Kịch bản nào sau 6 tháng chiến sự ở Ukraine

Ngày 24/8 đánh dấu cột mốc tròn 6 tháng diễn ra chiến sự Nga - Ukraine, cuộc khủng hoảng đang gây ảnh hưởng trực tiếp lên nhiều mặt của thế giới và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hôm 24/8, thủ đô Kyiv của Ukraine không tổ chức các hoạt động tụ tập và lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh thứ 31. Lý do là Ukraine lo ngại về nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của nước này.

Ngày 24/8 cũng là ngày đánh dấu tròn 6 tháng diễn ra chiến sự Nga - Ukraine, cuộc xung đột chưa có dấu hiệu kết thúc. Kể từ khi nổ ra, cuộc khủng hoảng đã gây ra những biến động chính trị - xã hội không chỉ đối với hai nước mà còn đối với toàn thế giới.

Ukraine tổn thất lớn

Ngoài tổn thất về vật lực, Kyiv phải chịu nhiều mất mát về nhân lực kể từ khi cuộc giao tranh nổ ra. Reuters dẫn lời Valeriy Zaluzhnyi, người đứng đầu các lực lượng vũ trang của Ukraine, cho biết trong 6 tháng qua, Kyiv đã ghi nhận tổn thất gần 9.000 binh sĩ.

Theo một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, 5.587 người dân đã thiệt mạng trong cuộc xung đột. Do khó khăn trong việc xác nhận con số chính xác, Liên Hợp Quốc dự đoán số người dân thường thiệt mạng chắc chắn “cao hơn rất nhiều”.

Theo Washington Post, hiện có khoảng 6,7 triệu người tị nạn được ghi nhận sống rải rác khắp châu Âu, không tính những người đã trở về nhà. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đã ghi nhận khoảng 11 triệu người vượt biên ra khỏi Ukraine và 4,7 triệu người vượt biên trở lại đất nước.

Nga thắng thế trong cuộc chiến năng lượng

Kể từ khi các nước châu Âu thỏa thuận giảm thiểu sử dụng khí đốt từ Nga, khối luôn cố gắng tìm cách “sống ổn” mà không cần phụ thuộc nguồn cung của Moscow. Tuy nhiên, các nước châu Âu vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung khí đốt thay thế.

Trước đó, TASS dẫn lời ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, rằng người dân châu Âu "bắt đầu cảm thấy tất cả hậu quả của các lệnh trừng phạt chống Nga": Lạm phát hoặc thậm chí là siêu lạm phát, giá nhiên liệu, nhà ở, tiện ích, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, cắt giảm việc làm,...

 Một cơ sở Gazprom ở Siberia. Ảnh: New York Times.

Một cơ sở Gazprom ở Siberia. Ảnh: New York Times.

Chuyên gia bình luận về năng lượng của Bloomberg, ông Javier Blas, nhận định Nga đang chiến thắng trong cuộc chiến năng lượng “dù tính theo bất kỳ chỉ số nào”. Theo Washington Post, Nga vẫn kiếm được hàng trăm triệu USD mỗi ngày từ việc bán dầu.

Điều đó có nghĩa là Nga đủ khả năng để không phải phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập từ việc bán khí đốt tự nhiên và sẽ gây áp lực nhiều hơn lên Berlin, Paris và London, những nơi đang phải chống chọi với tình trạng tăng giá và thiếu hụt năng lượng lớn.

Nhưng cũng theo RT, Moscow tuyên bố rằng tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga “sẵn sàng cung cấp năng lượng nếu cần thiết” và chính EU mới “tự đóng cửa mọi thứ”.

Kể từ khi chiến sự nổ ra, châu Âu là đồng minh quan trọng nhất của Ukraine. Các nước châu Âu đã cùng nhau viện trợ quân sự cho Kyiv, giảm thiểu dùng khí đốt từ Nga và thực hiện các biện pháp trừng phạt nhắm tới quan chức cấp cao của đối phương.

Tuy nhiên, giới chức trách trên khắp châu Âu lo ngại rằng sự đồng lòng của khối sẽ bị phân mảnh khi nơi đây bước vào mùa đông lạnh giá, kéo theo đó là giá thành thực phẩm đắt đỏ hơn, năng lượng để sưởi ấm trở nên khan hiếm và có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế.

Theo Sputnik ngày 18/8, sáu quốc gia lớn nhất của châu Âu không đưa ra cam kết quân sự mới nào đối với Ukraine vào tháng 7 - lần đầu tiên kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự. Trước đó, châu Âu đã thể hiện sự thiếu thống nhất trong lệnh cấm đối với dầu khí của Nga từ tháng 4, theo TASS.

