Kích cầu phim Việt ra rạp

Chiều 21-9, Cục Điện ảnh Bộ VH-TT-DL phối hợp 4 nhà phát hành lớn (CJ CGV Việt Nam, Galaxy Cinema, Lotte Cinema, BHD Star Cineplex) và các đạo diễn, nhà sản xuất tổ chức họp báo 'Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19'.

Cuộc gặp gỡ nhằm tìm giải pháp khôi phục thị trường, kích cầu điện ảnh Việt; tìm hướng đi mới trong công tác phát hành phim và đưa ra các giải pháp thu hút người hâm mộ trở lại sau thời gian nghỉ dịch.

Đại diện các nhà sản xuất, cụm rạp thảo luận tại họp báo. Ảnh: CGV

Đại diện các nhà sản xuất, cụm rạp thảo luận tại họp báo. Ảnh: CGV

Lợi thì có lợi…

Phát biểu tại sự kiện, PGS-TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, nhấn mạnh, trong bối cảnh vắng bóng các bom tấn Hollywood như hiện tại chính là thời điểm vàng để phim Việt ra rạp. Đại diện các cụm rạp cũng như các nhà sản xuất (NSX) có mặt tại sự kiện cũng chung quan điểm.

Dẫn chứng cho sự phát triển của thị trường, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Nội dung CGV Việt Nam, đưa ra nhiều số liệu khá thuyết phục. Cụ thể: độ tuổi vàng của khán giả xem phim hiện đang chiếm 70% trong cơ cấu dân số; doanh thu toàn thị trường năm 2019 cán mốc hơn 4.100 tỷ đồng với hơn 57 triệu vé xem phim đã bán ra; tốc độ phát triển cụm rạp chiếu phim nhanh, hiện đã có hơn 200 cụm rạp với hơn 1.000 phòng chiếu… Dự báo, trong giai đoạn 2020-2024, doanh thu chiếu phim tăng khoảng 15% và lượng người xem tăng 12%. Dự kiến đến năm 2024 sẽ có khoảng 100 triệu người đến rạp xem phim với doanh thu ước đạt 300 triệu USD.

Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, bức tranh điện ảnh Việt đầy lạc quan khi doanh thu phim nội địa đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng trong năm 2019. Theo khảo sát của CGV với hơn 11.000 người tham gia, tốp 10 phim được khán giả mong chờ ra rạp có nhiều phim Việt: Ròm, Lật mặt, Chị 13 phần 2, Trạng Tí

Bức tranh về đà tăng trưởng của phim Việt cũng được bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Giám đốc khối vận hành cụm rạp Galaxy, cho biết, phim Việt đang có sự tăng trưởng cả về doanh thu cũng như tỷ lệ so với phim ngoại nhập. Trong năm 2019, doanh thu phim Việt đã chiếm đến gần 30% tổng doanh thu toàn thị trường, dù số lượng phim giảm. 2019 cũng là năm thành công rất lớn của điện ảnh Việt khi có đến 5 phim Việt nằm trong tốp 10 phim có doanh thu cao nhất phòng vé Việt. Sự lạc quan cũng thấy rõ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, trong hơn 2 tháng đã có 9 phim Việt ra rạp, chiếm hơn 50% cả về doanh số bán vé lẫn doanh thu.

Cơ hội và thách thức

Thuận lợi với phim Việt là điều thấy rõ nhưng thị trường đang phản ánh một thực tế ngược lại. Ngoài trường hợp phim Ròm, sẽ ra rạp vào ngày 25-9 tới đây, trong tháng 10 và 11 tới, chỉ lác đác 1 - 2 phim Việt sẽ ra rạp như Thang máy, Sài Gòn trong cơn mưa… Các phim đều đổ dồn lịch phát hành sang tháng 12. Những phim được kỳ vọng lớn như: Trạng Tí, Lật mặt 5, Tiệc trăng máu, Tà Năng Phan Dũng… đã dời lịch chiếu sang mùa Tết 2021 và sau đó.

Theo bà Ngô Thị Bích Hiền, Giám đốc Điều hành BHD tại TPHCM, để phim Việt ra rạp thời điểm này có doanh thu cao nhất phải được minh chứng bằng các con số cụ thể. “Tỷ lệ phân chia là bao nhiêu phần trăm, có cao hơn bình thường, những cam kết nào về suất chiếu, đặc biệt khung giờ vàng… tất cả đều phải cụ thể. Nếu tự tin, các rạp có thể bắt tay, ưu tiên suất chiếu 1 tháng cho các phim lớn, 2 tuần cho các phim trung bình cùng các chiến dịch tiếp thị”, bà Hiền chia sẻ. Bà Hiền cũng phân tích nếu các phim đều đổ dồn sang năm 2021 sẽ dẫn đến tình trạng “chen chúc”, có thể phim chỉ ra rạp trong thời gian ngắn và phải rời rạp nếu không có khách.

Đồng quan điểm đó, NSX Trương Ngọc Ánh thừa nhận cơ hội có nhưng thách thức cũng rất nhiều. Chị đặt vấn đề một cách thẳng thắn: “Các cụm rạp cần đi thẳng vấn đề hỗ trợ NSX, giảm chi phí phát hành”.

Ông Lương Công Hiếu, Tổng Giám đốc Galaxy, nhấn mạnh, thiết thực nhất là các rạp đưa ra tỷ lệ chia sẻ doanh thu giảm xuống, ví dụ khoảng 10%, khi đó sẽ kích cầu được một lượng phim lớn ra rạp. Bên cạnh đó có thể tổ chức tuần phim Việt, tháng phim Việt… để thử nghiệm những thứ mà bình thường không làm được. Những cam kết về giờ vàng, suất chiếu… nếu thành công có thể tạo thành tiền lệ tốt cho tương lai.

Đi liền với câu chuyện thiếu phim Việt, câu hỏi liệu khán giả có sẵn sàng trở lại rạp chiếu cũng được bàn luận sôi nổi. Ông Huỳnh Ngọc Sơn, đại diện cụm rạp BHD, chia sẻ rằng, đối tượng khán giả xem phim trên các nền tảng trực tuyến và tại rạp khác nhau. Đại diện cụm rạp Lotte cũng cho rằng, không nghĩ khán giả còn sợ Covid-19 khi họ vẫn khát khao được giải trí, trong đó có nhu cầu xem phim. Đứng ở góc độ nhà làm phim, theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, cần có thêm những chiến dịch kêu gọi khán giả ra rạp. “Làm gì để cứu điện ảnh, chỉ có cách duy nhất là làm phim hay hơn, tốt hơn”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nhấn mạnh. Thành công của Train to Busan 2: Peninsula vào tháng 7 vừa qua với doanh thu hơn 86 tỷ đồng là bằng chứng rõ rệt.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kich-cau-phim-viet-ra-rap-686708.html