Kích cầu, đầu tư công không đủ mang lại thành tựu trong những năm tới

Không phải chương trình kích cầu, đầu tư công mang lại thành tựu phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo mà chính là cải cách thể chế kinh tế mới là chìa khóa.

GS-TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học kinh tế quốc dân tại Tọa đàm chính sách: “Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước thu nhập trung bình cao trước năm 2030".

GS-TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học kinh tế quốc dân tại Tọa đàm chính sách: “Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước thu nhập trung bình cao trước năm 2030".

Những bài học quá khứ cho thấy, cần tìm chìa khóa để mang lại niềm tin

Đây là kinh nghiệm của Việt Nam từ những lần suy giảm kinh tế trước đây, từ khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 hay đại suy giảm toàn cầu 2008-2009. GS-TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học kinh tế quốc dân trao đổi tại Tọa đàm chính sách: “Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước thu nhập trung bình cao trước năm 2030”, sáng ngày 1/3/2023.

Hiện nay, do hậu quả của những chương trình chi tiêu khổng lồ trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết các nước trên thế giới đều đang phải đối mặt với sức ép lạm phát chưa từng thấy kể từ thập niên 1980 trở lại đây.

Để đối phó với lạm phát, từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho đến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều phải nâng mạnh lãi suất điều hành, buộc ngân hàng trung ương của các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam phải tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ. Triển vọng phát triển kinh tế trong giai đoạn tới bị ảnh hưởng.

Nhưng ông Chương nhắc lại, kinh nghiệm của Việt Nam từ những lần suy giảm kinh tế trước đây, từ khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 hay đại suy giảm toàn cầu 2008-2009, cho thấy không phải các chương trình kích cầu, đầu tư công mang lại thành tựu phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo, mà chính là cải cách thể chế kinh tế mới là chìa khóa.

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã kiên trì cải cách thể chế kinh tế thị trường theo hướng ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường hội nhập quốc tế đã mang đến cho Việt Nam một thể trạng kinh tế khỏe mạnh hơn bao giờ hết, như dự trữ ngoại hối ở mức cao, tỷ lệ nợ công trên GDP ở mức thấp, đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất, nhập khẩu liên tục năm sau cao hơn năm trước...

“Với mức thu nhập bình quân đầu người như hiện nay, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 nếu không vướng bẫy thu nhập trung bình thấp”, ông Chương nhận định.

Và đây chính là điều mà giới chuyên gia đang lo ngại khi nhìn nhận, sự vận hành của nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay đang bộc lộ một số hạn chế.

Những khúc mắc của thị trường xăng dầu, thị trường điện hay như giá vé máy bay, giá y tế… được nhắc đến là những ví dụ cho sự can thiệp còn nhiều của Nhà nước vào cơ chế giá thị trường. Hệ quả là, tình trạng thiếu hụt xăng dầu, hãng hàng không quốc gia và tập đoàn điện lực bị thua lỗ nặng nề, các bệnh viện công rơi vào tình trạng thu không đủ chi…

Việc bảo vệ quyền sở hữu vẫn chưa được tốt. Cụ thể, đất đai nhiều nơi vẫn bị thu hồi phục vụ mục đích kinh tế của các tập đoàn bất động sản tư nhân; việc bảo vệ nhà đầu tư thiểu số trong doanh nghiệp vẫn chưa được chú trọng đúng mức; chưa xây dựng đc khung thể chế bảo vệ các loại tài sản mới như tiền kỹ thuật số...

Nhiều loại thị trường hiện đại chưa được hình thành hoặc còn hạn chế sự tham gia của người dân, như các thị trường ngoại hối, thị trường vàng phái sinh, thị trường hàng hóa phái sinh…

Khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn lớn, trong khi tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong những năm vừa qua bị chững lại

Đặc biệt, ông Chương nhắc đến hệ thống các văn bản pháp luật vẫn còn chồng chéo, khiến cho việc kinh doanh luôn có nguy cơ vi phạm pháp luật; bản thân các cán bộ nhà nước cũng gặp nguy cơ vi phạm pháp luật nếu hiểu sai các quy định, dẫn đến hiện tượng chậm trễ trong việc xử lý các thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trường hợp các doanh nghiệp bất động sản gần đây là một ví dụ. Rất nhiều dự án không thể triển khai vì vướng thủ tục pháp lý, bị treo nhiều năm, không được giải quyết.

