Kịch bản hoàn hảo của nhóm đối tượng lừa đảo bằng tổng đài VoIP

Ngày 19-6, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao- Bộ Công an đã thông tin về phương thức, thủ đoạn phạm tội mới của nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc thiết lập tổng đài VoIP giả danh các cơ quan thực thi pháp luật.

VoIP là công nghệ truyền tiếng nói của con người qua mạng thông tin sử dụng bộ giao thức TCP/IP. Nó sử dụng các gói dữ liệu IP (trên mạng LAN, WAN, Internet. Ngày 17-6, chị Yến (trú tại Hà Nội) đến Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao trình báo: Khoảng 7g ngày 14-6, chị nhận được cuộc điện thoại của một đối tượng nữ, nói giọng miền Nam tự xưng tên là Trương Ngọc Hà, nhân viên tư vấn chăm sóc khách hàng Trung tâm bưu điện Hà Nội, ở 75 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Người này nói rằng chị Yến có bưu phẩm là thư thông báo của Ngân hàng Saigonbank cho biết chị đang nợ 36.866.000 đồng.

Bất ngờ với thông tin nữ nhân viên kia đưa ra, chị Yến khẳng định mình chưa bao giờ có tài khoản ở ngân hàng này nhưng nhân viên đó khăng khăng tài khoản mang đúng tên của chị. Tinh vi ở chỗ, trước phản ứng của chị Yến, người tự xưng nhân viên chăm sóc khách hàng trên kịp thời có lời lẽ xoa dịu và nói đã nhận được cảnh báo của CA về việc hiện nay có một số đối tượng xấu lấy cắp thông tin cá nhân và giả danh/mạo danh đăng ký tài khoản ngân hàng để làm chuyện xấu. Bùi tai hơn, người này cũng ngỏ ý giúp chị Yến kết nối luôn đến đường dây nóng của CA TP HCM để chị Yến giải thích trực tiếp. Nghe vậy, chị Yến đồng ý.

Hình ảnh ứng dụng đối tượng yêu cầu nạn nhân cài đặt vào điện thoại của mình. Ảnh CQCA cung cấp

Hình ảnh ứng dụng đối tượng yêu cầu nạn nhân cài đặt vào điện thoại của mình. Ảnh CQCA cung cấp

Sau khi kết nối, chị Yến được một nam giới nói giọng miền Nam tự xưng là Đại tá Phạm Thành Lợi, thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tài chính và trật tự an toàn xã hội-CATP HCM. Qua trao đổi, người này yêu cầu chị Yến ngay trong ngày phải có mặt tại TP Hồ Chí Minh để khai báo về sự việc. Khi chị Yến nói bận việc không thể vào đó trong ngày được, vị “Đại tá” đã linh hoạt cho chị Yến bằng cách “báo án bằng cách ghi âm lời khai” nhưng đề nghị phải đảm bảo không có người khác biết và giữ tuyệt đối bí mật.

Theo yêu cầu của “Đại tá Lợi”, chị Yến bắt đầu trình bày lại sự việc và đề nghị CA TP HCM hỗ trợ giúp đỡ. “Đại tá Lợi” còn tiết lộ rằng, tên chị Yến còn bị giả mạo ở ngân hàng Vietbank (Việt Nam Thương tín) và một số ngân hàng khác liên quan đến một vụ phạm pháp, rửa tiền rất lớn, số tiền giao dịch phạm pháp khoảng 20 tỷ đồng và có thể bị bắt, truy tố. Đến lúc này, chị Yến thực sự thấy hoang mang, lo lắng tột độ. Biết tâm lý đó của chị Yến, “Đại tá Lợi” yêu cầu chị bảo mật tuyệt đối, không tiết lộ cho những người xung quanh, vì có thể “những người xung quanh chính là nghi phạm”. Chưa dừng lại, người xưng danh là “Đại tá Lợi” tiếp tục yêu cầu chị Yến hợp tác làm rõ và nói chị có thể bị bắt theo lệnh. Tiếp đến, người đàn ông hỏi chị Yến về các số tài khoản Ngân hàng mà chị sử dụng, yêu cầu chị chuyển hết tiền vào tài khoản mà có dùng internet banking. Người này cũng yêu cầu chị Yến mua 1 điện thoại cài hệ điều hành Android để “Hội đồng thanh tra sẽ thông qua máy tính, sim và cấp hệ thống bảo vệ (phần mềm điện thoại) của Bộ Công an cho”. Tin vào những lời nói của “Đại tá Lợi”, chị Yến làm theo hướng dẫn. Sau khi cài đặt xong phần mềm, chị thấy trên màn hình hiển thị giao diện có chữ “Bộ Công an”.

Theo hướng dẫn, chị Yến tiếp tục điền các thông tin gồm tên, số CMND, tên đăng nhập tài khoản ngân hàng, mật khẩu… vào “phần mềm của Bộ Công an”. Ngay sau đó, người kia yêu cầu chị gửi thêm tiền vào tài khoản để chứng minh nguồn tiền hợp pháp. Chị Yến làm theo và đã nhờ người thân chuyển thêm 30 triệu đồng vào tài khoản. Khi nghe quá nhiều lời hối thúc chuyển tiền, chị Yến sực nhận ra điều bất thường nên ra máy ATM kiểm tra thì nhận thấy số tiền hơn 100 triệu đồng trong tài khoản của mình đã không còn nữa, chỉ còn 30 triệu đồng là tiền của người nhà chuyển vào. Lúc này, chị Yến đã thông báo với ngân hàng đóng tài khoản đồng thời đến CQCA trình báo.

Vào cuộc điều tra, lấy lời khai của nạn nhân, các cán bộ điều tra Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phân tích: Thủ đoạn mới, tinh vi trong vụ lừa đảo này thể hiện ở việc chị Yến không nhận được tin nhắn xác thực OTP của ngân hàng gửi về mà tài khoản vẫn bị trừ tiền. Trong khi đó, khi kiểm tra phần mềm “Bộ Công an” được cài đặt trên máy điện thoại của mình, chị vẫn thấy phần mềm đã được cấp đủ các quyền như: truy cập danh bạ, cuộc gọi, tin nhắn, ảnh… Trên thực tế, sau khi các nạn nhân cài đặt phần mềm theo chỉ đạo của các đối tượng lừa đảo, hệ thống nhận tin nhắn mặc định máy điện thoại của nạn nhân đã được thay thế bằng phần mềm “Bộ Công an”. Do đó, các tin nhắn đến số điện thoại của chị Yến sẽ không được hiển thị trên máy điện thoại mà được các đối tượng thu thập qua máy chủ của phần mềm. Từ đây, các đối tượng tự do dùng tài khoản đăng nhập vào Internet Banking của ngân hàng chị Yến và chuyển tiền đi.

Mặc dù phương thức, thủ đoạn mới nhưng công thức nhóm đối tượng sử dụng vẫn khá “cũ”; nghĩa là gọi điện vào số điện thoại của nạn nhân thông báo với nội dung không mới như nợ cước, trúng thưởng, khuyến mại… Qua vụ việc này, Cơ quan chức năng khuyến cáo: Khi nhận được các thông tin thông báo của những cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc nợ cước, trúng thưởng, khuyến mãi…, người dân cần tiến hành kiểm tra thật kỹ thông tin tại website chính thức của đơn vị thông báo; không được vội vàng thực hiện các yêu cầu của đối tượng; không cài đặt các ứng dụng không đáng tin cậy vào máy của mình.

(Tên nạn nhân đã được thay đổi)

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/kich-ban-hoan-hao-cua-nhom-doi-tuong-lua-dao-bang-tong-dai-voip-152474.html