Kịch bản hành động của quân đội Mỹ trong trường hợp nổ ra Thế chiến III

Coi Syria có thể là khởi nguồn của cuộc chiến tổng lực, Mỹ đã có kế hoạch hành động cho các lực lượng thiện chiến của họ một khi chiến tranh bùng phát.

Tình hình thế giới tiếp tục căng thẳng, xung đột cục bộ và xung đột về lợi ích địa chính trị thế giới chiếm nhiều thời lượng chương trình tin tức hàng ngày. Trong bối cảnh đó, Syria, nơi quân đội Mỹ và Nga đang hiện diện, là mối quan tâm đặc biệt. Theo các chuyên gia Mỹ, chính tình hình ở Syria có thể là nguyên nhân khởi đầu một cuộc xung đột quân sự lớn. Hai nhóm quân sự của đối thủ địa chính trị thường xuyên đối đầu trực tiếp tại đây.

Một trong những tin tức được chú ý nhiều nhất trong tháng 8 là vụ đâm xe bọc thép International MaxxPro của Mỹ và BTR-82A của Nga gần khu định cư Derik của Syria. Những tình tiết tương tự, cuối cùng, đều có thể kết thúc bằng thương vong hoặc có thể là tiền đề xung đột leo thang.

Không quân Mỹ sẽ quyết dành ưu thế trên không

Các nhà báo của ấn bản We Are The Mighty (Mỹ) chuyên về các trang thiết bị quân sự, tin chắc rằng vào đầu Thế chiến III, Không quân sẽ là lực lượng tham gia đầu tiên. Không quân có khả năng triển khai lực lượng nhanh chóng trên khắp thế giới, có tính cơ động cao và tầm hoạt động xa. Trong những năm gần đây, lực lượng Không quân đã bắt đầu đóng vai trò chính trong các cuộc xung đột quân sự. Năm 1999, Mỹ và các đồng minh NATO sử dụng không quân đã đạt được mục tiêu của mình trong cuộc ném bom Nam Tư.

Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga tại Syria cũng tỏ ra rất xuất sắc, đã hỗ trợ rất nhiều cho quân đội Syria và thực sự giúp bảo vệ chế độ của Tổng thống al-Assad, từng bên bờ vực sụp đổ. Các nhà báo Mỹ tin rằng, cuộc xung đột quân sự, có thể bắt đầu ở Syria, sẽ nhanh chóng lan sang Thổ Nhĩ Kỳ, với sự chỉ huy các chiến dịch chuyển từ Bộ Tư lệnh Trung tâm sang Bộ Chỉ huy các Lực lượng Vũ trang Mỹ ở Châu Âu (USEUCOM).

Không quân Mỹ có nhiệm vụ giành và duy trì ưu thế tuyệt đối trên không; Nguồn: topwar.ru

Không quân Mỹ có nhiệm vụ giành và duy trì ưu thế tuyệt đối trên không; Nguồn: topwar.ru

Đầu tiên tham gia vào cuộc xung đột sẽ là 6 máy bay chiến đấu đa nhiệm F-16 của Mỹ đồn trú tạm thời tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng có thể trở thành máy bay chiến đấu đầu tiên giao chiến với Không quân Nga. Máy bay và khoảng 300 nhân viên mặt đất đã được triển khai tại căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2015. Chúng được chuyển đến đây từ căn cứ không quân Aviano (Italy), nơi hiện có hai phi đội máy bay tiêm kích của Mỹ được trang bị các máy bay F-16CG/DG.

Ngoài ra, để đảm bảo ưu thế trên không phận Thổ Nhĩ Kỳ, người Mỹ có thể chuyển tới đây một số máy bay F-16 đóng tại các nước châu Âu, chủ yếu ở Italy và 4 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-22 Raptor từ châu Âu. Đồng thời, trong vòng 1 ngày, Không quân Mỹ sẽ có thể gửi thêm 1 hoặc 2 nhóm máy bay chiến đấu F-22 thế hệ thứ năm, mỗi nhóm 4 máy bay, đến chiến trường mới.

Nhờ tiếp nhiên liệu trên không, những chiếc máy bay này có thể đến bất kỳ điểm nào trên hành tinh trong vòng 24 giờ. Đồng thời, các máy bay sẽ được vận chuyển bằng phi công hỗ trợ và các thiết bị bổ sung bằng máy bay vận tải Boeing C-17 Globemaster III. Các máy bay tiêm kích còn lại có thể đến muộn hơn.

Hải quân Mỹ sẽ tập trung cho nhiệm vụ chống tàu ngầm

Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự toàn diện ở Trung Đông, nhiệm vụ chính của Hải quân Mỹ sẽ là bảo vệ các tàu mặt nước cỡ lớn khỏi sự tấn công từ tàu ngầm và đảm bảo an toàn hàng hải trên biển Địa Trung Hải. Địa Trung Hải và các tuyến tiếp cận Gibraltar do Hạm đội 6 của Mỹ chịu trách nhiệm. Hạm đội 6 sẽ có nhiệm vụ chống lại toàn bộ các cuộc tấn công từ Nga.

