Kiềm chế tai nạn giao thông đường sắt

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt nghiêm trọng tại các đường ngang, lối đi tự mở, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân được xác định chủ yếu do người điều khiển phương tiện thiếu quan sát, không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông (ATGT) khi đi qua đường sắt.

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt nghiêm trọng tại các đường ngang, lối đi tự mở, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân được xác định chủ yếu do người điều khiển phương tiện thiếu quan sát, không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông (ATGT) khi đi qua đường sắt.

Trong sáu tháng đầu năm nay, TNGT đường sắt tăng mạnh cả ba tiêu chí (cả nước xảy ra 75 vụ TNGT đường sắt, làm chết 53 người, bị thương 30 người), riêng tháng 7 xảy ra 27 vụ, làm 20 người chết, bị thương 23 người. Đáng chú ý, lúc 8 giờ 42 phút ngày 31-7, tàu SE27 khi đến đường ngang thuộc địa bàn huyện Tuy Phong (Bình Thuận) đã đâm vào xe ô-tô 16 chỗ BKS 86B - 003.66 vượt qua đường sắt, làm bốn người chết, ô-tô hư hỏng nặng, gây chậm tàu 45 phút.

Hậu quả của các vụ TNGT đường sắt thường rất thảm khốc, trong khi đường sắt là đường được ưu tiên. Hầu hết tai nạn xảy ra do nguyên nhân khách quan với ngành đường sắt, nhưng lại là chủ quan của xã hội bởi các địa phương không kiểm soát tốt, để mở quá nhiều lối đi trái phép. Phần lớn các vụ TNGT đường sắt xảy ra trên lối đi tự mở và dọc hai bên hành lang (chiếm 78%), điều đó cho thấy đây vẫn là vấn đề nan giải khi trên tuyến còn tồn tại hàng nghìn lối đi. Dường như việc kéo giảm TNGT đường sắt hiện nay đang phụ thuộc lớn vào hệ thống tín hiệu lạc hậu hay chiếc hàng rào thủ công của ngành đường sắt, trong khi ý thức chấp hành, tuân thủ luật cũng như kỹ năng điều khiển phương tiện của người dân rất kém. Trên toàn mạng đường sắt nước ta, hiện có hơn 5.700 điểm giao cắt đồng mức, trong đó chính tắc chỉ có hơn 1.500 đường ngang, còn lại là lối đi tự mở, chiếm hơn 70%; ngoài ra, còn có khoảng 14 nghìn vị trí vi phạm hành lang an toàn. Cách đây 5 năm, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phân bổ 26.358 tỷ đồng để cải tạo đường sắt và đóng các lối đi dân sinh nhưng đến nay mới chỉ được “rót” khoảng 200 tỷ đồng. Việc xây dựng đường gom, xóa bỏ đường ngang thực tiễn triển khai thời gian qua như “bắt cóc bỏ đĩa”, chính quyền địa phương hầu hết đều thờ ơ, chưa quy trách nhiệm rõ cho nên xử lý hành vi vi phạm không kiên quyết. Chủ tịch UBND cấp xã, huyện chưa làm tốt, chỉ mới dừng ở hình thức kiểm điểm, phê bình mà chưa có mức nào xử lý nặng hơn. Chúng tôi cho rằng, cần gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ này với trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền; từng địa phương cần phối hợp tốt với ngành đường sắt để rà soát, xây dựng lộ trình xóa bỏ lối đi tự mở từ nay đến năm 2025. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý nặng đối với các hành vi: cố tình mở lại lối đi trái phép đã được đóng, nhổ bỏ cọc thu hẹp lối đi, điều khiển xe cố tình vượt qua đường sắt khi cần chắn tự động đã hạ xuống, không giảm tốc độ trước khi qua điểm giao cắt,...

“Dừng lại quan sát trước khi qua đường ngang, vì an toàn của bản thân và xã hội” là thông điệp của ngành đường sắt gửi tới người tham gia giao thông. Có vị đại biểu Quốc hội đã ví von đầy chua xót: Một số người khi băng qua đường sắt vẫn còn tồn tại thứ “văn hóa nhanh chân”. Nhiều trường hợp nhân viên đường sắt đã kéo gác chắn nhưng không chỉ xe máy, mà cả ô-tô vẫn cố tình phóng vượt qua. Vì thế, giải pháp đầu tiên, quan trọng và ít tốn kém nhất có lẽ vẫn là nâng cao ý thức của người dân. Mỗi người chỉ cần dành 30 giây quan sát trước khi băng qua đường sắt, chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra những vụ tai nạn thảm khốc, gây ám ảnh trên tuyến đường sắt.

XÍCH TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/41114502-kiem-che-tai-nan-giao-thong-duong-sat.html