Kích hoạt cơ chế phản vệ trước ma túy - Bài 2: Yếu tố nội tâm

Quá trình dẫn dắt một người trẻ đến với ma túy rất phức tạp. Việc nghiện ngập là hậu quả cuối cùng do hòa trộn nhiều yếu tố: gia đình, bạn bè, xã hội, ảnh hưởng bằng nhiều hình thức và mang tính đặc thù cho mỗi trường hợp. Trong đó, yếu tố nội tâm đóng vai trò rất quan trọng.

Đặc điểm nội tâm

Theo nghiên cứu của các bác sỹ ở Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (Thành phố Hồ Chí Minh), một người với nội tâm bất thường sẽ có những nhận thức thất thường dẫn đến những biểu hiện qua hành vi. Những cuộc nghiên cứu tâm lý cho thấy, đặc điểm bất thường nội tâm bao gồm các yếu tố sau:

Học viên học nghề sửa xe gắn máy tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Học viên học nghề sửa xe gắn máy tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Về khát vọng học tập, những học sinh chăm học ít có nguy cơ sử dụng ma túy hơn so với nhóm học sinh lười học. Khát vọng học tập là một yếu tố bảo vệ mạnh, song không phải luôn luôn như vậy. Một học sinh rất ham học nhưng kém may mắn trong thi cử hoặc có thể bị giáo viên ghét bỏ, việc học tập trở thành nặng nề. Vì khát khao học tập, đối tượng có thể trở nên bất mãn, chán đời rồi tự tìm lối thoát.

Khát vọng vươn lên trong cuộc sống để tự khẳng định mình: khi mọi việc suôn sẻ, khát vọng vươn lên tạo ra hưng phấn. Song một khi đối tượng gặp thất bại sẽ rơi vào trạng thái sợ hãi, thất vọng với thực tại và sẽ tìm lối thoát, thường là rượu hoặc ma túy.

Tình trạng lãnh đạm, bi quan cũng là một yếu tố nguy cơ, nhất là khi nó phối hợp với những triệu chứng tâm thần. Tâm hồn nổi loạn, ưa thích những chuyện trái với thuần phong mỹ tục, xu hướng có những hành vi vô luân thường được coi là một nguyên nhân (đồng thời cũng là hậu quả) của việc lạm dụng ma túy.

Nội tâm thiếu tự chủ, thiếu tự trọng cũng là yếu tố nguy cơ, trong khi sự tự chủ, tự trọng là yếu tố bảo vệ. Tâm hồn cô độc, xung khắc với mọi người, luôn buồn chán và bất mãn với tất cả sẽ dễ là nạn nhân của ma túy.

Lý tưởng và niềm tin - Đây là yếu tố bảo vệ rất mạnh. Trường hợp khi không có mục đích sống rõ ràng, mạnh mẽ, không biết phải làm gì, thích hưởng thụ vui chơi là yếu tố nội tâm rất nguy hiểm.

Sức hút và lực cản

Một gia đình có nhiều người con nhưng chỉ một người nghiện, còn những người khác thành đạt. Một người có thời điểm chống chọi được trước sự cám dỗ nhưng ở thời điểm khác lại sa chân.

Điều đó là do trong nội tâm và ngoài xã hội có các yếu tố nguy cơ khiến một bạn trẻ nghiện ngập, nhưng cũng có nhiều tác nhân bảo vệ để một người luôn nói “không” với ma túy hoặc đã vướng phải mà vẫn thoát ra được.

Một con người có rất nhiều yếu tố bảo vệ cũng như những yếu tố nguy cơ tác động xen kẽ vào nhau. Nếu yếu tố bảo vệ mạnh hơn, con người không sa vào việc lạm dụng ma túy. Yếu tố nguy cơ lớn trong lúc yếu tố bảo vệ kém, con người dễ sa chân vào vũng bùn.

Mức độ nghiện ngập nặng hay nhẹ phụ thuộc vào sức mạnh của yếu tố bảo vệ và yếu tố nguy cơ. Khi yếu tố bảo vệ và yếu tố nguy cơ đang vật lộn với nhau, tác động của môi trường sẽ đóng vai trò quyết định.

Một người có tiền sử nghiện ngập sẽ rất dễ tái nghiện nếu sống trong một môi trường dễ tiếp cận ma túy cho dù có nhiều yếu tố bảo vệ. Một người phải đương đầu với quá nhiều yếu tố nguy cơ rất dễ sa vào việc lạm dụng ma túy, bỏ qua các yếu tố bảo vệ. Nếu có nhiều dữ liệu về người nghiện, chúng ta có thể dự đoán rằng đối tượng có thể dễ dàng thoát khỏi ma túy hay không.

Các nghiên cứu có hệ thống đã nêu rõ vai trò nhân cách trong việc sử dụng ma túy ở tuổi thanh, thiếu niên, đó là sự ưa tìm cái mới, sa đà vào việc tìm cảm giác mới, khó khăn trong tự chủ về cảm xúc và tính xung động, nỗi đau về tâm lý, sự thiếu hụt lòng tin, lòng tự chủ và các kỹ năng giao tiếp xã hội dẫn đến việc sử dụng ma túy của thanh, thiếu niên.

Một số yếu tố khác dễ dẫn đến việc sử dụng ma túy: tính ngang bướng hơn bình thường, ưa thể hiện các hành vi lập dị, đòi hỏi sự độc lập, thiếu trách nhiệm… là những yếu tố báo trước việc sử dụng ma túy.

Việc thích tìm các cảm giác mạnh, cảm giác hưng phấn, hành vi ưa mạo hiểm hay thiếu tự chủ về cảm xúc, tính tình chưa thuần thục, tính xung đột, tính hung bạo, tâm lý như sợ hãi, khí chất trầm nhược và thiếu tự tin, không có bản lĩnh tự làm chủ và các khả năng thích ứng, các cảm giác bất lực và thiếu sót dễ dẫn đến việc sử dụng ma túy của thanh, thiếu niên.

Các cuộc khảo sát cho thấy, đối tượng không dùng ma túy thường có bản lĩnh và thích nghi với hoàn cảnh tốt hơn so với các đối tượng sử dụng ma túy. Các đối tượng hay rụt rè và bị ức chế về xã hội có nhiều nguy cơ sử dụng các chất ma túy hơn những người khác. Ngoài ra, những nỗi đau về tâm lý, các khó khăn trong điều chỉnh các cảm xúc của cá nhân và sự khó khăn trong các mối quan hệ cũng dự báo về nguy cơ sử dụng ma túy ở một người trẻ.

Bài cuối: Cả xã hội cùng hỗ trợ

Trần Quang Vinh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phap-luat/kich-hoat-co-che-phan-ve-truoc-ma-tuy-bai-2-yeu-to-noi-tam-20210313110107489.htm