Kích thích HS sáng tạo với đa dạng phương pháp, kĩ thuật dạy học

Nhận định vận dụng linh hoạt các phương pháp, kĩ thuật dạy học phù hợp với đặc trưng của từng bộ môn, góp phần kích hoạt sự thích thú, say mê, sáng tạo của học sinh (HS), TS Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) – minh chứng qua cách làm cụ thể, đã đạt được hiệu quả qua thực tiễn của nhà trường.

Các phương pháp dạy học (PPDH) như như dạy học nhóm, dạy học dự án, dạy học theo góc, dạy học theo hợp đồng, dạy học theo trạm,... tạo điều kiện để giáo viên (GV) phân hóa nhiệm vụ học tập cho HS. Sử dụng đa dạng các phương pháp, kĩ thuật dạy học trong một giờ lên lớp giúp thu hút tất cả các HS trong lớp vào nội dung giờ học.

Lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với từng môn học

Tại Nguyễn Tất Thành, với từng môn học, GV đã trao đổi để lựa chọn các PPDH sao cho phù hợp.

Như môn Ngữ văn, các hoạt động theo hướng khơi gợi sự cộng hưởng, đồng điệu, sáng tạo, nhập thân, nhập cuộc vào văn bản nghệ thuật để thể nghiệm các tình huống khác nhau của đời sống, làm phong phú, giàu có thêm vốn sống, hiểu đời, hiểu người hơn được đặc biệt chú ý.

Ví dụ bài dạy về tác giả Nam Cao, GV đã khơi gợi để HS đọc hiểu văn bản thông tin về tác giả trong sách giáo khoa, tham khảo các nguồn thông tin khác để xây dựng một sản phẩm học tập sáng tạo giúp người đọc hình dung ra chân dung con người và sự nghiệp của nhà văn.

Với yêu cầu này, sản phẩm mà HS có được rất phong phú, gắn với sở trường và tiềm năng của từng nhóm người học nhất định. Ngoài ra, các hoạt động đồng sáng tạo khác như vẽ tranh về nhà văn và nhân vật, sáng tác truyện tranh, nhập vai,… cũng được HS thực hiện hào hứng, hiệu quả.

“Năm học 2019-2020, dạy học dự án là một trong những phương pháp được ưu tiên sử dụng trong đổi mới dạy học nhiều môn học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của HS. Phần mềm Office 365 giúp cho hoạt động giao nhiệm vụ, hướng dẫn thực hiện và quản lí tiến độ thực hiện, báo cáo sản phẩm dự án dễ dàng, chủ động với GV và HS.

Ví dụ: chủ đề đọc hiểu văn bản văn học Trung đại (Ngữ văn 10), HS đã có các gói dự án phong phú để lựa chọn như: Tôi là nhà nghiên cứu; Gặp gỡ chuyên gia; Danh nhân đất Việt,.. Các gói công việc này lại được chia thành từng nhiệm vụ nhỏ để HS có thể hoàn thành trong từng tuần học, đảm bảo kết thúc chủ đề thì HS cũng hoàn thành dự án” – cô Thu Anh chia sẻ.

Đáp ứng đa dạng trí tuệ trong lớp học

Theo TS Nguyễn Thị Thu Anh, trong lớp học, các HS có thế mạnh trí tuệ khác nhau thích tham gia các hoạt động học tập theo các PPDH khác nhau. HS có trí tuệ ngôn ngữ thích tham gia thảo luận nhóm,... HS có thế mạnh trí tuệ logic - toán thích tham gia tranh luận, trả lời các câu đố, làm các bài tập tính toán,...

Để đáp ứng đa dạng trí tuệ trong lớp học, GV cần liên tục thay đổi PPDH, chuyển từ lối dạy phù hợp với kiểu trí tuệ này sang lối dạy phù hợp với kiểu trí tuệ khác.

Ví dụ, các GV dạy Địa lí, Sinh học, Lịch sử,... trong một giờ học sẽ chuyển từ lối dạy đáp ứng các HS có trí tuệ không gian bằng việc sử dụng tranh ảnh, hình vẽ, sơ đồ,... sang lối dạy phù hợp với HS có trí tuệ âm nhạc bằng việc sử dụng âm nhạc cứ như thế kết hợp uyển chuyển nhiều cách dạy một cách sáng tạo để mọi HS trong lớp đều có cơ hội được học với thế mạnh trí tuệ nổi trội nhất của bản thân.

Trong giờ Toán lớp 11 dạy về cấp số cộng, GV Trường Nguyễn Tất Thành đã cho phép HS tổng kết thức bài bằng nhiều cách khác nhau và 1 HS đã sáng tác một bài hát rap. Bài hát rất dễ thuộc không những tạo cảm xúc mới lạ, hứng thú cho bài học mà còn giúp các HS thấy môn Toán không quá khô cứng. Trong những giờ học sau đó, GV đã sử dụng bài hát như một học liệu tốt để dạy cho HS các lớp khác.

