Kích hoạt báo động đỏ cứu sống bệnh nhân bị dao đâm thấu bụng

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận bệnh nhân Phùng Văn C (32 tuổi, ở Chương Mỹ - Hà Nội), bị sốc mất máu do dao đâm thấu bụng vì mâu thuẫn cá nhân.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, ngay lập tức bệnh nhân được đưa vào tiến hành siêu âm tại giường, xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu. Sau khi xác định tổn thương, bệnh nhân được chẩn đoán: Bị sốc trụy mạch do mất máu cấp, vết thương thấu bụng đi từ sườn lưng vào bụng.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Đông thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật thành công (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bác sĩ Nguyễn Quốc Đông thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật thành công (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Nhận thấy đây là trường hợp nguy kịch, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân nếu không được mổ cấp cứu kịp thời nên Bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, huy động tất cả nhân lực, vật lực phải tập trung trong thời gian sớm nhất, tối ưu hóa nguồn lực và thời gian “vàng” để cứu sống bệnh nhân.

Trong vòng 10 phút, tất cả đội ngũ y, bác sĩ đã có mặt đầy đủ, bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện và bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Cương, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, thực hiện chỉ đạo mổ cấp cứu để đánh giá tổn thương và xử lý tổn thương sau đó đưa bệnh nhân vào phòng mổ thực hiện phẫu thuật. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ và đã diễn ra thành công tốt đẹp giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Quá trình mổ, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị một vết thương có chiều dài 4cm, vết thương sâu do dao đâm xuyên qua cơ thắt lưng vào thận trái, vào cuống lách, rách đứt cực trên thận trái, vết thương xuyên qua lách đứt ở rốn lách và cuống lách, trong ổ bụng có khoảng 1500ml máu đông và không đông. Các bác sĩ đã tiến hành cắt lách và cấy lách tự thân, khâu và bảo tổn thận trái, xử lý vết thương vùng cơ thắt lưng, lau rửa ổ bụng lấy hết máu đông.

Thạc sỹ, bác sĩ Nguyễn Quốc Đông, Phó trưởng Khoa Ngoại thận – Tiết niệu trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết thêm: “Cấy lách tự thân là lấy một phần lách lành quấn vào mạc nối lớn giữ lại được một phần chức năng sinh lý của lách trong cơ thể. Do vết thương trên đi vào cực trên của thận trái thông với bể thận nên việc khâu bảo tồn thận sẽ giữ lại được thận cho bệnh nhân. Do lượng máu chảy ra rất lớn và nhanh, tổn thương lại nằm ở vùng sâu nên trong quá trình mổ bệnh nhân phải tiếp 3 đơn vị máu(750ml), sau mổ phải chuyền tiếp 2 đơn vị máu(500ml)”.

Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, cầm máu và huyết động ổn định, sức khỏe đã tiến triển tốt. Bệnh nhân được các bác sĩ tư vấn về chế độ nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng, chỉ nên làm những công việc nhẹ nhàng và hẹn tái khám sau 1 tháng.

Báo động đỏ là quy trình phối hợp, hỗ trợ khẩn cấp nhằm can thiệp ngoại khoa cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch, ảnh hưởng đến tính mạng. Mục tiêu là vừa hồi sức vừa tiến hành can thiệp phẫu thuật cấp cứu ngay cho người bệnh.

Quy trình này yêu cầu toàn bộ đội ngũ nhân viên hồi sức, phẫu thuật và các chuyên khoa liên quan phải có mặt ngay tại phòng mổ trong thời gian sớm nhất, có thể bỏ qua một số khâu của quy trình cấp cứu thông thường như hội chẩn, chờ hồi sức nội khoa ổn định, xét nghiệm máu, Xquang, siêu âm…

Nguyễn Minh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/kich-hoat-bao-dong-do-cuu-song-benh-nhan-bi-dao-dam-thau-bung-97893.html