Kích cầu thị trường việc làm cuối năm

Cuối năm thường là thời điểm cung - cầu về việc làm tăng cao, nhất là việc làm thời vụ. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tuyển dụng việc làm trong quý IV tuy tăng lên, nhưng vẫn khá trầm lắng so với cùng kỳ những năm trước. Để kích cầu thị trường lao động, việc làm dịp cuối năm, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã, đang triển khai nhiều giải pháp kết nối cung - cầu.

Người lao động tìm kiếm cơ hội trong phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Đông Anh diễn ra ngày 1-11-2020.

Thị trường lao động chưa sôi động

Thông thường, vào thời điểm quý IV những năm trước, nhiều đơn vị trên địa bàn Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng bổ sung lao động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tăng cao dịp cuối năm. Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không ít đơn vị, doanh nghiệp chưa thể hoạt động ổn định trở lại khiến thị trường lao động, việc làm những tháng cuối năm kém sôi động.

Giám đốc điều hành Navigos Search (đơn vị tư vấn tuyển dụng nhân sự trung cấp và cao cấp tại Việt Nam) Nguyễn Mai Phương cho biết, từ tháng 10-2020 đến nay, số lượng khách hàng của các tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội tiến hành tuyển dụng nhân sự qua đơn vị giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), từ đầu năm đến hết tháng 10-2020, trên địa bàn thành phố có 9.973 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, trong khi mới có 5.690 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Đây là nguyên nhân chính khiến số lượng “việc tìm người” vào những tháng cuối năm tuy tăng lên so với thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng chưa được như cùng kỳ những năm trước. Nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung ở những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ với số lượng tuyển dụng chỉ 3-5 người. Số lượng doanh nghiệp cần tuyển dụng cùng lúc nhiều lao động rất ít, hiện mới có Công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động đang tuyển dụng hơn 5.000 vị trí việc làm; Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin tuyển dụng gần 200 vị trí việc làm…

Có một nghịch lý là trong khi nguồn cung về lao động nhiều hơn cầu, nhưng các đơn vị, doanh nghiệp vẫn khó tuyển được nhân sự phù hợp vị trí công việc. Dưới góc độ nhà tuyển dụng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ETIC Việt Nam (có địa chỉ tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) Hoàng Mạnh Cường cho hay: “Chúng tôi đang đăng tuyển 5 lao động có kinh nghiệm, đã qua đào tạo vào vị trí kế toán, kinh doanh, nhưng hồ sơ ứng viên chủ yếu là lao động phổ thông, khó đáp ứng được yêu cầu công việc”.

Là người đã tham gia ứng tuyển tại một số doanh nghiệp, anh Hoàng Mạnh Thắng, ở ngõ 160 đường Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân) từng làm trong lĩnh vực du lịch, chia sẻ: “Thời điểm này, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng, bất động sản, dịch vụ, văn phòng, công nghệ, do đó những người có nhu cầu tìm việc ở lĩnh vực dệt may, khách sạn, dịch vụ du lịch,… không dễ".

Nỗ lực kết nối cung - cầu

Đồng hành với người lao động và doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã, đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp kích cầu về lao động, việc làm dịp cuối năm 2020. Trong đó, những doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tiếp tục được hỗ trợ vay vốn không lãi suất từ hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc cho người lao động. Giải pháp này được kỳ vọng giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, từng bước tạo ra việc làm mới. Đối với những lao động tạm thời thất nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp hoặc học nghề ngắn hạn để nâng cao tay nghề...

Đặc biệt, nhằm nỗ lực kết nối cung - cầu, giải pháp được các cơ quan, đơn vị chức năng của thành phố Hà Nội triển khai trên diện rộng là phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long khẳng định, quận rất quan tâm đến việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm. "Quận luôn xác định tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn và vùng lân cận được nắm bắt thông tin thị trường lao động, học nghề, xuất khẩu lao động", ông Long nhấn mạnh.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Xuân Thành cho hay, các sàn giao dịch việc làm đang phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Trong quý IV-2020, đơn vị phối hợp với các địa phương tổ chức tổng số gần 70 phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố.

Dưới góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân nhấn mạnh, Sở đang phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp đổi mới cách thức tổ chức để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các sàn giao dịch việc làm; cung cấp thông tin về thị trường lao động đến cấp xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, Sở cũng khuyến khích các địa phương nỗ lực tạo thêm nhiều việc làm mới tại chỗ cho người lao động.

Vũ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/984367/kich-cau-thi-truong-viec-lam-cuoi-nam