Kiếm 70 tỷ đồng/năm, VFF vẫn 'nghèo' nhất ở Đông Nam Á

LĐBĐ VIệt Nam được xác định là 'con nhà nghèo' trong số các LĐBĐ ở Đông Nam Á.

Ngày hôm qua, trong một buổi họp giữa Tổng cục thể dục thể thao và Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã đưa ra thông tin đáng chú ý. Cụ thể, với 6 đội tuyển sẽ dự giải châu Á trong năm 2018 dự kiến sẽ ngốn khoảng 70 tỉ đồng (tính cả tiền thuê các chuyên gia nước ngoài). Tổng cục TDTT chi gần 30 tỉ và VFF tìm thêm 40 tỉ đồng cho công tác chuẩn bị và thi đấu VCK châu Á năm 2018.

Đây là một con số thực sự là thử thách với VFF trong thời gian tới. Còn nhớ, theo báo cáo của VFF năm 2016, tổ chức này thuyết phục được hơn 60 tỷ tiền tài trợ từ nhiều nguồn (tính cả hiện vật), tổng cục cũng chi 15 tỷ từ ngân sách, những vẫn ‘âm quỹ’. Còn năm 2015, VFF nhận hơn 50 tỷ tiền tài trợ.

Vậy với 70 tỷ (3 triệu USD) tiền chi tiêu trong 1 năm, VFF ‘giàu’ thứ bao nhiêu ở Đông Nam Á? Theo thông tin mà chúng tôi thu thập được, có một số Liên đoàn yếu như Lào hay Đông Timor, Brunei, nhận không hơn số tiền 400.000 USD tài trợ từ FIFA. Campuchia và Phillipines thì không có ngân sách lớn. Với những người hàng xóm còn lại, VFF ‘không có cửa’.

Vài ngày trước, PSSI (LĐBĐ Indonesia) vừa công bố hợp tác với 10 nhà tài trợ và đối tác trong năm 2018, dự kiến mang về số tiền khoảng 5-6 triệu USD không tính hiện vật. Nhà tài trợ chính của họ là Ultra Jaya, một tập đoàn kinh doanh sữa.

LĐBĐ Myanmar được cho là tiêu tới khoảng 6 triệu USD một năm. Số tiền này gần như ‘một tay’ tỷ phú Zaw Zaw tài trợ và chi trả, chứ LĐBĐ nước này kiếm được rất ít tiền tài trợ bên ngoài (ngân hàng AYA cũng có thể nói là tiền từ tỷ phú Zaw Zaw). Như vậy là Myanmar đã có ngân sách gấp đôi Việt Nam.

LĐBĐ Thái Lan cũng có con số khổng lồ. FAT nhận khoảng trên dưới 12 triệu USD 1 năm từ ba bản hợp đồng tài trợ chính vô cùng khổng lồ từ công ty bia Chang, Toyota và ngân sách từ ngành Thể dục thể thao trong nước. Ngoài ra, tiền bản quyền truyền hình và tiền quảng cáo cũng giúp LĐBĐ ‘kiếm thêm’ kha khá, khoảng thêm 1 triệu USD nữa.

Con số đó ở Malaysia cũng rất lớn. Tuy không có con số chính thức, nhưng có một số thông tin khiến NHM phải giật mình. Mới nhất, chính phủ Malaysia quyết định chi cho ngành thể thao năm 2018 tổng cộng 1 tỷ riggit, tức là khoảng… 240,6 triệu USD. Trong đó, việc ‘phát triển bóng đá’ được liệt kê là 1 trong 5 yếu tố quan trọng của việc chi tiêu của ngành thể thao nước này (bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo VĐV và 2 chiến dịch khác).

Tất nhiên, số tiền ‘phát triển bóng đá’ và số tiền đổ vào cho LĐBĐ là khác nhau, nhưng nước này cũng có nhiều cách ‘lách luật’ (vì nếu chi quá nhiều tiền FIFA sẽ ra án phạt). Tuy FAM có nhiều nhà tài trợ như Nike, Bank Islam, 100plus và Telekom Malaysia. Cả Nike, Bank Islam, 100plus đều chỉ là nhà tài trợ ‘hiện vật’.

Nhà tài trợ chính của họ, Telekom Malaysia, là một công ty trực thuộc hoàng gia. Chủ tịch FAM là vua Alam Shar của Malaysia nên có thể coi, chính phủ nước này đang ‘hậu thuẫn’ LĐBĐ. Telekom Malaysia thậm chí còn không công khai hợp đồng tài trợ với LĐBĐ Malaysia, tuy nhiên, theo thông tin không chính thức, số tiền mà FAM được quyền sử dụng trong một năm ít nhất là tương đương con số của LĐBĐ Thái Lan.

Trong vòng 2 năm gần đây thì Malaysia chỉ xếp hạng quanh vị trí 160-170 trên FIFA nên nhận nhiều chỉ trích từ báo giới, nhất là khi cầu thủ nhận lương cao nhất giải VĐQG của họ năm 2015 lên tới 250.000 riggit, tương đương 60.000 USD một tháng. Ở Việt Nam, tây 'xịn' cũng chỉ nhận khoảng 10.000-15.000 USD.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-thao/kiem-70-ty-dong-nam-vff-van-ngheo-nhat-o-dong-nam-a-823525.html