Kích thước nhỏ nhưng vai trò lớn của đảo Rắn trong chiến sự Ukraine

Vị trí quan trọng của đảo Rắn trên biển Đen với cả Nga lẫn Ukraine khiến hai bên liên tục tranh chấp hòn đảo nhỏ này kể từ khi Moscow nắm quyền kiểm soát hồi tháng 2.

Vào ngày Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, tàu tuần dương Moskva đã tiếp cận một mỏm đá ở biển Đen và ra lệnh cho quân đội Ukraine tại đó hoặc hạ vũ khí, hoặc sẽ có đổ máu.

Lực lượng đồn trú Ukraine khi đó đã phản ứng và nói: “Tàu chiến Nga, hãy biến đi!”. Tuy nhiên sau đó, quân của Kyiv đã đầu hàng và Moscow giành được quyền kiểm soát hòn đảo.

Lời phản ứng của quân Ukraine trên đảo Rắn hiện được in trên nhiều biển quảng cáo và cây cầu khắp nước này, và cả ở trạm kiểm soát quân sự trên đường tới chiến tuyến miền Đông. Đây được xem là biểu trưng cho quyết tâm chống lại quân Nga của Ukraine.

Tuy nhiên, sự việc tại đảo Rắn không đơn thuần mang ý nghĩa như vậy. Hòn đảo nhỏ bé - chỉ khoảng 220.000 m2 - có vị trí quan trọng đặc biệt với lực lượng nào đồn trú tại đây.

Có lực lượng trên đảo sẽ cho phép Nga tự do tấn công Ukraine và chặn các chuyến hàng từ các cảng của nước này. Tuy vậy, vị trí cô lập của đảo Rắn cũng khiến hòn đảo này rất dễ bị tổn thương.

Nga quyết tâm củng cố phòng thủ đảo Rắn

Kể từ khi tiếp quản, Nga đã nỗ lực thiết lập căn cứ trên đảo Rắn và củng cố hệ thống phòng thủ. Mặt khác, Ukraine tăng cường ngăn chặn kế hoạch của Nga, thông báo đã thực hiện một số cuộc không kích thành công nhắm vào trực thăng, hệ thống phòng không và vũ khí hạng nặng khác của Nga. Tuy nhiên, Moscow khẳng định những tuyên bố này là sai sự thật.

Những hình ảnh vệ tinh do Maxar và Planet Labs cung cấp cho thấy Nga đã thành công trong việc củng cố hệ thống phòng thủ của đảo Rắn chỉ trong 4 tháng. Đặc biệt là kể từ đầu tháng 6, Nga đã cho xây dựng các cấu trúc lều và hầm mới, đồng thời lắp đặt các hệ thống tên lửa tầm ngắn.

 Drone ghi lại hình ảnh một đám cháy trên đảo Rắn hôm 8/5. Ảnh: Reuters.

Drone ghi lại hình ảnh một đám cháy trên đảo Rắn hôm 8/5. Ảnh: Reuters.

So sánh hình ảnh vệ tinh ngày 12/5 và ngày 5/6 cho thấy chỉ trong vài tuần, những lều mới đã được dựng lên, trong khi hệ thống tên lửa phòng không Pantsir và Tor bổ sung đã được lắp đặt. Tuy nhiên, cũng có thể nhìn thấy một số mảng thực vật bị cháy xém và khả năng một tòa nhà bị sụp đổ sau cuộc tấn công của Ukraine vào hòn đảo này hôm 21/6.

Ukraine thông báo nước này đã thực hiện một loạt cuộc tấn công thành công nhắm vào đảo Rắn bằng cách sử dụng phương tiện bay không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Đoạn video công bố hôm 8/5 cho thấy phương tiện bay không người lái của Ukraine đã tấn công máy bay trực thăng của Nga trên đảo.

Hôm 21/6, bộ chỉ huy phía nam lực lượng vũ trang Ukraine cho biết họ đang triển khai “nhiều lực lượng và phương tiện tấn công khác nhau”. Một ngày sau đó, Kyiv thông báo phá hủy thành công hệ thống phòng thủ và radar của Nga.

“Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục tấn công những vị trí đó cho đến khi giành lại hoàn toàn đảo Rắn”, Giám đốc tình báo quân đội Ukraine Kyrylo Budanov cho biết.

Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, cho biết Nga đang cố gắng đưa hệ thống radar, hệ thống phòng không và tác chiến điện tử tới đảo Rắn. Điều này là nhằm thế vào chỗ trống mà soái hạm Moskva để lại sau khi tàu chiến này bị chìm ở biển Đen hồi giữa tháng 4.

“Họ muốn đóng cửa biển với Ukraine”, ông nói. “Họ muốn sử dụng hòn đảo giống như một tàu tuần dương không thể chìm, có thể bắn mọi thứ trong khu vực”.

Không bên nào chiến thắng

Các nhà phân tích quân sự cho rằng Nga có khả năng đã cân nhắc những rủi ro khi tiếp tục xây dựng hệ thống phòng thủ trên đảo, bất chấp các cuộc không kích của Ukraine. Moscow cho rằng những lợi thế khi duy trì hòn đảo lớn hơn nhiều so với việc từ bỏ.

Việc kiểm soát đảo Rắn cũng cho phép Nga dùng các loại vũ khí có khả năng tấn công vùng phía tây nam Ukraine, đồng thời củng cố khả năng quân sự trước bất cứ cuộc giao tranh tiềm ẩn nào trong tương lai từ khu vực ly khai Transnistria thân Nga ở miền Đông Moldova.

Ngoài ra, Nga cũng có thể ngăn chặn các tàu chở ngũ cốc qua sông Danube và đến Romania. Romania là thành viên của NATO, có các cảng xử lý một số tàu chở ngũ cốc bị mắc kẹt tại cảng của Ukraine và có bờ biển Đen chỉ cách đảo Rắn khoảng 50 km. Hòn đảo trước đây từng thuộc Romania, trước khi Liên Xô tiếp quản vào năm 1948 và sử dụng làm căn cứ radar.

Còn đối với Kyiv, chiếm lại đảo Rắn sẽ phá vỡ thế phong tỏa của Nga khi lực lượng của Moscow có tàu chiến tuần tra ở vùng biển phía nam Odesa. Các nước phương Tây và Ukraine nhiều lần cáo buộc Moscow chặn các chuyến hàng ngũ cốc và thực phẩm từ bến phía nam xuất khẩu tới những nước khác.

Vị trí của đảo Rắn trên bản đồ. Đồ họa: CNN.

“Đảo Rắn đã trở thành một biểu tượng”, Thị trưởng Odesa Gennady Trukhanov nói. "Kiểm soát Đảo Rắn cho phép chúng tôi kiểm soát tình hình".

Các nhà phân tích cho rằng hiện chưa bên nào đạt được mục tiêu trên đảo Rắn. Họ cho rằng mục đích của Ukraine là nỗ lực ngăn cản mọi kế hoạch phân bổ lực lượng của Nga, thay vì bố trí trên đảo Rắn. Trong khi đó, Nga sẽ dành thêm nguồn lực để bảo vệ đảo Rắn thay vì tìm cách ngăn chặn nỗ lực của Ukraine.

Nhưng những rủi ro khi ngăn cản Nga tiếp tế quân đội và khí tài trên hòn đảo cũng đang làm Ukraine nản lòng, bởi bất cứ tàu nào tiếp cận quanh khu vực này ở biển Đen đều dễ bị Nga tấn công.

Các nhà phân tích nhận định hai bên sẽ tiếp tục tranh chấp hòn đảo nhưng không bên nào chiến thắng.

"Hòn đảo này sẽ bị bỏ trống sau khi giao tranh kết thúc. Kiểm soát nó là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn", ông Zagorodnyuk nói. "Không biết chúng tôi cần phá hủy bao nhiêu thiết bị của họ trước khi họ nhận ra đóng quân ở đây chả có lợi ích gì".

Video vũ khí chính xác cao của Nga phá hủy 50 bệ phóng rocket Ukraine Bộ Quốc phòng Nga tung video vũ khí chính xác của nước này tấn công phá hủy tới 50 hệ thống pháo phóng loạt và 49 thùng chứa nhiên liệu quân sự tại tỉnh Mykolaiv ở Nam Ukraine.

Phương Linh

Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kich-thuoc-nho-nhung-vai-tro-lon-cua-dao-ran-trong-chien-su-ukraine-post1330016.html