Kịch phi lý Nữ ca sĩ hói đầu cháy vé

Nữ ca sĩ hói đầu của đạo diễn Trần Lực là vở kịch phi lý đầu tiên tại Việt Nam.

Một cảnh trong vở kịch Nữ ca sĩ hói đầu

Hơn 1 năm chuẩn bị cho gần 2 giờ diễn

Sau hơn 1 năm chuẩn bị và 6 tháng tập luyện, Nữ ca sĩ hói đầu - vở kịch phi lý đầu tiên tại Việt Nam vừa chính thức ra mắt. Đây là vở diễn thứ 3 tâm huyết của đạo diễn Trần Lực cùng Lucteam, sau thành công của hai vở Quẫn và Cơn ghen của Lọ Lem.

Tác phẩm gốc là một kiệt tác của nhà viết kịch Pháp đại tài Eugène Ionesco, được ra mắt lần đầu vào năm 1950 và từng được công nhận là tác phẩm kinh điển hiện đại tại nhà hát Theatre of the Absurd (Pháp). Khi ra mắt, Nữ ca sĩ hói đầu đã làm xôn xao giới kịch nghệ châu Âu và mở đường cho dòng kịch mới là kịch phi lý, với nội dung là những câu chuyện rời rạc và phi lý.

Dù là vở kịch nói về cuộc sống và xã hội của người châu Âu giữa thế kỷ XX nhưng khi đưa về Việt Nam, đạo diễn Trần Lực gần như giữ nguyên toàn bộ bản gốc, từ bối cảnh câu chuyện tới lời thoại của diễn viên.

Nam đạo diễn cho biết, anh đã đọc kịch bản nhiều lần và nhận ra, câu chuyện trong kịch bản là vấn đề về con người, mối quan hệ giữa con người trong xã hội với nhau và tính nhân văn trong cuộc sống. Đã là con người, bản chất ở đâu cũng giống nhau. Chỉ riêng phần cuối được Việt hóa khi cho các diễn viên nói về các vấn đề trong xã hội ở Việt Nam hiện tại thay vì vấn đề của Pháp như trong bản gốc.

Biên kịch Đỗ Trí Hùng, người tham gia Việt hóa tác phẩm cho biết, vở diễn là vấn đề của nhân loại, diễn tả những phi lý của cuộc sống. Phần cuối được anh Việt hóa trong 2 trang kịch bản bởi đây là đoạn cao trào, đẩy toàn bộ tinh thần của tác phẩm khi mỗi người nói về một vấn đề và không ai lắng nghe ai.

Là kịch phi lý, từ nội dung câu chuyện tới tên của vở cũng phi lý. Trần Lực thừa nhận, anh không biết lý do tác phẩm được lấy tên Nữ ca sĩ hói đầu khi xuyên suốt vở diễn, nhân vật này chỉ được nhắc đến trong một câu thoại của diễn viên. Vẫn là lối biểu diễn ước lệ biểu hiện đặc trưng của Lucteam, tác phẩm cuốn người xem vào một câu chuyện không có điểm kết thúc, đầy phi lý như thử thách lòng kiên nhẫn của người xem.

Diễn viên Phương My (vai bà Martins) tâm sự, từ khi học trong trường Sân khấu điện ảnh, cô đã tiếp xúc với tác phẩm này. Nhưng khi được giao một vai diễn trong vở, cô không khỏi lo lắng vì học kịch bản rất khó khăn. “Kịch bản thường sẽ theo logic nên diễn viên dễ nhớ thoại, nhưng dạng này lại phi logic. Tôi mất gần 1 tuần nghiên cứu kịch bản, tự tập luyện, tập theo cặp rồi ghép nhóm”, Phương My chia sẻ. Trong khi đó, diễn viên Lê Văn (vai lính cứu hỏa) hài hước, anh thậm chí nghiên cứu kịch bản, phân tích ra giấy để tìm sự logic cho dễ nhớ, nhưng vẫn không tìm được logic nên quyết định “học vẹt”.