Tự do kinh tế và sự thịnh vượng của người dân

TS. Fred McMahon, Viện nghiên cứu Fraser, Canada chia sẻ những suy nghĩ của giới chuyên gia Việt Nam.

TS. Fred McMahon, Viện nghiên cứu Fraser, Canada.

“Cám ơn google translate, tôi đã đọc được báo cáo để thấy Việt Nam đã bắt đầu thịnh vượng và người Việt Nam đã được hưởng từ sự thịnh vượng này. Nhưng để Việt Nam có thể tiếp tục tiến lên, không tắc nghẽn ở điểm hiện tại, các bạn rất các điều kiện để tiếp tục đà tăng trưởng”, TS. Fred McMahon chia sẻ.

Đây là lần đầu tiên đến Hà Nội, TS.Fred McMahon mang đến câu chuyện về sự thịnh vượng không được kế thừa khi nhiều nền kinh tế đã đạt được mức thịnh vượng, nhưng suy giảm, thậm chí rơi vào rối loạn kinh tế do giảm tự do kinh tế, như Argentina, Venezuela... Ngược lại, Hàn Quốc, Singapore, Chile... đã trở nên thịnh vượng sau khi tăng cường tự do kinh tế.

Với Việt Nam, ông cho rằng, nền kinh tế đang có những động lực tăng trưởng mạnh mẽ, như lực lượng lao động có đào tạo, có kỷ luật trong công việc; tiềm năng kinh tế và chính sách kinh tế mạnh mẽ. Đó là những lợi thế để Việt Nam bắt kịp các nền kinh tế hiện tại.

Tuy nhiên, cũng phải nhắc đến thực tế, khi các quốc gia giàu có hơn thì mức tăng trưởng sẽ chậm lại.

"Để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, chính sách kinh tế phải trở nên cạnh tranh hơn. Tôi muốn nói đến tăng cường tự do kinh tế cho Việt Nam. Khi người dân, doanh nghiệp được tự do sáng tạo, sản xuất, lựa chọn các sản phẩm thì họ sẽ chọn những gì tốt nhất, hiệu quả nhất, khi đó họ sẽ là người tiên phong, là người cạnh tranh hơn những doanh nghiệp, người dân phải chịu những hạn chế trong kinh tế. Đây là nền tảng tạo nên tăng trưởng bền vững", TS. Fred McMahon lý giải.

Điều này có nghĩa là môi trường chính sách, pháp luật để bảo vệ quyền kinh tế của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo việc thực hiện các quyền tự do kinh tế được thuận lợi sẽ là động lực cho sự tăng trưởng bền vững.

Nhìn lại, sau hơn 35 năm đổi mới, cho đến nay, Việt Nam cơ bản đã là một nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã liên tục xây dựng và điều chỉnh hệ thống pháp luật của mình để phù hợp với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Một loạt bộ luật đã được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh. Trong đó, phải kể đến là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Cùng với đó, kể từ năm 2014, Chính phủ hàng năm đều ban hành Nghị quyết 19, sau này đổi thành Nghị quyết 02 (và năm 2023, trở thành một phần của Nghị quyết 01) để đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Những nỗ lực xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong suốt chặng đường vừa qua đã góp phần quan trọng vào việc đưa Việt Nam từ một nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 200 USD vào đầu những năm 1990 tăng lên 3590 USD vào năm 2021 (theo số liệu của Ngân hàng thế giới).

Nhưng, kinh nghiệm của thế giới cho thấy, trong số 101 quốc gia có mức thu nhập trung bình trong thập niên 1960 chỉ có 13 quốc gia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2008.

Những bài học quá khứ cho thấy, trong bối cảnh khó khăn hiện nay và để thực hiện được mục tiêu gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2045, Việt Nam cần phải tiếp tục tìm ra những điểm nghẽn quan trọng về thể chế kinh tế để tháo gỡ, xem đây là chìa khóa để mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư cả trong, lẫn ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh cần chuẩn bị tốt cho quá trình gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao; trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn và bất ổn..

“Việc này đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết”, GS.TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.

Khánh An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kich-cau-dau-tu-cong-khong-du-mang-lai-thanh-tuu-trong-nhung-nam-toi-d184649.html