Kịch bản ứng phó với phá giá nhân dân tệ

Đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã xuống ngưỡng trên 7 nhân dân tệ đổi lấy 1 USD, mức yếu nhất trong 10 năm trở lại đây. Lường trước tác động của việc phá giá nhân dân tệ là yêu cầu đang được đặt ra với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Ảnh AFP

Ảnh AFP

VND chịu ảnh hưởng ra sao?

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, trên thị trường quốc tế, đồng NDT của Trung Quốc bất ngờ mất giá mạnh, đánh dấu lần đầu tiên vượt ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD kể từ năm 2009.

Ngưỡng 7 NDT/USD được giới đầu tư đánh giá là một ngưỡng cản tâm lý quan trọng và đã được giữ vững khi xung đột thương mại Mỹ - Trung bùng phát với đợt áp thuế đầu tiên của Mỹ vào tháng 6 năm ngoái.

Đồng NDT mất giá đã kéo tỷ giá hàng loạt đồng tiền trong khu vực giảm theo. Tuy nhiên, theo nhận định của BVSC, việc tỷ giá VND/USD cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên Ngân hàng Nhà nước vẫn còn nhiều dư địa để điều hành trước diễn biến mới của đồng NDT.

“Dù có thể chịu sức ép giảm giá theo NDT, nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp điều hành, không để VND giảm giá quá sâu (trên 3%)”, BVSC nhận định.

Liên quan tới sức ép điều chỉnh tỷ giá VND theo đà giảm của NDT, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc nhận định, việc Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất đã khiến áp lực mất giá của VND giảm xuống.

Ngoài ra, dòng vốn nước ngoài trực tiếp và gián tiếp vẫn liên tục đổ vào Việt Nam. Lượng cung ngoại tệ trên thị trường Việt Nam đang dồi dào, vì vậy, viêc điều hành tỷ giá (dao động trong biên độ 3%) mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra không chịu thách thức lớn.

Nhìn câu chuyện rộng hơn, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương nhận xét, có vẻ như từ "chiến tranh thương mại" đến nay đã lan sang "chiến tranh công nghệ" và bây giờ bước sang "chiến tranh tiền tệ".

Việc Trung Quốc tiếp tục hạ giá đồng NDT, thậm chí là phá giá đồng tiền này nhằm giảm bớt những tác động tiêu cực của việc tăng thuế lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, đây cũng là đòn đáp trả động thái đánh thuế mới của Chính phủ Mỹ.

Hai chiều tác động đến doanh nghiệp trong nước

Việc tăng thuế 10% và việc phá giá NDT 10%, theo PGS.TS Thắng, về lý thuyết, có thể coi là hai bên hòa nhau. Tuy nhiên, những động thái trả đũa nhau của hai cường quốc đã ảnh hưởng lớn đến thị trường thế giới. Trong đó, Việt Nam, với độ mở của nền kinh tế rất lớn, sẽ chịu ảnh hưởng tương đối lớn.

Trung Quốc hiện đang là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, nếu NDT phá giá thì việc xuất khẩu sang thị trường này sẽ khó khăn hơn và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có thể đối diện với nguy cơ thua lỗ. Đây là điều doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ lưỡng và cân nhắc chuyển hướng sang thị trường khác mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là thị trường thuộc khối Liên minh kinh tế Á - Âu.

Ông Thắng khuyến nghị, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi rất sát sao xu hướng điều chỉnh đồng tiền của các nước, đặc biệt là đồng NDT để đảm bảo quan hệ tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam với các đồng tiền khác trên thế giới không tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Ở góc nhìn khác, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tiền tệ cho rằng, tuy kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc lớn, nhưng đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn là USD và các hợp đồng về cơ bản đã được chốt giá trước đó. Nếu NDT mất giá, giá trị đồng USD tăng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ có lợi, bởi quy đổi từ đồng USD sang NDT thì doanh nghiệp sẽ được lợi ích cao hơn.

Dẫu vậy, ông Lực cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần đánh giá kỹ hơn tác động của chiến tranh thương mại và các rủi ro thương mại khác tác động đến ngành nghề kinh doanh của mình để có giải pháp cụ thể. Doanh nghiệp nên chú trọng hơn công cụ quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro về tài chính, tỷ giá, lãi suất... Cần sự phối hợp giữa các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp để kiểm soát rủi ro về lãi suất với tỷ giá tốt hơn.

Từ phía doanh nghiệp, ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ca cao Việt Nam (Vinacacao) cho rằng, đang xuất hiện lo ngại những doanh nghiệp xuất khẩu nguyên liệu thô sang Trung Quốc như gạo, thanh long, trái cây… sẽ chịu thiệt hại khi NDT mất giá và hàng giá rẻ Trung Quốc tràn vào cạnh tranh trên thị trường nội địa.

“Tuy nhiên, Việt Nam mua nguyên liệu từ Trung Quốc nhiều hơn là xuất khẩu, đặc biệt là các nguyên liệu phục vụ sản xuất như linh kiện, hóa chất… Khi nguyên liệu đầu vào rẻ đi sẽ giúp cho sản phẩm sản xuất ra có giá thành cạnh tranh hơn, tạo thêm lợi thế cho hàng hóa Việt Nam”, ông Liêng phân tích.

Thận trọng hơn, TS. Phạm Sỹ Thành cho rằng, cần theo sát động thái của cả Fed và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Việc dựa vào tỷ giá hữu hiệu thực (REER) để xem xét đồng VND đắt lên bao nhiêu phần trăm so với NDT có thể giúp xác định ngành xuất khẩu nào của Việt Nam bị thiệt. Số liệu thường cho thấy các ngành nông lâm, thủy sản đang chịu bất lợi.

Hải Minh - Mai Phương

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/kich-ban-ung-pho-voi-pha-gia-nhan-dan-te-274844.html