Kịch hát 'Ngàn năm mây trắng': Thử nghiệm mang tính 'lột xác' với 4 loại hình nghệ thuật

Ngàn năm mây trắng vừa là vở Kịch hát tham gia Liên hoan quốc tế Sân khấu Thử nghiệm, vừa là sự thử nghiệm có tính 'lột xác' của chính các nghệ sỹ.

Hưởng ứng Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, Hà Nội - 2019 do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam đã dàn dựng và đăng ký tham dự Liên hoan với vở Kịch hát “Ngàn năm mây trắng”. Vở kịch hát này đồng thời là công trình kỷ niệm 74 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam và 70 năm thành lập Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.

Mộ phân cảnh ấn tượng của vở Kịch hát “Ngàn năm mây trắng”

Chiều 9/8 tại Nhà hát Kịch Việt Nam, vở Kịch hát “Ngàn năm mây trắng” đã diễn ra buổi diễn thử nghiệm đầu tiên trước khi chính thức ra mắt.

Dù được coi là buổi diễn thử nghiệm nhưng vở Kịch hát “Ngàn năm mây trắng” đã thu hút đông đảo người thưởng thức. Có thể nói, đây là lần đầu tiên sân khấu kịch phía Bắc có một vở diễn mang tính đột phá, kết hợp nhuần nhuyễn các loại hình nghệ thuật dân gian như hát Chèo, Cải Lương, hát Xẩm, hát văn Huế… nhưng vẫn thống nhất mềm mại, lấy đi nước mắt khán giả ở nhiều phân cảnh.

Tô Thị (người vợ) đau khổ khi mất tin tức của chồng

Tô Thị (người vợ) đau khổ khi mất tin tức của chồng

Chia sẻ trong buổi diễn thử nghiệm, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - tác giả của vở kịch cho biết: “Năm 1997, tôi đến Lạng Sơn chiêm bái tượng đá Nàng Tô Thị. Ở nơi địa đầu xứ Lạng của Tổ quốc, hình ảnh Nàng Tô Thị bồng con chờ chồng như một điển hình.

Trên khắp đất nước ta, lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước có vô vàn Hòn Vọng Phu: Người vợ chờ chồng nơi chiến trận trở về; chờ chồng đi biển nhưng bặt vô âm tín; chờ chồng đi làm ăn buôn bán phương xa; chờ chồng đi sứ, đi ra nước ngoài hay một số lý do, hoàn cảnh nào đó… nhưng hình ảnh người phụ nữ đứng ở địa đầu Tổ quốc bồng con chờ chồng khiến tôi liên tưởng đến chinh phu chinh phụ. Người vợ ôm con chờ chồng đi đánh trận trở về” - PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.

Tô Thị bồng con đi khắp nơi hỏi tung tích của người chồng

Sau chuyến đi đó, ông viết bài thơ Trước nàng Tô Thị, lý giải sự ra đời của tượng đá Nàng Tô Thị khác với những câu chuyện cổ tích. Bài thơ tiếp tục là cảm hứng, là tứ để ông viết Kịch thơ Ngàn năm mây trắng vào đầu năm 2018 và tiếp sau đó là Kịch hát Ngàn năm mây trắng.

Đây là một thể loại khá sở trường của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, tình huống kịch, số phận các nhân vật dựa chủ yếu vào bài thơ nêu trên. Ba nhân vật chính của vở kịch thơ là Tô Thị (người vợ), Trần Khôi (người chồng), Trương Lỗ (kết nghĩa huynh đệ với Trần Khôi, cuối cùng lộ rõ là kẻ thủ ác). Các nhân vật của tác phẩm được thể hiện số phận, tính cách một cách rõ nét thông qua tài năng, năng khiếu nghệ thuật của các diễn viên thể hiện qua các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát Chèo, Cải Lương, hát Xẩm, hát văn Huế.

Nhiều câu chuyện về người chồng nhưng nàng không tin đó là sự thật

Cũng vì điều này, vở diễn có cùng lúc hai đạo diễn đó là Đạo diễn - NSƯT Thanh Ngoan phụ trách phần chèo, xẩm, hát văn Huế; Đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên phụ trách phần cải lương.