Thiết kế sân khấu cũng độc đáo, mang tính tối giản khi 8 nhân vật chỉ tồn tại trong một không gian với những bức tường kín và có 2 lối thoát. Đảm nhận vai trò họa sĩ thiết kế mỹ thuật cho Nữ ca sĩ hói đầu, họa sĩ George Burchett tiết lộ khi đọc kịch bản, anh không thấy có chuyện gì xảy ra để có ý tưởng. Nhưng khi xem các nghệ sĩ tập luyện với sức trẻ, sự năng động trên sân khấu, anh quyết định để vở diễn đã phi lý lại càng phi lý hơn thông qua dàn dựng sân khấu. “Tôi muốn làm sao để tất cả đều làm nền cho lời thoại của các nhân vật”, họa sỹ Burchett nói.

Thiết kế sân khấu tối giản khi nhân vật chỉ tồn tại trong những bức tường kín

“Dựng kịch mà không kiếm được tiền thì dẹp”

Làm kịch phi lý - dòng kịch còn khá mới mẻ với công chúng Việt Nam có thể coi là một sự mạo hiểm. Tuy nhiên, đạo diễn Trần Lực tự tin vì cho rằng, dòng kịch này không khác các dòng kịch khác. Anh tự nhận mình dũng cảm, khi làm dòng kịch chưa bao giờ được dựng ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa anh không lo lắng về khả năng bán vé.

Nếu vở được đón nhận thì khi diễn hết 1 năm, chúng tôi sẽ tiếp tục mua bản quyền để diễn tiếp.

Đạo diễn Trần Lực

Theo đạo diễn Trần Lực, tiền không chỉ mang lại giá trị về vật chất mà còn là một trong những thước đo đánh giá sản phẩm của mình có được quan tâm, thừa nhận hay không, có đủ hấp dẫn để người ta bỏ tiền ra mua vé. Trần Lực tâm niệm nghệ thuật là cuộc chơi nên nghệ sĩ cần có tinh thần thoải mái để làm tốt. Khi đã hết mình với công việc thì anh tin, khán giả sẽ đón nhận.

Niềm tin ấy phần nào đã được đền đáp khi buổi diễn đầu tiên vào ngày 12/1 vừa qua, hội trường 250 ghế của Trung tâm Văn hóa Pháp đã không còn chỗ trống, thậm chí phải kê thêm ghế phụ. Đây là dấu hiệu khả quan cho nỗ lực sáng tạo và sự mạo hiểm mà Trần Lực cùng các diễn viên của mình theo đuổi.

Nhà văn Ngô Thảo khen ngợi Trần Lực đã mang tới một “luồng gió mới” cho sân khấu kịch ở Việt Nam. “Khán giả luôn trông đợi cái mới. Chúng tôi đi các sự kiện ra mắt vở diễn vẫn hay gặp những “người quen”, đây là lần hiếm hoi gặp một “người lạ” do người quen thực hiện. Tác phẩm mang tới nét mới so với những vở kịch truyền thống. Vở kịch của nước ngoài nhưng câu chuyện vẫn mang tinh thần của Việt Nam, do diễn viên của Việt Nam thể hiện. Đây là hướng đi để tìm tòi một tác phẩm mới đáng trân trọng”, nhà văn Ngô Thảo nhận xét.

Không tiết lộ kinh phí dàn dựng vở nhưng đây là vở mà Lucteam có sự giúp đỡ của Trung tâm Văn hóa Pháp. Trần Lực cho biết, anh đã phải liên hệ với gia đình của cố tác giả Eugène Ionesco để xin bản quyền, cũng như liên hệ với Tổ chức Quản lý bản quyền ở khu vực châu Á mua bản quyền dàn dựng tác phẩm trong vòng 1 năm.

Được biết trong thời gian tới, vở diễn sẽ tham gia Liên hoan Sân khấu thử nghiệm Việt Nam.

Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/kich-phi-ly-nu-ca-si-hoi-dau-chay-ve-d408383.html