Kịch bản nào cho Syria?

Sau khi Nga hé lộ về một kết thúc của chiến dịch 6 năm chống khủng bố ở Syria, người ta lại bắt đầu đồn đoán về một tương lai nào đang chờ đợi Syria?

Cơ hội lớn cho Syria

Cuộc nội chiến kéo dài 6 năm với 400.000 người chết có lẽ là một cái giá đắt nhất khi nói về cuộc chiến ở Syria. Nga cho biết, lực lượng liên quân do Nga đứng đầu sẽ giải phóng các vùng lãnh thổ của Syria, chấm dứt sự tồn tại của IS ở quốc gia Trung Đông này. Ngay lập tức Nga đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh về Syria giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Tổng thống Nga V.Putin đã chứng tỏ vai trò đi đầu các quốc gia bảo trợ để tìm một giải pháp chính trị cho Syria.

Để tìm một giải pháp chính trị thời hậu chiến cho Syria không thể “một sớm một chiều”. Bởi phe đối lập – một trong những thành phần của Syria không có niềm tin vào vai trò “đầu tàu” của Nga. Khi Nga triển khai chiến dịch không kích chống IS tại Syria từ tháng 9/2015 do lời kêu gọi của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và không chỉ phe đối lập, các nước phương Tây cũng cáo buộc Nga không những tấn công IS, mà họ còn nhắm cả vào lực lượng đối lập Syria nhằm giúp Chính phủ Syria giành lợi thế trong cuộc nội chiến này.

Nhằm xóa tan những nghi ngại của phe đối lập, Nga đã kéo Thổ Nhĩ Kỳ vào nhóm các nước bảo trợ do Nga đứng đầu, bởi Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia luôn ủng hộ lực lượng đối lập tại Syria. Trong khi Nga và Iran là đồng minh của Chính phủ Syria thì phương Tây do Mỹ đứng đầu - cũng là lực lượng tiến hành cuộc chiến chống IS ở Syria - hoàn toàn bị gạt ra ngoài.

Iran-Nga-Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ cho tiến trình chính trị ở Syria

Không để bị “lu mờ” trước “người khổng lồ” đang chiếm ưu thế ở Syria như Nga, Mỹ đã hối thúc đồng minh là Saudi Arabia tổ chức hội nghị gồm 140 người đại diện cho các nhóm đối lập Syria nhóm họp trước vòng đàm phán thứ 8 về Syria do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ. Tìm một tiếng nói chung của tất cả các lực lượng cách mạng, phe đối lập, các lực lượng dân sự, tổ chức độc lập chính trị là một việc rất khó, nhưng có thể đây là cách duy nhất nếu tất cả các nước bảo trợ thực sự muốn Syria có hòa bình.

Như vậy, cơ hội đã mở ra, nhưng việc nắm bắt nó thế nào cần phải có sự đồng thuận của nhiều phía, đây chính là thách thức lớn nhất không chỉ cho bản thân Syria mà còn cả là thách thức với các quốc gia bảo trợ.

Hòa bình vẫn còn xa

Mặc dù các bên tham chiến, nhất là lãnh đạo 2 quốc gia đứng đầu là Nga và Mỹ đều đã thống nhất tiến trình giải quyết xung đột tại Syria do LHQ dẫn đầu, chấm dứt khủng hoảng nhân đạo, cho phép những người Syria trở về nhà, bảo đảm một Syria ổn định thống nhất và không có sự can thiệp với mục đích xấu. Điểm quan trọng nhất là dù giải pháp chính trị như thế nào thì cũng phải phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng bảo an LHQ.

Về phần Syria, Tổng thống Syria cũng cam kết một tiến trình chính trị bao gồm cải cách Hiến pháp, tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống và Nghị viện. Tuy nhiên không có gì đảm bảo hòa bình sẽ đến với Syria khi mà các nước bảo trợ liên tục đối đầu nhau trên mặt trận ngoại giao về nhiều vấn đề gắn với Syria. Như thiết lập các vùng giảm căng thẳng ở Syria khiến nhóm đối lập khó hoạt động hay các cáo buộc điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công ở Syria mà Mỹ đưa ra bỏ phiếu nhưng đều bị Nga phủ quyết bác bỏ… Mặc dù Iran – một quốc gia bảo trợ - đã lên tiếng cho rằng, tương lai của Syria sẽ không do các cường quốc bên ngoài quyết định, sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề khu vực sẽ thất bại.

Chìa khóa của những mâu thuẫn các bên chưa được hóa giải thì con đường đến hòa bình cho Syria còn rất xa. Có chăng quốc gia đang được lợi nhiều nhất là Nga, bằng chiến thắng của mình trên chiến trường Syria, Tổng thống Putin một mặt vừa duy trì được lợi ích địa chính trị của Nga tại khu vực, làm vững chắc thêm hình ảnh của nước Nga trên trường quốc tế, và chứng tỏ cho Mỹ và NATO thấy rằng Nga đang ngày một mạnh hơn….

Hải Yến

(theo NYTimes, RT)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/kich-ban-nao-cho-syria-n138741.html