Nàng tiếp tục đi tìm chồng, vượt qua nhiều gian khó

Chia sẻ về phần khó nhất khi dàn dựng vở Kịch hát, NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết: “Khó khăn nhất trong vở Kịch hát “Ngàn năm mây trắng” là sự hòa trộn của 4 loại hình nghệ thuật truyền thống Chèo, Cải Lương, hát Xẩm, hát văn Huế. Bởi xưa nay, Cải Lương và Chèo pha cùng nhau là điều chưa từng có. Sự kết hợp 4 loại hình nghệ thuật là sự mạnh dạn nhưng chúng tôi cũng có ít nhiều lo lắng trong quá trình dàn dựng. Tuy nhiên qua buổi diễn thử nghiệm hôm nay, lắng nghe ý kiến của những vị khách đầu tiên, tôi đã yên tâm phần nào bởi vở Kịch hát khá ngọt ngào, đã truyền cảm xúc cho khán giả”.

Để 4 loại hình có thể pha nhịp nhàng với nhau, NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết, điều đó dựa vào sự cảm quan của người nghệ sĩ. Cách kết nối, dẫn dắt các làn điệu, cách xử lý âm thanh, âm nhạc, xử lý bài ca, diễn xuất… thông qua lăng kính của người nghệ sĩ để biết rằng sẽ phải làm gì để vở kịch hay, hiệu quả nhất.

Cái kết bất ngờ của “Ngàn năm mây trắng"

NSƯT Triệu Trung Kiên cũng nhấn mạnh: “Thông qua vở Kịch hát “Ngàn năm mây trắng”, chúng tôi muốn đưa đến cho bạn bè Quốc tế một cái tổng quan về văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống của Việt Nam. Xem vở Kịch hát, bạn bè Quốc tế sẽ thấy không gian của văn hóa Việt nam được tái hiện từ những bức tranh Đông Hồ, trang phục truyền thống… đến câu chuyện huyền thoại mang tính huyền sự điển hình như câu chuyện về nàng Tô Thị”.

Có thể nói Ngàn năm mây trắng vừa là vở Kịch thơ, Kịch hát tham gia Liên hoan quốc tế Sân khấu Thử nghiệm, vừa là sự thử nghiệm có tính “lột xác” của chính các nghệ sỹ và của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trích đoạn vở Kịch hát “Ngàn năm mây trắng"

Ngàn năm mây trắng là kịch bản văn học của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; chuyển thể kịch hát: NS Hoàng Song Việt và NSƯT Thanh Ngoan, với sự tham gia của NSƯT Thanh Ngoan - NSƯT Triệu Trung Kiên (Đạo diễn); Họa sỹ Hồng Vân (Thiết kế mỹ thuật); NSƯT Duy Hòa (Sáng tác âm nhạc); Hồng Hải (Thiết kế ánh sáng); Tuyết Minh (Biên đạo múa); Minh Hùng (Thiết kế trang phục). Tham gia vở diễn là các nghệ sĩ nổi tiếng của Nhà hát Đài Tiếng nói VN và sự góp mặt của một số nghệ sĩ thuộc Nhà hát Cải lương VN và Nhà hát Chèo VN bao gồm NSƯT Thu Trang (vai Tô Thị), Quang Khải (vai Trương Lỗ), Tuấn Thanh (vai Trần Khôi), NSƯT Văn Chương (vai Trần Khôi 2), Tất Dũng (vai Trần Khôi 3), Đăng Kiên (vai Trưởng trò gánh hát chèo), Hạnh Ngân (vai Công chúa), NSƯT Minh Phương (vai Bà già hát xẩm)... cùng một số nghệ sỹ, diễn viên và Dàn nhạc dân tộc Nhà hát Đài Tiếng nói VN.

Ngàn năm mây trắng dự kiến kéo dài trong thời lượng 1 tiếng 45 phút với sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam cũng như của các loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Sau khi tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, vở Ngàn năm mây trắng sẽ phục vụ công chúng ở Nhà hát Đài Tiếng nói VN, Nhà hát Lớn Hà Nội, trên các kênh sóng phát thanh, truyền hình của Đài Tiếng nói VN, một số đài phát thanh, truyền hình và một số địa phương trong cả nước.

/**/

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/kich-hat-ngan-nam-may-trang-thu-nghiem-mang-tinh-lot-xac-voi-4-loai-hinh-nghe-thuat-d146706.html