Cá biệt hóa việc dạy những HS có trí tuệ khác nhau

Ở những thời điểm phù hợp của chương trình môn học, GV có thể tập trung vào một mục tiêu của bài học để cá biệt hóa việc dạy những HS có trí tuệ khác nhau.

TS Nguyễn Thị Thu Anh ví dụ dạy Bài 36, Địa lí 10, GV chọn dạy phần vai trò của ngành giao thông vận tải để “đặt những câu hỏi đa trí tuệ” hướng tới mục tiêu của bài học.

Các câu hỏi như sau: Với HS có trí tuệ âm nhạc: tôi sẽ yêu cầu HS sáng tác bài hát có nội dung như thế nào để thể hiện vai trò của ngành giao thông vận tải? Với HS có trí tuệ không gian: tôi sẽ giao cho HS vẽ nội dung gì để thể hiện tác động của ngành giao thông vận tải đến KT-XH? Với HS có trí tuệ nội tâm: tôi sẽ kêu gọi cảm xúc, kí ức riêng tư của HS bằng cách nào để các em trình bày được tác động của giao thông vận tải tới cuộc sống của cá nhân?...

HS có trí tuệ nội tâm với cá tính thu mình, ngại giao tiếp sẽ gặp khó khăn khi phải làm việc liên tục với các bạn trong lớp. GV Địa lí sẽ “giải phóng” các HS này sau mỗi hoạt động học tập bằng cách: cho HS suy ngẫm bằng cách đặt các câu hỏi một phút:

Ví dụ: Hãy dành 1 phút yên lặng và nghĩ về tình huống em bị tắc đường và đến trường muộn, lúc đó em suy nghĩ gì? Hãy tưởng tượng: “Nếu mạng lưới giao thông ở Hà Nội thông suốt thì cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào?”. Như vậy GV đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các HS có trí tuệ nội tâm được tư duy theo cách phù hợp với các em.

GV phải là người điều khiển, đồng hành giúp HS tìm tri thức mới

TS Nguyễn Thị Thu Anh lưu ý, sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học đáp ứng đa dạng năng lực nhận thức của HS. Mục đích cuối cùng của mỗi bài học là tất cả các HS trong lớp đạt được kết quả tối ưu về kiến thức và kĩ năng theo các mục tiêu dạy học đã đề ra.

Vì vậy GV phải luôn cân nhắc cẩn thận và linh hoạt khi sử dụng PPDH, kĩ thuật dạy học cho một nội dung dạy học cụ thể. GV có thể sử dụng kĩ thuật dạy học phân tầng: giao cho HS thực hiện một nhiệm vụ học tập, nhưng có độ khó và đòi hỏi kiến thức nền khác nhau, phù hợp với các năng lực nhận thức khác nhau trong cùng một thời gian.

Linh hoạt khi sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học (có thể cắt bớt các bước hay phối hợp nhiều kĩ thuật dạy học cho một nội dung dạy học) đảm bảo tất cả HS phát huy khả năng của bản thân để tiếp nhận kiến thức. GV phải bao quát lớp học nhằm phát hiện những HS gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức để điều chỉnh cách đặt câu hỏi, cách tiếp cận kiến thức và kịp thời giúp đỡ các em.

Với các HS giỏi, GV nên bỏ qua những hướng dẫn không cần thiết để các em chủ động vượt qua thách thức mà không cảm thấy buồn tẻ vì nhiệm vụ học tập quá đơn giản.

“Các phương pháp dạy học hướng tới huy động sự chủ động học tập cho cả HS giỏi và HS trung bình, yếu. GV không thể là người đứng trước lớp thuyết trình từ đầu đến cuối về nội dung bài học. GV phải là người điều khiển, đồng hành giúp HS tìm kiếm tri thức mới.

HS dễ dàng vượt qua các trở ngại học tập khi được dạy nhiều cách học khác nhau, được hướng dẫn cách tìm kiếm thông tin liên quan đến nội dung bài học, được sử dụng đa dạng các tài liệu học tập và được nhận nhiệm vụ học tập vừa sức. Sử dụng thành thạo và hiệu quả các phương pháp, kĩ thuật dạy học giúp GV tổ chức được những giờ học hấp dẫn, mọi kiến thức đều trở thành đơn giản và dễ tiếp thu” – TS Nguyễn Thị Thu Anh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/kich-thich-hs-sang-tao-voi-da-dang-phuong-phap-ki-thuat-day-hoc-4061515-v.html