Kiềm chế sự gia tăng của tội phạm xâm hại trẻ em

Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ở nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau nhưng phần lớn có trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật và xã hội còn hạn chế. Thủ đoạn chính của tội phạm xâm hại trẻ em là lợi dụng, dụ dỗ nạn nhân đến những khi vực vắng vẻ tại các khu vực công cộng, khu vui chơi; tiếp cận, làm quen, có mối quan hệ gia đình, người thân của nạn nhân...

Chiều 29-12, Ban Chủ nhiệm Dự án 4-Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết Dự án 4 giai đoạn 2018-2020 và triển khai Kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021-2025 với sự chủ trì của Thượng tướng Lê Quý Vương- Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng BCĐ 138 Chính phủ, Chủ nhiệm Dự án 4.

Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định: Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm vì tương lai phát triển thịnh vượng và bền vững đất nước. Trẻ em Việt Nam đang được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục ngày càng tốt hơn, bảo đảm quyền của trẻ em. Pháp luật, chính sách về trẻ em được bổ sung, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới…; tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức…

Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người giai đoạn 2018-2020, Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm, Phó Cục trưởng Cục CSHS, Bộ Công an nêu rõ, từ 15-6-2018 đến hết năm 2020, toàn quốc đã phát hiện 4.795 vụ xâm hại trẻ em với 5.384 đối tượng, xâm hại 4.914 trẻ em; so với cùng kỳ giai đoạn 2015-2017 giảm 155 vụ, 53 đối tượng và 198 trẻ em.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Công an TP Hà Nội

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Công an TP Hà Nội

Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ở nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau nhưng phần lớn có trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật và xã hội còn hạn chế. Thủ đoạn chính của tội phạm xâm hại trẻ em là lợi dụng, dụ dỗ nạn nhân đến những khi vực vắng vẻ tại các khu vực công cộng, khu vui chơi; tiếp cận, làm quen, có mối quan hệ gia đình, người thân của nạn nhân; sử dụng mạng xã hội để dụ dỗ, mua chuộc trẻ em và thực hiện các hành vi xâm hại tình dục…

Tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật, tội phạm mua bán người, bạo lực gia đình liên quan đến trẻ em, nguyên nhân của tình trạng trên; Kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi cũng được nêu rõ.

Hội nghị được nghe nhiều ý kiến, tham luận của các đại biểu cấp Vụ, Cục thuộc các Bộ, ngành và đại diện một số địa phương về vấn về trên; trong đó có nhiều ý kiến đánh giá hiệu quả, nêu đề xuất giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan người dưới 18 tuổi trong thời gian tới.

Nam Du

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/kiem-che-su-gia-tang-cua-toi-pham-xam-hai-tre-em-222424.html