ 3. Tính đến tháng 12-2020, có 107 trường mầm non và phổ thông của Hòa Bình được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 25 trường đạt mức độ 2.

“Quá trình thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã giúp các nhà trường xác định rõ được điểm mạnh, điểm yếu trong công tác giáo dục đào tạo, từ đó có giải pháp, kế hoạch phù hợp để nâng cao chất lượng. Thực tế, chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường nói riêng và ngành giáo dục Hòa Bình nói chung khi triển khai các hoạt động này đã có sự cải tiến rõ rệt”, PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho hay.

Báo cáo với đoàn công tác Bộ GD&ĐT, lãnh đạo 2 trường tiểu học và THCS mà đoàn tới thăm (trường THCS thị trấn Cao Phong - huyện Cao Phong, trường tiểu học Lê Văn Tám - TP Hòa Bình), cũng khẳng định: Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất... Người hưởng lợi lớn nhất từ các hoạt động này chính là học sinh.

“Công tác kiểm định chất lượng đã làm thay đổi, nâng cao nhận thức trong toàn ngành, từ đội ngũ cán bộ quản lý đến giáo viên; từ Phòng GD&ĐT đến các đơn vị trường học. Nhận thức của các cấp lãnh đạo cũng thay đổi, từ đó quan tâm đầu tư hơn cho giáo dục được tốt thêm. Các trường được đánh giá ngoài, công nhận đạt chuẩn cũng thực hiện xã hội hóa tốt hơn, nhận được sự ghi nhận, đồng thuận, ủng hộ cao từ phía phụ huynh học sinh, xã hội”, Trưởng phòng Giáo dục TP Hòa Bình - Lê Văn Công nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra cơ sở vật chất tại trường Tiểu học Lê Văn Tám, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: moet.gov.vn

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra cơ sở vật chất tại trường Tiểu học Lê Văn Tám, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: moet.gov.vn

Tăng cường đánh giá ngoài

Qua thực tế kiểm tra tại một số cơ sở giáo dục và nghe báo cáo của tổng quan của Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh đánh giá cao công tác triển khai kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của địa phương này.

Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng đề nghị các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT của Hòa Bình tiếp tục tăng cường tự đánh giá và đánh giá ngoài để đạt được mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục.

Đặc biệt, sau khi được đánh giá ngoài và công nhận chất lượng, nhà trường cần chú trọng duy trì và cải tiến chất lượng. Việc thực hiện kế hoạch cải tiến sau khi đánh giá ngoài phải có sự giám sát nghiêm túc, chặt chẽ. “Kiểm định không phải là trả bài mà quan trọng hơn là để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục trong các năm tiếp theo”, Cục trưởng Mai Văn Trinh nói.

Nhấn mạnh tầm quan trọng và lợi ích thiết thực mà công tác kiểm định giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mang lại cho mỗi nhà trường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu ngành giáo dục Hòa Bình nói chung và từng cơ sở giáo dục, từng cán bộ, giáo viên nói riêng tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức triển khai thực hiện các hoạt động này.

Theo đó, mỗi nhà trường cần xây dựng tầm nhìn phát triển và kế hoạch đạt chuẩn kiểm định với chiến lược dài hơn; từ đó xác định lộ trình và giải pháp thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn, đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Từ kế hoạch chung của nhà trường, căn cứ vào vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác kiểm định chất lượng và công nhận đạt chuẩn quốc gia, từng cán bộ, giáo viên, nhân viên xây dựng kế hoạch riêng và chung tay thực hiện mục tiêu mà cơ sở giáo dục đã đề ra.

“Kiểm định chất lượng phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bày tỏ mong muốn và cho rằng, các trường học cần hướng tới việc xây dựng và hình thành văn hóa chất lượng. Theo đó, mỗi cá nhân trong nhà trường, từ bác bảo vệ, cô lao công đến mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh khi thực hiện công việc đều phải hướng tới việc đảm bảo chất lượng. Giáo dục như thế mới hiệu quả, phát triển.

Trong kiểm định chất lượng, Thứ trưởng lưu ý địa phương chú trọng việc đánh giá ngoài để đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch, tạo niềm tin trong Nhân dân. Các nhà trường cũng cần nâng cao năng lực tự đánh giá; tăng số lượng trường đánh giá ngoài. Việc này đòi hỏi sự nhận thức đầy đủ và đầu tư nguồn lực xứng đáng.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-pho-thong-phai-tro-thanh-nhu-cau-tu-than-cua-moi-nha-truong-219634.html