Kịch bản Mỹ tấn công Thổ: Điều 5 NATO vô hiệu?

Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị đầy đủ cho phương án sử dụng lực lượng quân sự chống lại Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp cần thiết.

Trong một cuộc phỏng vấn CNBC ngày 21/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị đầy đủ cho phương án sử dụng lực lượng quân sự chống lại Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp cần thiết.

Washington thích giải quyết các vấn đề thông qua ngoại giao, đàm phán. "Chúng tôi thích hòa bình hơn chiến tranh", ông Pompeo nói với giới truyền thông. Thế nhưng, nếu cần phải hành động quân sự thì Mỹ luôn sẵn sàng.

Ngoại trưởng Mỹ không tiết lộ chi tiết về giới hạn nào của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến Mỹ hành động quân sự. Theo ông Pompeo, Washington sẽ sử dụng các biện pháp ngoại giao trước khi sử dụng pháo hạng nặng. Mọi quyết định sẽ do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra.

Ông Trump trước đó đã dành cho Thổ Nhĩ Kỳ một khoảng không gian để thực hiện chiến dịch của mình ở biên giới Syria sau khi quyết định rút quân khỏi miền bắc Syria. Quyết định này của Tổng thống Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã đồng ý về lệnh ngừng bắn kéo dài 5 ngày vào tuần trước. Theo thỏa thuận, người Kurd sẽ phải rút khỏi vùng an toàn mà Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập. Ông Trump từng tự hào về thỏa thuận này, song nó đã bị phá vỡ ngay ngày hôm sau.

Mới đây, một số quan chức Mỹ cho biết, ông Trump có ý định để lại 200 binh sĩ ở biên giới Iraq nhằm bảo vệ một số mỏ dầu và ngăn chặn sự trỗi dậy của IS.

Chưa rõ sự chuẩn bị cho hành động quân sự của Mỹ tới đâu, song thực tế ghi nhận lực lượng Mỹ đã rút khỏi miền bắc Syria một cách vội vàng. Những căn cứ, cơ sở của Mỹ tại đây cũng bị phá hủy.

Điều này khiến giới phân tích tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ. Lầu Năm Góc sẽ sử dụng lực lượng nào để ngăn chặn bước tiến của Thổ Nhĩ Kỳ? Có lẽ, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bị chỉ trích, những tuyên bố này sẽ góp phần làm giảm áp lực mà ông Trump đang phải đối mặt.

Mặt khác, nếu Mỹ tấn công Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đồng nghĩa với việc vi phạm điều 5 NATO. Điều khoản này quy định, nếu một quốc gia thành viên của NATO bị tấn công đồng nghĩa với cả NATO bị tấn công.

Điều 5 nhằm mục đích ngăn chặn những kẻ thù muốn tấn công các thành viên NATO. Vậy trong trường hợp các thành viên NATO tấn công lẫn nhau thì sẽ phải giải quyết như thế nào? Phải chăng Mỹ muốn một mình chống lại NATO?.

Trong suốt chuyến thăm đầu tiên tới trụ sở NATO với tư cách là Tổng thống Mỹ, ông Trump đã chỉ trích đồng minh và mắng mỏ họ vì không tuân thủ các cam kết tài chính.

"23 trong số 28 thành viên NATO vẫn chưa trả thứ họ nên trả và thứ họ nên trả cho việc bảo vệ chính họ (ám chỉ việc gia tăng ngân sách quốc phòng). Sẽ không công bằng với người dân và người đóng thuế ở Mỹ", Donald Trump phàn nàn.

Nhưng ông Trump đã đổi hướng sau khi tuyên bố Mỹ cam kết tuân thủ Điều 5, đồng thời khẳng định sẽ bảo vệ đồng minh trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Thậm chí Washington sẵn sàng trả thêm nếu cần thiết.

Điều đó có nghĩa Điều 5 NATO vẫn là sợi dây ràng buộc Tổng thống Donald Trump trước khi muốn đưa ra quyết định tấn công một nước thành viên trong khối. Do vậy. khả năng xảy ra cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là rất khó.

Trung Kiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/kich-ban-my-tan-cong-tho-dieu-5-nato-vo-hieu-3389929/