Kích hoạt thời 'thắt lưng buộc bụng'?

Điều đầu tiên là cần sắp xếp lại các nhiệm vụ chi, giảm bớt những gì chưa thực sự cần thiết, cấp bách...

Những người lao động làm nghề tự do như bán hàng rong bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đáp ứng một số điều kiện sẽ thuộc diện nhận được hỗ trợ từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Ảnh: Tạ Hải

Những người lao động làm nghề tự do như bán hàng rong bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đáp ứng một số điều kiện sẽ thuộc diện nhận được hỗ trợ từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Ảnh: Tạ Hải

Trong bối cảnh hụt thu ngân sách Nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính đã đưa ra dự toán ngân sách cho năm 2021 với dự kiến tăng đầu tư phát triển và giảm mạnh chi thường xuyên và duy trì chính sách an sinh xã hội.

Loạt địa phương hụt thu

Là một doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng có mức doanh thu trung bình mỗi tháng vài tỷ đồng, song nay chỉ còn chưa đến 500 triệu đồng, ông Trần Ngọc Ngũ, Giám đốc Công ty Xây dựng Hà Nội cho biết, tất cả là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Chúng tôi đang lỗ nặng, thậm chí đối diện với nguy cơ phá sản nếu tình trạng này kéo dài hết năm”, ông Ngũ bày tỏ.

Công ty Xây dựng Hà Nội chỉ là một trong số hàng trăm nghìn doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn do dịch bệnh, không đủ doanh thu, lợi nhuận để nộp thuế khiến thu ngân sách Nhà nước (NSNN) giảm mạnh.

Theo Bộ Tài chính, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tâm lý tiêu dùng của xã hội, từ đó tác động đến số thu NSNN năm 2020. Ước cả năm 2020, thu cân đối NSNN đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, giảm 189,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%) so dự toán.

Trong khi đó, Chính phủ phải tăng chi hỗ trợ một loạt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; hay miễn, giảm các khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh…

Trao đổi với Báo Giao thông, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính Võ Thành Hưng khẳng định, so với năm 2019, “sức khỏe” của doanh nghiệp dưới tác động của 2 đợt Covid-19 yếu hơn hẳn. Điều này nó thể hiện rõ ở con số thu NSNN giảm trong những tháng qua.

“Thu ngân sách tại nhiều địa phương khó khăn và phần lớn có tiến độ thu thấp. Điển hình như TP HCM, tổng thu ngân sách trên địa bàn trong 9 tháng năm 2020 ước thực hiện 245.362 tỷ đồng, đạt 60,5% dự toán, giảm tới 14,6% so cùng kỳ năm 2019. Năm 2021 sẽ là một năm rất vất vả cho chúng ta khi vừa phải đảm bảo an sinh xã hội vừa phải “kéo” kinh tế tăng trưởng”, ông Hưng dự báo.

Giảm bớt hội họp, đi công tác

Theo ông Hưng, dự báo kinh tế thế giới trong năm 2021 tiếp tục khó khăn, sự phục hồi phụ thuộc rất lớn vào quá trình kiểm soát đại dịch. Đó là còn chưa kể đến tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và các dịch bệnh khác...

Kinh tế khó khăn, đồng nghĩa với việc thu NSNN sẽ tiếp tục giảm. Trong khi đó, nhiệm vụ chi ngân sách vẫn phải thực hiện. Do đó, điều đầu tiên là cần sắp xếp lại các nhiệm vụ chi, giảm bớt những gì chưa thực sự cần thiết, cấp bách. Nói một cách đơn giản là vẫn ưu tiên chi cho đầu tư phát triển để phục hồi phát triển kinh tế và triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi cho hội họp, đi công tác trong và ngoài nước.

Nhận định về chi đầu tư phát triển, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, quan trọng nhất hiện tại là cần đầu tư xây dựng lại những hệ thống trường học, cơ sở hạ tầng bị phá hủy sau đợt bão lũ vừa qua. Tiếp đó, cần tiếp tục gỡ bỏ những thủ tục hành chính rườm rà gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh dịch vụ hành chính công trên mạng để tiết kiệm chi phí, tránh tiêu cực...

Theo vị chuyên gia này, thời gian tới, chúng ta nên tận dụng, thúc đẩy để doanh nghiệp tiếp cận được các hiệp định thương mại tự do. Muốn làm được điều đó, không những cần đầu tư tập trung vào hạ tầng số mà cần hướng dẫn cụ thể, không đưa ra một phương hướng chung chung...

Đồng tình với việc tăng chi đầu tư phát triển và giảm chi thường xuyên, song chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, cần phải tính đến việc cân đối nguồn để tăng mức lương cơ sở nhằm giữ chân người lao động, tránh để “chảy máu chất xám” trong khu vực nhà nước.

Theo Báo cáo về dự toán thu NSNN năm 2020, dự toán chi cân đối NSNN là 1.747,1 nghìn tỷ đồng; thực hiện 9 tháng bằng 63,7% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2019. Ước thực hiện cả năm đạt 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5% so dự toán).

Do tác động của dịch bệnh Covid-19, thiên tai, việc triển khai các biện pháp thu - chi NSNN hỗ trợ nền kinh tế, bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 319,46 - 357,96 nghìn tỷ đồng, bằng 4,99 - 5,59% GDP.

Dự kiến dự toán chi cân đối NSNN năm 2021 là 1.687 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 60,1 nghìn tỷ đồng, giảm 3,4% so dự toán năm 2020. Trong đó, chi đầu tư phát triển 477,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng chi NSNN (dự toán năm 2020 với mức 26,9%), tăng 6,7 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2020. Chi thường xuyên mức 1.036,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng chi NSNN, giảm khoảng 20 nghìn tỷ đồng (giảm 1,9% so với dự toán năm 2020).

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/kich-hoat-thoi-that-lung-buoc-bung-d484910.html