Kiểm dịch thủy sản vẫn còn nhiều vướng mắc

Góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản, các DN thủy sản cho rằng cần sửa đổi các nội dung bất cập cho phù hợp với thực tế.

Thủy sản nhập khẩu qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: T.H

Tăng thời hạn Giấy chứng nhận kiểm dịch

Liên quan đến thời hạn Giấy chứng nhận kiểm dịch, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị, dự thảo sửa đổi điểm c vào khoản 3 Điều 14 của Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 02/ 2018/TT-BNNPTNT ngày 31/1/2018): “Đối với sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài trong thời gian 360 ngày (thay vì 60 ngày) kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu, nếu chủ hàng có khai báo kiểm dịch sửa đổi, bổ sung theo phân loại sản phẩm, theo thị trường xuất khẩu, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu nơi cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu lần đầu thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu thay thế Giấy chứng nhận đã cấp”.

Theo các DN thủy sản, hiện nay, quy định thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm dịch 60 ngày là chưa hợp lý. Bởi vì thông thường thời gian lưu giữ (shelflife) của nguyên liệu thủy sản đông lạnh tối thiểu là 1 năm (theo Tiêu chuẩn Codex cũng là 1 năm) và trên chứng từ nhập hàng, nhãn mác hạn sử dụng tối thiểu cũng là 1 năm. Trong khi đó, thời hạn của Giấy chứng nhận chỉ có 60 ngày nên nhiều trường hợp khi doanh nghiệp đi xin Giấy xác nhận nguyên liệu nhập khẩu thì Giấy Chứng nhận Kiểm dịch đã hết hiệu lực.

Ngoài ra, VASEP cũng góp ý một số ý kiến liên quan đến hoạt động kiểm dịch như: yêu cầu phải có Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh (Health Certificate- H/C) đối với nguyên liệu NK có hoạt động chuyển tải tại cảng trung gian của một quốc gia khác.

Trong thời gian qua, nhiều DN gặp phải vướng mắc khi yêu cầu lô nguyên liệu thủy sản NK phải có Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh (H/C) do cơ quan thẩm quyền nước XK cấp (ngoại trừ nhập khẩu bằng tàu cá).

Theo phản ánh của các DN, quy định trên gây khó khăn cho DN, bởi trên thực tế, người bán không thể cung cấp H/C phù hợp theo yêu cầu của Việt Nam trong một số trường hợp điển hình. Chẳng hạn, lô nguyên liệu đó đánh bắt trên ngư trường, được vận chuyển bằng tàu cá (Đài Loan, Hàn Quốc…) đến cảng ngoại quan ở Thái Lan để dỡ hàng đóng vào container và xuất về Việt Nam. Việc dỡ hàng tại cảng ngoại quan để đóng vào container xuất về Việt Nam được thực hiện bởi đại lý vận tải của chủ hàng (là người bán ở Nhật Bản, Singapore…). Việc dỡ hàng và đóng hàng vào container được giám sát chặt chẽ của cơ quan Hải quan thuộc cảng ngoại quan đó.

Hiện nay, Cục Thú y vẫn đang yêu cầu DN phải nộp H/C cho các lô hàng này. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền tại nước trung gian nơi tàu cập cảng không cấp H/C đối với mặt hàng chuyển tiếp trung gian (do tàu vận chuyển không phải tàu của quốc gia này, lô nguyên liệu cũng không được đánh bắt, sơ chế, xử lý tại nước của họ và thực tế nguyên liệu này không được nhập khẩu vào quốc gia họ mà chỉ chuyển từ tàu vào container rồi chuyển thẳng về nước nhập khẩu).

VASEP đề nghị Cục Thú y xem xét đối với các lô nguyên liệu NK từ hoạt động chuyển tải tại cảng trung gian của một quốc gia khác cũng được xem như là nhập khẩu trực tiếp từ tàu đánh bắt.

Gỡ vướng về quy định dán nhãn

Đối với việc kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật thủy sản làm nguyên liệu gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu, VASEP đề nghị dự thảo bổ sung thêm quy định: “Đối với hàng xá, hàng nhập bằng container dạng block trần không có bao bì thì không yêu cầu dán nhãn trên thùng/container mà chủ hàng nộp chung nhãn trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch cho cơ quan Kiểm dịch động vật cửa khẩu. Cơ quan Kiểm dịch động vật cửa khẩu sẽ kiểm tra thông tin ghi nhãn đối với nhãn trong hồ sơ”.

Dẫn chứng trong thực tế, VASEP cho rằng, nguyên liệu nhập khẩu là cá đánh bắt tự nhiên, được bảo quản lạnh và nhập về dưới dạng nguyên con đông block trần hoặc đóng xá xếp trong container lạnh - không có bao bì. Việc dán nhãn trên từng block cá trần đông lạnh hoặc trên từng con cá là không thể thực hiện được. Đây là đặc thù của ngành hàng mà các doanh nghiệp từ trước đến nay đều có nhập khẩu theo dạng này.

Tháo gỡ vướng mắc trên, mới đây Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có hướng dẫn giải quyết vướng mắc đối với bất cập nói trên. Theo đó, đối với hàng hóa nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất dưới dạng đóng xá hoặc block trần trong container thì coi container là bao bì thương phẩm và chỉ cần một nhãn duy nhất, không bắt buộc phải ghi nhãn cho từng xá hàng hoặc block trần.

Tuy nhiên, các cơ quan Kiểm dịch động vật cửa khẩu đang yêu cầu các chủ hàng phải dán nhãn này trên container hàng. Yêu cầu này không phù hợp với thực tế của mặt hàng nguyên liệu thủy sản là do nếu dán nhãn bên trong container thì trong quá trình chạy lạnh của container sẽ có giai đoạn xả tuyết, do đó làm ẩm tờ nhãn mác khiến nhãn bị bung ra hoặc dễ rách nát.

Nếu dán nhãn bên ngoài container, các va đập cơ học trong quá trình vận chuyển container cũng như ảnh hưởng của mưa nắng cũng dễ khiến tờ nhãn mác bị rách nát, bung ra.

Một container có thể chứa nhiều loại cá, size/cỡ khác nhau, nếu mỗi loại cá dán 1 nhãn lên container thì cũng khó phân biệt nhãn tương ứng với loại hàng hóa nào dễ gây nhầm lẫn thông tin.

Hơn nữa, thực chất, các thông tin yêu cầu thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định như: Tên sản phẩm, xuất xứ, nhà sản xuất,… đã có thể hiện trong hồ sơ nhập khẩu. Nguyên liệu cá ngừ là loại hàng hóa đặc thù, cá ngừ được đánh bắt từ tàu khai thác sau đó cập cảng gần nhất và chuyển cá ngừ vô container xuất khẩu đi các nước nên chứng từ duy nhất để thể hiện nguồn gốc lô hàng là Captain’s Statement.

Theo thông lệ quốc tế về khai thác, đánh bắt và xuất khẩu cá ngừ cũng chỉ yêu cầu duy nhất Captain’s Statement nên chắc chắn một điều rằng không có nhà cung cấp nào đáp ứng được việc ghi nhãn cho nguyên liệu cá ngừ hàng xá…

Từ thực trên, các DN thủy sản kiến nghị, trong thời gian chờ sửa đổi, điều chỉnh Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017, VASEP đề nghị Ban soạn thảo không yêu cầu dán nhãn này trên container của nguyên liệu thủy sản nhập khẩu dưới dạng hàng xá hay block trần mà chỉ yêu cầu nộp nhãn này trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kiem-dich-thuy-san-van-con-nhieu-vuong-mac.aspx