Kịch nói rộn ràng gõ cửa học đường

Mặc dù bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh vẫn vô cùng phấn chấn bởi hợp đồng đặt hàng biểu diễn ở trường học liên tục nối dài. Chỉ cần đợi các trường mở cửa sau khi hết dịch, loạt kịch mục hấp dẫn, đẫm tính nhân văn sẵn sàng sáng đèn phục vụ học sinh, sinh viên.

Đưa kịch nói vào học đường không phải là điều mới mẻ. Cùng với đờn ca tài tử, cải lương, tuồng... thì kịch nói cũng là loại hình nghệ thuật nằm trong chương trình "Đưa sân khấu vào học đường" mà TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều năm qua. Tuy nhiên, nếu như trước đây mô hình đưa kịch nói vào trường học khá lặng lẽ, ít kịch mục thì bây giờ nó lại khá nhộn nhịp.

Hiện tại, trường học tạm đóng cửa để tránh dịch. Thế nhưng, hợp đồng mà các trường ký kết với sân khấu kịch để đón chào suất diễn sau dịch không ngừng tăng lên. Trong đó, Sân khấu kịch Phú Nhuận, IDECAF, Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh... là những đơn vị đứng đầu trong danh sách đặt hàng của các trường.

Sân khấu kịch Phú Nhuận vốn nổi tiếng với kịch văn học, đặc biệt là tác phẩm theo dòng hiện thực phê phán như "Số đỏ", "Kỹ nghệ lấy Tây", "Chí Phèo", "Bỉ vỏ"... NSND Hồng Vân, Giám đốc Sân khấu kịch Phú Nhuận cho biết: "Kho tàng văn học Việt Nam có rất nhiều tác phẩm bất hủ nhưng học sinh không mấy hứng thú tìm hiểu.

Chúng tôi chọn dàn dựng nhiều kịch văn học cũng nhằm mong muốn thông qua kịch nói, học sinh sẽ có hứng thú hơn với văn học, cảm nhận được cái hay, cái đẹp mà các nhà văn truyền tải. Kịch nói là loại hình nghệ thuật sống động, dễ tiếp thu nên các em rất hào hứng đón nhận. Sau giờ biểu diễn, dàn nghệ sĩ còn dành nhiều thời gian để trò chuyện, giao lưu với các em về vở diễn".

Vở "Dấu xưa" của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh cuốn hút các em học sinh.

Vở "Dấu xưa" của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh cuốn hút các em học sinh.

Chính vì tâm niệm này nên kịch mục nào của Sân khấu kịch Phú Nhuận cũng đều được chăm chút kỹ lưỡng từ nội dung đến hình thức. Cuối tháng 2 vừa qua, Sân khấu kịch Phú Nhuận đã dàn dựng xong phiên bản mới của vở "Số đỏ" để trình diễn sau mùa dịch.

So với bản gốc cách đây 10 năm, phiên bản "Số đỏ" của đạo diễn Bảo Châu có tạo hình trẻ trung, tươi mới, gần gũi với khán giả trẻ tuổi hơn. Vở có sự tham gia diễn xuất của dàn "tân binh" đôi mươi đầy nội lực như: Tú Tài, Phúc Lâm, Gia Ngân, Xuân Huyền… Nội dung vở thêm thắt nhiều mảng miếng hài hước, dí dỏm, tràn đầy hơi thở cuộc sống hôm nay.

Sân khấu IDECAF lại ghi dấu ấn với kịch lịch sử dành cho thanh thiếu niên như "Trần Quốc Toản ra quân", "Sơn Tinh - Thủy Tinh", "Thánh Gióng", "Trưng Nữ Vương", "Đinh Bộ Lĩnh"... Bắt đầu biểu diễn từ mùa hè năm 2014, đến nay, sân khấu của "ông bầu" Huỳnh Anh Tuấn vẫn đều đặn lịch diễn vào Chủ nhật hằng tuần tại hàng chục trường học trong thành phố.

Sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ nổi tiếng như Thành Lộc, Hữu Châu... được các em học sinh vô cùng chào đón. "Chúng tôi ưu ái vở diễn về lịch sử dân tộc, ca ngợi các anh hùng trượng nghĩa, yêu nước thương dân, đặc biệt là tấm gương anh hùng thiếu niên, nhi đồng... gần gũi với lứa tuổi học sinh. Từ đó giúp các em yêu thêm lịch sử nước nhà, tự hào truyền thống cha ông, hun đúc tinh thần yêu nước. Những sự kiện hay câu chuyện hấp dẫn không có trong sách giáo khoa được ekip cố gắng tìm tòi sao cho vở sinh động, súc tích. Điều đáng mừng là số vé bán ra rất khả quan" - "Ông bầu" Huỳnh Anh Tuấn phấn khởi.

Cũng khai thác đề tài lịch sử, vở "Dấu xưa" của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh đã chạm mốc 30 suất diễn tại các trường học. Dưới sự dàn dựng của đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, NSƯT Thanh Điền đã hóa thân xuất sắc hình tượng Bác Hồ - người cha già kính yêu của dân tộc.

Tấm lòng đau đáu vì nước vì dân của Bác, tình quân dân, đồng bào và các em thiếu nhi với Bác được khắc họa đầy xúc động, thiêng liêng. Càng đáng quý hơn nữa khi "Dấu xưa" từng nhận được giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh. Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh thì ra mắt vở "18 tuổi".