“Thách thức đối với Ukraine vẫn như ngày đầu: Giữ phương Tây bên phía mình khi tổn thất từ việc hỗ trợ Kyiv đang tác động khắp châu Âu, không chỉ vì khí đốt của Nga mà cả cái giá của hỗ trợ kinh tế và nhân đạo”, Keir Giles, nhà nghiên cứu cấp cao tại Chatham House, nói với CNN.

“Đó là lý do ông Zelensky muốn kết thúc cuộc chiến trước Giáng sinh, vì vấn đề quan trọng đối với Ukraine là khó có thể giữ phương Tây hỗ trợ lâu dài”, ông Giles nhận định.

TASS dẫn lời Tổng thống Putin, cho biết việc giá của các hãng vận chuyển năng lượng ở các nước EU tăng lên "không phải lỗi của Nga", mà là kết quả của "những tính toán sai lầm của các nước châu Âu".

Thế giới ít quan tâm hơn về chiến sự tại Ukraine

Từ khi nổ ra, chiến sự Ukraine đã giúp gắn kết các nước phương Tây. Một số quốc gia thậm chí treo cờ Ukraine để thể hiện sự ủng hộ. Các nước châu Âu vẫn cam kết gửi viện trợ cho Ukraine dù có phần “hụt hơi” hơn trước.

Tuy nhiên, sự ủng hộ của dư luận phương Tây sẽ càng suy yếu khi xung đột kéo dài, đặc biệt là khi các quốc gia phải vật lộn đối phó với các vấn đề trong nước như chi phí sinh hoạt tăng cao. Giữa nấu ăn và sưởi ấm, một số người dân châu Âu sẽ chỉ có thể chọn một việc.

Theo CNN, nếu Kyiv thất thế, người dân các nước trợ giúp có thể bắt đầu đặt câu hỏi rằng liệu có cần tiếp tục cung cấp vũ khí đắt tiền cho Ukraine vào thời điểm căng thẳng kinh tế hay không.

Trong một cuộc khảo sát do Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại (CFR) thực hiện tại 10 nước châu Âu vào tháng 5, 42% số người được hỏi cho biết chính phủ của họ chú ý quá nhiều đến Ukraine so với những rắc rối hiện tại.

Kịch bản nào cho chiến sự tại Ukraine?

Theo một số chuyên gia nhận định, chiến sự đã bước vào giai đoạn thứ ba, trong bối cảnh mặt trận chính của Nga đã chuyển hướng về phía nam của Ukraine.

Theo New York Times, chiến sự hiện tập trung vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nhà máy điện nguyên tử lớn nhất châu Âu, và thành phố Kherson, cách sông Dnipro khoảng 60 dặm. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về một thảm họa tiềm tàng có thể xảy ra.

Quân đội Ukraine gần chiến tuyến Kherson, nơi chiến sự chuyển hướng. Ảnh: New York Times.

Nhiều kịch bản đã được đưa ra về cách chiến sự tại Ukraine sẽ kết thúc. Theo CNN, đến một thời điểm nào đó, nhiều quan chức phương Tây lo ngại rằng các lãnh đạo sẽ đi đến quyết định rằng điều tốt nhất mà họ có thể làm là dàn xếp một thỏa thuận hòa bình với Nga.

Một số học giả cho rằng bất kể kết quả ra sao, Ukraine vẫn luôn cần sự quan tâm và giúp đỡ lâu dài từ phương Tây. Ngay cả trong trường hợp Ukraine thắng thế, đất nước này vẫn sẽ cần tài chính để tái thiết.

Tuy nhiên, theo CNN, vài tháng tới sẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với châu Âu. Nếu chiến sự kéo dài, châu Âu lo ngại sẽ không đủ nguồn cung khi các nước này đang viện trợ quân sự cho Kyiv, hỗ trợ hàng nghìn người tị nạn Ukraine.

Sputnik dẫn lời một số nhà chức trách châu Âu, cho biết các nước này chuẩn bị trải qua giai đoạn chính trị quan trọng tại quê nhà, khi Italy chuẩn bị tổ chức bầu cử, Anh sẽ có thủ tướng mới và Mỹ sẽ tổ chức bầu cử giữa kỳ.

Đức Mạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kich-ban-nao-sau-6-thang-chien-su-o-ukraine-post1348553.html