'Kiểm dịch' sách Luận chiến văn chương

Phê bình 'kiểm dịch' các nhà nghiên cứu, nhà phê bình vậy nhưng Chu Giang để lộ ra nhiều chỗ ông chẳng bà chuộc trong các bài bút chiến của mình.

“Luận chiến Văn chương” (quyển 4), NXB Văn học (2017) gồm 30 bài viết, tác giả Chu Giang - Nguyễn Văn Lưu “kiểm dịch” các giáo sư: Phong Lê, Trần Đình Sử (“Kiểm dịch Giáo sư Phong Lê hai triệu câu Kiều” (tr. 21– 29); “Kiểm dịch Giáo sư Trần Đình Sử” với 3 bài (tr. 79 – 114)…

Sai sót nhiều về lịch sử

Đọc lướt Chu Giang thì thấy tác giả thành thạo đủ cả chuyện Đông Tây kim cổ, song những kiến thức trong “Luận chiến Văn chương” (quyển 4) lại có nhiều sai sót.

“Luận chiến Văn chương” (quyển 4), NXB Văn học (2017)

Trong bài “Mấy vấn đề Văn học từ Hội nghị Tam Đảo” (2016), khi trao đổi với nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, trong 2 trang 241 và 241, nhiều lần Chu Giang nhắc đến mốc người Pháp đô hộ Việt Nam suốt trăm năm (1847 -1945).

Tôi không rõ cái mốc năm 1847 Chu Giang lấy ở đâu? Các bộ chính sử của chúng ta đều viết, người Pháp chính thức nổ súng xâm lược Việt Nam ngày 31/8/1858 ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Trong “Lịch sử Việt Nam” (tập 3) do GS Đinh Xuân Lâm (chủ biên), Nguyễn Văn Khánh, Phạm Hồng Tung, Phạm Xanh, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội (2016) và mới đây nhất, bộ “Lịch sử Việt Nam” (15 tập), do PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam làm Tổng chủ biên, NXB Khoa học Xã hội (2017) cũng đều ghi nhận thời điểm Pháp xâm lược Việt Nam là năm 1858.

Chính từ mốc Pháp nổ súng đánh Đà Nẵng năm 1858 nên Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong “Tuyên ngôn Độc lập”: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập”. Đấy là sai sót lịch sử thứ nhất của Chu Giang.

Ảnh: Khải Mông

Về sự kiện năm 1916 trước khi Trần Trọng Kim cho in “Việt Nam sử lược” thì có biến Trung Kỳ, Trần Cao Vân và nhiều người khác bị xử chém, Chu Giang viết: “Hoàng đế nước An Nam - Vua Thành Thái - thì bị đày đi tận đảo Réunion, giữa đại dương, gần cực nam Phi châu” (tr. 323).

Sự thật, vua Thành Thái đã bị phế truất từ năm 1907. Vị vua của nước An Nam lúc này mà Chu Giang muốn nói là Hoàng đế Duy Tân, con trai của vua Thành Thái.

Trang 263, Chu Giang viết: “cụ Nguyễn Văn Tố, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp…” là sai. Cụ Nguyễn Văn Tố là Chủ tịch Quốc hội đầu tiên (2/3/1946). Khi hi sinh, cụ Nguyễn Văn Tố đương chức Bộ trưởng Không bộ của Chính phủ.

Chu Giang dẫn sự kiện “Lò vôi thế kỷ” (Hà Giang - 1979) ở trang 272 thì tôi không rõ đấy là lò vôi nào. Phải chăng lò nung vôi để tôi rồi xây nhà? Chứ còn “Lò vôi thế kỷ” ở Hà Giang trong cuộc chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược là chỉ chiến trường Vị Xuyên năm 1984 mới xảy ra.

Chỉ riêng trang 267 thì nhiều sai sót về lịch sử của Chu Giang khi viết “Tứ long Quỳnh - Vĩnh - Tốn - Tố” và viết về Nguyễn An Ninh “Nhật hất Pháp, ra tận Côn Đảo mời ông về cộng tác, làm Thủ tướng. Nguyễn An Ninh từ chối và hi sinh trong lao tù Côn Đảo”.

Thứ nhất, “Quỳnh - Vĩnh - Tốn - Tố” là Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn và Nguyễn Văn Tố được gọi là “Tứ hổ Tràng An”. Còn “Tứ long” có lẽ do Chu Giang lộn. Thứ hai, Nguyễn An Ninh chết ở Côn Đảo ngày 14/8/1943. Vậy thì sau ngày Nhật hất cẳng Pháp, họ ra Côn Đảo mời vong hồn Nguyễn An Ninh về làm Thủ tướng chăng?

Thiếu kiến thức bài bản, hệ thống

Đọc “Luận chiến Văn chương” (quyển 4) thấy Chu Giang dẫn Phạm Trọng Yêm, dẫn Phật,… Nhưng chỉ riêng câu tác giả dẫn đi dẫn lại “Tiên thiên hạ nhi ưu chi ưu, hậu thiên hạ nhi lạc chi lạc” (tr. 249, và nhiều trang khác) thì sai cả. Câu này của Phạm Trọng Yêm, một nhà tư tưởng thời Bắc Tống, được trích trong “Nhạc Dương lâu ký”, đã quá nổi tiếng phải là: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”. Người ta lo trước cái lo của thiên hạ, mà vui sau cái vui của thiên hạ như thế, đâu phải lẫn lộn “nhi - chi”.

Song điều khiến tôi bất ngờ nhất ấy là khi Chu Giang nhắc đến Ngũ qui, Ngũ giới trong bài “Khi tiến sĩ đều là kẻ sĩ” (Gửi bạn Trương Thanh Hùng) ở trang 272. Tác giả viết: “Còn Ngũ qui là qui Phật, qui Nho, qui Hồ Chí Minh, qui vũ trụ và qui chính mình là trở về với bản thể, hòa cùng vũ trụ, thân Tứ Đại lại trở về Cát Bụi. Vô thường mà Thường Hằng” (tr. 272).

Hình như khi viết những dòng này, Chu Giang nhớ lộn sang Đạo Lăng hoa hoặc Thanh Hải vô thượng sư mà báo chí của ta đã phê phán là “Thanh Hải vô thượng… bịp”?

Trong Phật pháp thì có Tam qui và Ngũ giới. Ngũ giới là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Còn Tam qui, nói cho đủ là Qui y Tam Bảo (Tam Bảo là 3 ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng). Qui y Tam Bảo là Quay trở về nương tựa ở Phật, Pháp, Tăng.

Theo “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, Chu Giang - Nguyễn Văn Lưu, tên thật là Nguyễn Ngọc Lưu. Sinh ngày 1 tháng 2 năm 1945. Quê quán: Ngọc Quang Hạ, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Từng là nông dân, quân nhân. Đã qua trường Tuyên huấn Trung ương, khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, nguyên là Giám đốc NXB Văn học.

KHẢI MÔNG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/kiem-dich-sach-luan-chien-van-chuong-post206231.html