Kịch bản nhập vaccine Pfizer trong bối cảnh cấp bách chống dịch

Sau nỗ lực đàm phán của Bộ Y tế với các đơn vị cung ứng vaccine, Thủ tướng ký ban hành nghị quyết mua vaccine ngừa Covid-19 để tiêm diện rộng cho nhân dân một cách nhanh nhất.

“Việt Nam sẽ có 31 triệu liều vaccine của Pfizer được cung cấp vào quý III và quý IV trong năm nay, bảo đảm thực hiện theo lộ trình cung ứng vaccine”, thông tin được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cung cấp như một tin vui khi diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, khó lường.

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh “mua vaccine phòng Covid-19 là cần thiết, cấp bách”, nhất là trong điều kiện “chống dịch như chống giặc”, khan hiếm vaccine phòng, chống Covid-19 trên toàn cầu.

Giá ưu đãi nhưng nhiều điều khoản ràng buộc chặt chẽ

Để sớm có vaccine và tiêm cho nhân dân, Thủ tướng cho phép việc mua vaccine được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.

Sau quá trình đàm phán với Công ty Pfizer, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đơn vị này không chấp nhận đàm phán về giá, các điều kiện hợp đồng và Việt Nam phải trả lời Công ty Pfizer chậm nhất trong ngày 18/5. Vì vậy, việc lấy ý kiến các thành viên Chính phủ được khẩn cấp thực hiện chiều 17/5 và sáng 18/5.

 Ảnh minh họa: Reuters.

Ảnh minh họa: Reuters.

Chính phủ đã đi đến thống nhất trong việc mua vaccine phòng Covid-19 của Pfizer (Mỹ) và chuẩn bị ký thỏa thuận mua 31 triệu liều vaccine với Pfizer ngay trong 18/5, thông tin này được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết cùng ngày.

Theo ông, quá trình đàm phán để đi đến thỏa thuận này với Pfizer đã được Bộ Y tế liên tục thúc đẩy suốt thời gian qua. Nội dung đàm phán tập trung vào những điều khoản trong thỏa thuận giữa hai bên liên quan đến trách nhiệm pháp lý, vấn đề thanh toán, bồi hoàn và các rủi ro khi thực hiện thỏa thuận.

Nhờ đó, Việt Nam sẽ có 31 triệu liều vaccine của Pfizer với 15,5 triệu liều dự kiến được giao trong quý III và nửa còn lại được cung cấp trong quý IV.

Nguồn tin của Zing từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết giá mua vaccine giao tại kho cho Việt Nam là mức giá ưu đãi cho nước có thu nhập thấp, chưa bao gồm thuế, phí và các chi phí liên quan.

Tuy nhiên, nhà cung cấp cũng đưa ra một số điều khoản ràng buộc rất chặt chẽ. Đó là 2 bên sẽ phải ký thỏa thuận khung trước, rồi mới ký thỏa thuận chi tiết theo mẫu được áp dụng với 70 quốc gia khác đã nhập khẩu vaccine của Pfizer.

Theo Bộ Y tế, đây là vaccine mới được nghiên cứu, sản xuất trong tình trạng khẩn cấp để phòng chống đại dịch, nên chưa có đầy đủ dữ liệu về an toàn, hiệu quả. Vì thế, có thể có các sự cố sau tiêm và Việt Nam phải chấp nhận rủi ro khi sử dụng vaccine Pfizer.

Sau khi Thủ tướng phê duyệt phương án mua, Bộ Y tế sẽ tiến hành đàm phán cụ thể với Pfizer về kế hoạch giao hàng, từ đó xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp các dịch vụ bảo quản, vận chuyển, tiêm vaccine (nếu cần thiết) hoặc chủ động thực hiện.

Bộ Y tế dự kiến giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp vaccine của Pfizer trong trường hợp đặc biệt. Thời gian bắt đầu lựa chọn nhà thầu là tháng 5.

Hơn một triệu liều vaccine đã được tiêm

Từ 8/3, Bộ Y tế bắt đầu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên là lực lượng tuyến đầu chống dịch, được quy định trong Nghị quyết số 21 ngày 26/2 của Chính phủ.

Sáng 19/5, Bộ Y tế cho biết việc tiêm vaccine đã được triển khai 2 đợt tại các tỉnh, thành phố với hơn một triệu liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine là 28.852. Hầu hết tỉnh, thành đã hoàn thành việc tiêm vaccine.

Tính đến 19/5, hơn một triệu liều vaccine đã được triển khai tiêm trong 2 đợt tại hầu hết tỉnh, thành. Ảnh: Quỳnh Trang.

Số vaccine Covid-19 được tiêm trong 2 đợt vừa rồi tại Việt Nam đều là vaccine AstraZeneca. Đợt đầu tiên vaccine về Việt Nam ngày 24/2 với 117.600 liều do Hệ thống tiêm chủng VNVC nhập khẩu. Đợt 2 có khoảng 811.200 liều về Việt Nam hôm 1/4, do COVAX Facility tài trợ.

Ngày 16/5, Việt Nam tiếp nhận thêm lô vaccine Covid-19 thứ hai từ COVAX hỗ trợ, với 1.682.400 liều để chuẩn bị cho đợt tiêm chủng thứ ba. Lô vaccine bổ sung này sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng phạm vi tiêm phòng đến nhiều người ở các nhóm ưu tiên, đồng thời cung cấp liều thứ hai cho những người đã được tiêm liều đầu tiên.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, COVAX cam kết từ nay đến đầu năm 2022 sẽ cung ứng cho Việt Nam gần 38,9 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Số vaccine này đủ tiêm cho 19,4 triệu đối tượng thuộc 9 nhóm ưu tiên theo Nghị quyết của Chính phủ.

Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh việc triển khai tiêm đợt 3 sẽ tiếp tục được thực hiện với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, đảm bảo an toàn và độ bao phủ tiêm chủng.

Theo GS. TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực, Việt Nam cần chủ động phòng bệnh hơn chữa bệnh. Ông nhấn mạnh việc tiêm vaccine phòng Covid-19 là hết sức cần thiết để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Đặc biệt, để Việt Nam không bị rơi vào tình trạng phong tỏa như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đã đăng ký mua 170 triệu liều vaccine từ nhiều kênh, nhiều quốc gia, trong đó số đã ký kết, có cam kết khoảng 110 triệu liều. Trong số này có 38,9 triệu liều vaccine từ chương trình COVAX, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine theo cơ chế chia sẻ chi phí với giá ưu đãi. Cùng lúc, có 4 đơn vị trong nước đang nghiên cứu, sản xuất vaccine. Nếu nghiên cứu thành công, dự kiến năm 2022 có thể sản xuất và cung ứng.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kich-ban-nhap-vaccine-pfizer-trong-boi-canh-cap-bach-chong-dich-post1217201.html