Kiểm định chất lượng đại học: Tránh rơi vào hình thức

Mục đích của kiểm định chất lượng (KĐCL) là để kiểm soát, cải tiến, thay đổi hay chỉ đơn giản là để xếp hạng? Nếu không thể trả lời và giải quyết các câu hỏi này thì KĐCL sẽ đi vào ngõ cụt.

Đây là câu hỏi PGS. TSKH Phạm Đức Chính - Trường ĐH Kinh tế-Luật, ĐH Quốc gia TP HCM đặt ra tại hội thảo Tự chủ Đại học – từ chính sách đến thực tiễn vừa diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua.

Đồng bộ chất lượng là yêu cầu cần thiết đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học.

Đồng bộ chất lượng là yêu cầu cần thiết đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học.

Để không hình thức

Theo PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, KĐCL trong giáo dục nói chung có vị trí quan trọng trong công tác đảm bảo chất lượng.

“KĐCL giáo dục mang lại những giá trị đích thực của quy trình đào tạo, phản chiếu chất lượng đào tạo ở mỗi một cơ sở. Kết quả kiểm định (đánh giá chính xác hiện trạng là cơ sở để phân tầng năng lực đào tạo, và trả lời cho xã hội biết về chất lượng đào tạo được công khai với cơ quan chức năng quản lý và xã hội. Ðiều đó sẽ thúc đẩy tích cực các cơ sở giáo dục phải tìm nhiều giải pháp, giải bài toán đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục của mình” – PGS Tú nêu quan điểm.

Trên thực tế, đối với bậc đào tạo ĐH, việc thực hiện KĐCL hiện cũng đã được Chính phủ đưa ra và có các quy định cụ thể trong các điều luật của Luật GDĐH. KĐCL trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi cơ sở giáo dục và đào tạo. Cụ thể một trong những điều kiện để thực hiện quyền tự chủ của cơ sở GDĐH được quy định là phải công khai điều kiện ĐBCL, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và thông tin khác theo quy định của pháp luật.

Số liệu từ Bộ GDĐT, kết quả KĐCL giáo dục tính đến ngày 30/9/2020, Việt Nam có 5 trung tâm KĐCL giáo dục, 145 cơ sở GDĐH và 9 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. 125 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Có 7 cơ sở GDĐH được đánh giá bởi HCERES, AUN-QA… là các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài và 195 chương trình đào tạo được kiểm định.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GDĐT cho rằng các trường phải xác định mục tiêu kiểm định không phải là để đạt hay không đạt mà là thông qua hoạt động kiểm định để nhận thức mình còn yếu chỗ nào, từ đó có kế hoạch tổng thể nâng cao chất lượng đào tạo.

“KĐCL là một thủ tục có tính pháp lý nhưng rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay để các trường nhận ra “điểm nghẽn” của mình. Tất nhiên, để tạo được uy tín, vị thế của mình trong hệ thống giáo dục ĐH thì các trường phải làm rất nhiều việc khác, phải phát triển theo xu hướng thúc đẩy chất lượng” – TS Khuyến nhìn nhận.

Đề xuất thành lập cơ quan kiểm định độc lập

Tự chủ ĐH gắn với KĐCL là xu thế tất yếu của đổi mới giáo dục Đại học. GS. TSKH Bành Tiến Long (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) chỉ ra những khó khăn trong chuyển đổi mô hình tổ chức KĐCL giáo dục theo Luật số 34/2018/QH14. Chất lượng kiểm định viên cũng là một vấn đề còn nhiều bất cập. Đặc biệt, sự đồng đều trong kết quả đánh giá của các trung tâm khiến nhiều người đặt câu hỏi về mức độ tin cậy của kết quả được công bố.

Chia sẻ quan điểm này, TS Đỗ Đức Minh, Khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội cũng chỉ ra khái niệm “tự chủ ĐH” ở Việt Nam phụ thuộc vào năng lực và dựa trên kết quả xếp hạng hay kiểm định và cả hai việc này đều do Nhà nước kiểm soát. Trong khi đó, về việc xếp hạng, tuy Luật GDĐH đã quy định về việc công nhận kết quả xếp hạng nhưng chưa quy định rõ ai là người thực hiện. Và mặc dù yêu cầu kiểm định độc lập đã được đặt ra từ sớm nhưng theo Luật GDĐH 2012 thì giao cho Bộ GDĐT hoàn toàn kiểm soát, từ khâu ban hành chuẩn đối với cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục; yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình; quy trình và chu kỳ kiểm định; nguyên tắc, điều kiện, và tiêu chuẩn của tổ chức, cá nhân hoạt động kiểm định chất lượng; cấp giấy, thu hồi giấy chứng nhận kiểm định; quyết định thành lập hoặc cho phép hoạt động kiểm định.

Cần thành lập một cơ quan kiểm định độc lập nằm ngoài sự quản lý của Bộ GDĐT để kiểm tra, đánh giá chất lượng của các trường được giao quyền tự chủ tài chính là đề xuất của ông Nguyễn Hóa (Trường ĐH Thương mại). Theo ông Hóa, Đồng bộ chất lượng là yêu cầu cần thiết đối với tất cả các cơ sở GDĐH. Để thực hiện yêu cầu này, các cơ quan nhà nước cần ban hành những chuẩn mực về tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, tiếp cận với chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế. Bên cạnh các tổ chức kiểm định của Nhà nước, cần có những tổ chức kiểm định độc lập nhằm tiến hành đánh giá một cách khách quan, minh bạch về chất lượng đào tạo.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kiem-dinh-chat-luong-dai-hoc-tranh-roi-vao-hinh-thuc-545278.html