Tác phẩm của đạo diễn Thái Kim Tùng nhắn gửi đến tuổi vào đời những thông điệp sâu sắc về tình yêu gia đình, về các mối quan hệ xã hội và sự cân nhắc khi chọn lựa con đường tương lai.

Ngoài kịch văn học, lịch sử, các trường còn rất "khát" kịch giáo dục giới tính, bởi đây là vấn đề nhạy cảm khá khó để truyền tải. Bước vào tuổi mới lớn, học sinh có muôn vàn thắc mắc, tò mò về giới tính, sức khỏe sinh sản. Đáp ứng nhu cầu này, hiện Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh, Sân khấu kịch Phú Nhuận, Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TP Hồ Chí Minh… bắt tay đẩy mạnh kịch bản lẫn khâu dàn dựng loạt vở giáo dục giới tính phù hợp với nhiều lứa tuổi học sinh khác nhau. Bên cạnh đó, các vấn đề như giáo dục kỹ năng sống, an toàn giao thông, tìm hiểu pháp luật... cũng được nhà trường nhờ cậy đến sân khấu kịch nói.

Những buổi biểu diễn của đoàn kịch chuyên nghiệp không chỉ giúp học sinh bổ trợ kiến thức, giáo dục nhân cách mà còn kích thích trí sáng tạo, nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật của các em. Cô Lê Trà My, giáo viên dạy văn Trường THCS Trần Quý Cáp, TP Hồ Chí Minh cho biết, nhờ những buổi biểu diễn này, cô cùng học sinh trong lớp tổ chức nhiều buổi học văn hoặc sử rất thú vị, cuốn hút bằng cách tự dựng vở kịch ngắn.

Cảnh trong vở "Bỉ vỏ" của Sân khấu kịch Phú Nhuận.

Các tác phẩm dễ dựng thành kịch gồm có "Chí Phèo", "Lão Hạc", "Số đỏ"... Giáo viên và học sinh sẽ lựa ra các đoạn trích đắt giá, giàu kịch tính để dựng thành vở. Với lịch sử, học sinh được khuyến khích tìm hiểu các câu chuyện thú vị bên lề liên quan đến sự kiện, nhân vật trong bài học để có thể phân vai, tập vở rồi trình diễn trên bục giảng.

Tuy diễn còn vụng về, nghiệp dư nhưng được hóa thân vào nhân vật hoặc xem bạn bè mình diễn xuất, các em thoải mái và tiếp thu rất nhanh bài học. Qua đó, học sinh còn được dịp bộc lộ năng khiếu diễn xuất, dàn dựng..., giúp các em nhận ra cái đẹp, cái hay của nghệ thuật kịch nói.

Vì những lẽ trên, sân khấu kịch đến với học sinh không đơn thuần chỉ là mục đích giải trí hay bổ trợ kiến thức. Cao hơn, kịch học đường đã và đang mang trọng trách: đào tạo lớp khán giả yêu kịch trong tương lai. Theo đạo diễn Hoàng Duẩn: "Những khán giả được xem và hiểu sân khấu từ rất sớm sẽ chính là lực lượng khán giả tương lai của các nhà hát. Khi đã hiểu sân khấu, khán giả sẽ tự giác đến với sân khấu. Giáo dục nghệ thuật tốt còn giúp cho sân khấu tiệm cận với sự phát triển sân khấu của các nước tiên tiến và góp phần phát hiện bồi dưỡng các tài năng sân khấu trong tương lai". Đạo diễn Hoàng Duẩn cho hay ở các quốc gia phát triển, sân khấu kịch trở thành một môn học trong nhà trường. Chẳng hạn tại Thụy Điển, có đến hơn 2/3 dân số của quốc gia này là khán giả trung thành của sân khấu. Đặc biệt, trên 50% vở diễn được sản xuất dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên với nhiệm vụ quan trọng là giáo dục sân khấu.

Trong khi đó ở Việt Nam, giáo dục sân khấu chưa thực sự được coi trọng. Phải thừa nhận rằng mô hình đưa kịch nói đến học đường đã xuất hiện nhiều tín hiệu vui, tuy nhiên hầu hết đơn vị sân khấu vẫn phải "tự bơi" là chính. Để có được hợp đồng, lịch diễn, các sân khấu phải lặn lội gõ cửa từng trường học. Các nghệ sĩ cho biết thành phố hiện có hơn 400 trường tiểu học, chưa kể các trường THCS, THPT, nhưng số suất diễn đến với các trường còn rất khiêm tốn.

"Chương trình sân khấu học đường của chúng ta vẫn chỉ là việc đưa một số trích đoạn tuồng, cải lương, vở kịch… vào biểu diễn tại các trường học chứ không phải là một kế hoạch hoàn chỉnh mang tính chiến lược. Những suất diễn này cũng tổ chức không được bao nhiêu và chỉ mang tính thời vụ.

Sự phối hợp giữa ngành văn hóa và giáo dục như dậm chân tại chỗ, khiến cho một vở diễn dù rất thành công từ thực tiễn, được thầy cô giáo, học sinh và báo chí đánh giá cao nhưng vẫn phải nằm chờ thời vì không có kinh phí. Đây là lúc các nhà quản lý cần có giải pháp căn cơ, bài bản để kịch nói đi sâu vào học sinh, sinh viên" - Đạo diễn Hoàng Duẩn chỉ rõ.

Phan Thi Uyên

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/kich-noi-ron-rang-go-cua-hoc-duong-591149/