Kiềm chế lạm phát: Đảm bảo cân đối cung cầu trong bất cứ hoàn cảnh nào

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa sẽ kết thúc năm 2018, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% mà Quốc hội đã đề ra có thể đạt được nhưng sẽ có những yếu tố gây khó khăn nhất định. Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa (ảnh), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Xăng dầu là một trong những hàng hóa thiết yếu có tác động đến thị trường. Ảnh: ST.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2018 tăng 0,33% so với tháng trước và tăng 3,89% so với cùng kì năm trước. CPI bình quân 10 tháng đầu năm 2018 so với cùng kì năm trước tăng 3,6%. Ông đánh giá như thế nào về chỉ số này và diễn biến giá cả có sát với kịch bản đã dự báo hay không?

Có thể thấy mặt bằng CPI tháng 10 chủ yếu chịu tác động từ các nhóm giao thông, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở và vật liệu xây dựng. Trong đó, nhóm giao thông có tác động lớn nhất lên mặt bằng giá chung tháng 10 với mức tác động 0,145%; hai nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tác động lần lượt là 0,079% và 0,049%.

Có thể thấy, tất cả những yếu tố tăng giá này đều có những nguyên nhân khách quan và nguyên nhân nội tại. Nguyên nhân khách quan chủ yếu là do giá hàng hóa trên thị trường thế giới tăng tác động đến giá trong nước. Đáng chú ý là giá xăng dầu, giá gas và giá một số mặt hàng thiết yếu khác được nhập khẩu từ các nước Việt Nam có quan hệ thương mại. Ngoài ra, yếu tố tác động đến CPI còn do giá một số dịch vụ công thời gian qua cũng được điều chỉnh tăng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, CPI 10 tháng đầu năm nằm trong dự báo và gần sát với kịch bản điều hành do Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra từ đầu năm. Kết quả này có được do thời gian qua các bộ, ngành địa phương tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp đã đề ra từ đầu năm về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, về điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, chú trọng đảm bảo cân đối cung cầu, đặc biệt trong các dịp lễ, tết. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp liên ngành để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát năm 2018 có thể đảm bảo theo mục tiêu Quốc hội đề ra, song cơ quan quản lý cần “cảnh giác” với một số "ẩn số" giá và cần có giải pháp quyết liệt hơn để bình ổn giá cả thị trường từ nay đến cuối năm. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

Từ những chỉ số có thể thấy áp lực kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra có thể đạt được nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân bởi hiện nay nước ta vẫn đang tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ mà nhà nước còn định giá theo lộ trình. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác. Về giá, một số hàng hóa trên thế giới có xu thế tăng sẽ gây nên áp lực của tiền ra trong cuối năm. Đáng chú ý nhất là việc những tháng cuối năm phải tăng cường đầu tư cho sản xuất để có lượng hàng hóa chuẩn bị do dịp Tết. Điều này sẽ khiến áp lực của dòng tiền từ nay đến cuối năm là rất lớn. Hơn nữa, với tác động khó lường của yếu tố thời tiết thì việc gây áp lực lên chỉ số giá là khó tránh khỏi.

Với những yếu tố trên, có những yếu tố chúng ta có thể chủ động giải quyết được như: Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công, tiền tệ, mục tiêu tăng trưởng... nhưng cũng có những "ẩn số" như giá xăng dầu hay diễn biến thời tiết sẽ là khó lường. Chính những yếu tố này sẽ gây áp lực mạnh cho mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Nếu không có những giải pháp tốt thì con số này sẽ khó giữ.

Trước những khó khăn đó, ông có kiến nghị gì để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% như Quốc hội đề ra?

Vấn đề quan trọng nhất là phải chủ động đối phó. Biện pháp đầu tiên là đảm bảo cân đối cung cầu. Đây không phải là câu chuyện mới nhưng thực tế cho thấy cung cầu luôn biến động và đôi khi cũng khó lường. Dù mưa bão hay trong bất kì hoàn cảnh nào (kể cả chiến tranh thương mại) vẫn luôn phải đảm bảo cân đối, sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước hay xuất khẩu, nhất là những mặt hàng cơ bản. Phải đảm bảo cân đối nhất là những mặt hàng thiết yếu như điện và xăng dầu. Đây là biện pháp cốt lõi và cũng là biện pháp điều hành của các nước trên thế giới.

Thứ hai là thực hiện các biện pháp kiểm soát một cách chặt chẽ chi tiêu công của đầu tư công, chi tiêu thường xuyên của ngân sách nhà nước. Đồng thời phải đảm bảo kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, tăng tổng phương tiện thanh toán cả về số lượng và chất lượng của tín dụng.

Thứ ba là khi cần thiết phải giãn, lùi, hoãn việc điều chỉnh giá những mặt hàng mà nhà nước còn định giá như: Điện, một số giá dịch vụ công và một số mặt hàng khác. Giãn, lùi, hoãn vào thời điểm thích hợp sẽ có tác động dây chuyền, tạo hiệu ứng lan tỏa sinh ra lạm phát chi phí đẩy.

Thứ tư là phải hỗ trợ tối đa giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm giá như các thủ tục hành chính đối với sản xuất kinh doanh, điều kiện kinh doanh không còn phù hợp hay những rào cản về tiếp cận vốn, lao động, thị trường. Trong đó cần có cả những biện pháp về tài chính như thuế, phí...

Để kiểm soát CPI ở mức 4% cần triển khai đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp điều tiết lớn ngay từ những tháng đầu năm. Việc điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với những hàng hóa, dịch vụ nhà nước còn định giá như y tế, giáo dục… phải phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô từng giai đoạn, đi đôi với trợ giúp hợp lý đối với các đối tượng chính sách... Cùng với đó là tăng cường thanh, kiểm tra việc lợi dụng biến động của thị trường để tăng giá làm phương hại đến lợi ích người tiêu dùng, phải xử lý nghiêm.

Xin cảm ơn ông!

Thùy Linh (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kiem-che-lam-phat-dam-bao-can-doi-cung-cau-trong-bat-cu-hoan-canh-nao.aspx