Kích thước siêu lớn của tàu đổ bộ tấn công Nga tiết lộ điều gì?

Hải quân Nga sẽ nhận được các tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng thuộc Dự án 23900 có kích thước lớn và tính năng rất ưu việt.

Hai tàu tấn công đổ bộ đa năng Dự án 23900 đã được đặt đóng vào ngày 20/7/2020 tại nhà máy Zaliv ở Kerch với sự chứng kiến của Tổng thống Vladimir Putin. Đây sẽ là những tàu đầu tiên thuộc lớp này được đóng ở Nga.

Hai tàu tấn công đổ bộ đa năng Dự án 23900 đã được đặt đóng vào ngày 20/7/2020 tại nhà máy Zaliv ở Kerch với sự chứng kiến của Tổng thống Vladimir Putin. Đây sẽ là những tàu đầu tiên thuộc lớp này được đóng ở Nga.

Dự kiến chúng sẽ đi vào hoạt động trong các năm 2025 và 2027. Kích thước khổng lồ của những con tàu không chỉ nói lên việc đây là những chiến hạm mạnh, mà còn gợi ý về kế hoạch tiềm ẩn cho hoạt động của chúng sau này.

Theo một trong những quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga, lượng choán nước của lớp tàu đổ bộ tấn công này sẽ vào khoảng 44.000 tấn, đây là chiến hạm lớn nhất được Nga đóng mới kể từ sau khi Liên xô tan rã.

Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu tham số trên đã tính đến đầy đủ số lượng máy bay, xe bọc thép, cũng như lính thủy đánh bộ và vũ khí đi kèm hay chưa, có thể thông số được đưa ra trên thực tế còn lớn hơn nhiều.

Để ước tính kích thước các tàu sân bay trực thăng mới thuộc hải quân Nga, cần lưu ý rằng lượng giãn nước của tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Wasp lớn nhất thế giới của hải quân Mỹ vào khoảng 40.000 tấn.

Trong khi các tàu tương tự thuộc lớp America có lượng giãn nước khoảng 45.000 tấn mỗi chiếc khi mang đầy tải chiến đấu.

Báo chí Nga cũng thông tin rằng tàu đổ bộ tấn công mới nhất của Trung Quốc - chiếc Type 075 có lượng giãn nước khoảng 40.000 tấn, trong khi các tàu lớp Mistral và Dokdo sản xuất tại Pháp và Hàn Quốc tương ứng có lượng giãn nước khoảng 20.000 tấn.

Như vậy, các tàu đổ bộ tấn công thuộc Dự án 23900 của hải quân Nga có thể trở thành tàu sân bay trực thăng phổ thông lớn nhất thế giới.

Kích thước của chúng gây nghi ngờ về việc chỉ được sử dụng làm tàu sân bay trực thăng và tàu tấn công đổ bộ - có lẽ Nga đang theo gương Mỹ sẽ sử dụng boong tàu để triển khai tiêm kích cất - hạ cánh thẳng đứng.

Theo một số báo cáo, việc chế tạo một loại máy bay như vậy ở Nga đã bước vào giai đoạn triển khai thực tế, nó được cho là phiên bản tàng hình hóa dựa trên cơ sở chiếc Yak-141 được phát triển dưới thời Liên Xô.

Không chỉ có vậy, lớp chiến hạm trên sẽ có khả năng tiếp nhận hàng nghìn lính thủy đánh bộ, Để so sánh, các tàu đổ bộ cỡ lớn thuộc Dự án 11711 cải tiến được đóng mới tại nhà máy Yantar ở Kaliningrad chỉ có thể mang theo không quá 300 binh sĩ.

Nguồn tin của RIA Novosti cho biết: “Mỗi con tàu cung cấp cho một cuộc đổ bộ không quá 1.000 lính thủy đánh bộ, sẽ có một khoang ngập nước và tối đa 4 xuồng đệm khí sẽ được đặt trong đó”.

Tuy nhiên sau khi trầm trồ trước năng lực của tàu đổ bộ tấn công thế hệ mới, báo chí Nga cũng nhắc lại thực tế của ngành đóng tàu nước này để nhắc nhở còn rất nhiều việc phải làm.

Thách thức lớn nhất đối với Nga trong việc hoàn thành lớp chiến hạm trên là năng lực của ngành đóng tàu cũng như phải chế tạo được động cơ phù hợp.

Cần lưu ý đến việc tàu đổ bộ Dự án 11711 mất gần 10 năm mới hoàn thành trong khi lượng giãn nước chỉ là 6.000 tấn, ngoài ra Nga hiện mới chỉ tự chủ được động cơ cho chiến hạm 4.500 tấn, khoảng cách quá xa so với một con tàu 4 vạn tấn.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-kich-thuoc-sieu-lon-cua-tau-do-bo-tan-cong-nga-tiet-lo-dieu-gi-post460559.antd