Kích hoạt báo động đỏ, cứu sống bác sĩ ngừng tim 90 phút

Ông N. T. T, 62 tuổi, là bác sĩ, công tác tại một bệnh viện ở TP Cần Thơ, có bệnh lý tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, trong khi đang làm việc tại bệnh viện, đột ngột khó thở, ngừng tim, ngưng thở và được đồng nghiệp tiến hành cấp cứu ngưng tim, ngưng thở.

Sau 45 phút cấp cứu, bệnh nhân có nhịp tim lại, bệnh viện tuyến dưới tiến hành báo động đỏ liên viện với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và chuyển bệnh nhân lên tuyến trên với thời gian 10 phút. Trên đường vận chuyển bệnh nhân tiếp tục ngừng tim nhiều lần và được cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực, bệnh nhân được sử dụng 40 ống Adreanalin (thuốc cấp cứu trong ngừng tim).

Hình ảnh động mạch vành trước khi can thiệp

Hình ảnh động mạch vành trước khi can thiệp

Ngay khi tiếp nhận thông tin từ bệnh viện tuyến trước, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiến hành báo động đỏ nội viện và chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, phương tiện cấp cứu, thuốc và đặc biệt huy động các trưởng khoa nhiều chuyên khoa: Cấp cứu, Hồi sức tích cực - Chống độc, Can thiệp tim mạch, Nội tim mạch, Hô hấp,… Ban Giám đốc bệnh viện cùng trực tiếp tham gia cấp cứu cho bệnh nhân.

Khi xe đến Khoa Cấp cứu bệnh viện, bệnh nhân trong tình trạng: Hôn mê sâu, đồng tử hai bên giãn 4mm, phản xạ ánh sáng chậm, đang bóp bóng qua nội khí quản và ép tim ngoài lồng ngực, huyết áp và mạch không đo được, toàn thân tím tái.

Bệnh nhân được tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng, thở máy, sốc điện phá rung, dùng thuốc vận mạch, điều chỉnh toan kiềm,… Sau 35 phút cấp cứu bệnh nhân có nhịp tim trở lại và tiếp tục thở máy, sử dụng thuốc vận mạch liều cao,...

Tình trạng bệnh nhân nguy kịch, nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ tiến hành hội chẩn bệnh viện với chẩn đoán: Hôn mê, nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng ngưng tim, ngưng thở, suy hô hấp nặng.

Hình ảnh động mạch vành sau can thiệp

Bệnh nhân được hồi sức tích cực, sử dụng cùng lúc 3 thuốc vận mạch liều cao và chuyển Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc điều trị tiếp. Khi tình trạng cho phép chụp CT sọ não kiểm tra và tiến hành can thiệp mạch vành cấp cứu.

13 giờ 30 phút cùng ngày nhập viện, bệnh nhân được chỉ định chụp và can thiệp mạch vành cấp cứu. Kết quả hẹp nhánh liên thất trước đoạn II 80%, san thương không ổn định và can thiệp thành công bằng Stent phủ thuốc trong vòng 20 phút.

Bệnh nhân sau can thiệp được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc theo dõi và điều trị tiếp. Dựa vào các xét nghiệm, bệnh nhân được lọc máu liên tục cấp cứu suy đa tạng và kết hợp sử dụng hệ thống thăm dò huyết động theo phương pháp PICCO.

Quá trình điều trị của bệnh nhân diễn tiến theo hướng rất nặng: Huyết áp thấp phải sử dụng vận mạch liều cao, tình trạng thiểu niệu, vô niệu kéo dài, suy gan nặng, hôn mê gan, rối loạn đông máu, viêm phổi nặng đa kháng thuốc.

Với tinh thần quyết tâm của tập thể y - bác sĩ, bằng năng lực chuyên môn, kết hợp với các kỹ thuật hiện đại như lọc máu liên tục, hệ thống theo dõi huyết động PICCO, thở máy,… tình trạng bệnh nhân cải thiện dần: liều thuốc vận mạch giảm dần và ngưng, tình trạng thiểu niệu của bệnh nhân được cải thiện, lượng nước tiểu tăng dần, chức năng gan, thận cải thiện theo hướng tốt dần, tình trạng hô hấp cũng cải thiện.

Sau hai tuần điều trị tích cực sáng ngày 21/10/2020, bệnh nhân tiến triển phục hồi, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định và thực hiện tốt y lệnh bác sĩ điều trị, trong niềm vui của tập thể nhân viên bệnh viện và gia đình bệnh nhân.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân sáng 22/10/2020

Sáng ngày 22/10/2020 bệnh nhân đã ngưng lọc máu liên tục. Đây được xem là một kỳ tích trong thực hành lâm sàng của bệnh viện.

Bệnh nhân được tiếp tục được theo dõi và điều trị tiếp tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.

Theo BS.CKII Dương Thiện Phước - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (người trực tiếp điều trị bệnh nhân): Ngừng tuần hoàn là một biến cố trầm trọng, với tỷ lệ tử vong cao. Số liệu thống kê tại Hoa Kỳ, ngừng tuần hoàn xảy ra ngoài bệnh viện có tỉ lệ tử vong trên 90%.

Trong số bệnh nhân tim đập trở lại chỉ có 45% số ca sống sót, số bệnh nhân sống sót chỉ có 30% ra viện. Nguyên nhân quan trọng nhất là do tác động của hội chứng sau ngừng tuần hoàn, trong đó tổn thương não vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong.

Thời gian từ khi cấp cứu đến khi có tim đập trở lại ở bệnh nhân này là 90 phút, trong một số nghiên cứu thời gian này là 3,8 – 5,1 phút cấp cứu cơ bản và 8,4 – 9,0 phút cấp cứu chuyên sâu trong những năm từ 1977 đến 2001.

Như vậy, đối với bệnh nhân này thời gian cấp cứu ngừng tim dài hơn và bệnh nhân không có di chứng thần kinh cho thấy kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn đã được thực hiện rất tốt đã giúp cho đảm bảo tuần hoàn tối thiểu duy trì sự sống của các tạng.

Vì vậy cần cấp cứu ngừng tuần hoàn với thời gian lâu hơn và tích cực hơn ở những trường hợp ngừng tim đột ngột tại bệnh viện, vì vẫn còn cơ hội cứu sống bệnh nhân nhưng cần được phát hiện và cấp cứu ngay lập tức, điều này đòi hỏi phải luôn chuẩn bị sẵn sàng con người đã được huấn luyện thành thạo, không mắc sai sót và dụng cụ đầy đủ.

Theo BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ: Thành công của ca bệnh này là nhờ sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Ban Giám đốc bệnh viện, cùng sự phối hợp rất tốt giữa các bệnh viện, khoa phòng trong bệnh viện và quá trình điều trị tích cực của các thầy thuốc Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc trong thời gian 15 ngày.

Kỹ thuật cấp cứu tốt ngưng tuần hoàn của bệnh viện tuyến trước và đặc biệt việc triển khai qui trình báo động đỏ tại bệnh viện đã góp phần cứu sống bệnh nhân. Qua đó, ngày càng khẳng định năng lực chuyên môn tuyến cuối bệnh viện, mang lại niềm tin cho người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về khả năng xử trí các bệnh nhân cấp cứu, nguy kịch.

Phạm Phong

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/kich-hoat-bao-dong-do-cuu-song-bac-si-ngung-tim-90-phut-n181792.html