Hải quân Mỹ có nhiệm vụ chống ngầm và bảo vệ các tàu mặt nước; Nguồn: topwar.ru

Nỗi sợ hãi lớn nhất của người Mỹ là các tàu ngầm chạy rất êm của Nga và các tàu nổi được hiện đại hóa của Hạm đội Biển Đen. Gần đây nhất, Hạm đội Biển Đen của Nga đã đổi mới tàu ngầm, hiện sở hữu 6 tàu ngầm diesel-điện Project 636.6 Varshavyanka mới. Tại Địa Trung Hải, Mỹ tập trung vào các hoạt động chống ngầm và đang cùng với các đồng minh NATO của họ ở khu vực này thực hành chiến tranh chống tàu ngầm. Các tàu khu trục của Mỹ thường xuyên tuần tra Địa Trung Hải, đôi khi thực hiện các chuyến đi đến Biển Đen.

Tàu sân bay vẫn là lực lượng tấn công chính của hạm đội Mỹ nhưng không có nhóm tấn công tàu sân bay nào thường trực ở Địa Trung Hải. Hải quân Mỹ đang gặp một số vấn đề nhất định về khả năng sẵn sàng chiến đấu của các tàu sân bay. Cuối năm ngoái, trong số 6 tàu được triển khai ở Đại Tây Dương, chỉ 1 chiếc có thể ra khơi. Các tàu còn lại, vì nhiều lý do khác nhau, ở mức độ này hay mức độ khác không sẵn sàng cho những chuyến đi dài ngày. Chỉ có 1 tàu sân bay thường xuyên chịu trách nhiệm Trung Đông, đóng tại vùng biển Arab.

Hải quân Mỹ luôn cố gắng giữ ít nhất 1 nhóm tác chiến tàu sân bay ở đây. Trong trường hợp cần thiết, từ hạm đội 5 (biển Arab) một hàng không mẫu hạm Mỹ có thể nhanh chóng qua kênh đào Suez đến phối hợp hành động. Đồng thời, trước khi đến, tàu sân bay sẽ có thể sử dụng không quân của mình để hỗ trợ các hoạt động của Hạm đội 6. Điều này có thể thực hiện được bằng cách tiếp nhiên liệu trên không hoặc bổ sung nhiên liệu từ các tàu chở dầu được Mỹ triển khai ở Trung Đông.

Lính thủy đánh bộ di tản đại sứ quán và công dân Mỹ

Lực lượng tấn công chính bên ngoài nước Mỹ theo truyền thống vẫn là các đơn vị Thủy quân Lục chiến. Trong trường hợp này, việc bảo vệ các đại sứ quán Mỹ ở tất cả các nước trên thế giới đều do lính thủy đánh bộ đảm nhiệm. Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, Thủy quân Lục chiến sẽ giúp sơ tán các đại sứ quán, lãnh sự quán Mỹ và các cơ quan đại diện ngoại giao khác trên khắp Đông Âu. Ngoài việc hỗ trợ sơ tán nhân viên đại sứ quán và công dân Mỹ, họ sẽ chịu trách nhiệm tiêu hủy thông tin mật và thiết bị tại các cơ quan đại diện ngoại giao.

Nhiệm vụ di tản đại sứ quán và công dân Mỹ được giao cho Thủy quân Lục chiến; Nguồn: topwar.ru

Nếu cần, các lực lượng của Nhóm Đặc nhiệm Không quân Hải quân và Ứng phó Mặt đất trong các Tình huống Khủng hoảng sẽ được kết nối để tham gia hoạt động. Nhóm gần nhất có trụ sở tại căn cứ không quân Moron ở Tây Ban Nha và chịu trách nhiệm địa bàn châu Phi. Lực lượng đặc nhiệm này của Thủy quân Lục chiến Mỹ có thể tham gia vào việc tăng cường an ninh cho các đại sứ quán, tiến hành các hoạt động phi tác chiến để sơ tán dân thường và nhân viên đại sứ quán, cũng như sơ tán phi hành đoàn máy bay bị bắn rơi. Nhóm này được trang bị máy bay MV-22 Osprey và máy bay KC-130J, thường xuyên tham gia các cuộc diễn tập song phương và đa phương với các đối tác khu vực của Mỹ.

Ngoài ra, Thủy quân Lục chiến Mỹ được triển khai như một phần của Lực lượng Biển Đen quay vòng ở Romania. Trong thời bình, nhiệm vụ chính của họ là ủng hộ các đồng minh NATO, huấn luyện và đào tạo quân nhân của các quân đội thân thiện. Nhưng trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, họ sẵn sàng tham gia bảo vệ bờ biển Romania khỏi các cuộc tấn công tiềm tàng từ Hạm đội Biển Đen của Nga. Đồng thời, lực lượng Thủy quân Lục chiến đóng tại các quốc gia châu Âu khác sẽ sẵn sàng đẩy lùi các cuộc tấn công của lực lượng mặt đất Nga.

Quân đội Mỹ châu Âu lập phòng tuyến hơn 1.200km

Lực lượng mặt đất của Mỹ ở châu Âu được triển khai trên khắp lục địa, nhưng phần lớn các đơn vị và trụ sở của Lục quân Mỹ ở châu Âu (USAREUR) được đặt tại Đức. Chính từ đây, quân đội sẽ được triển khai để tăng cường các nhóm nhỏ hơn ở Đông Âu và các quốc gia Baltic. Đến năm 2020, lực lượng quân đội Mỹ ở châu Âu đạt khoảng 52.000 quân.

Đồng thời, theo phương thức luân phiên, ở Đông Âu có Lữ đoàn xe tăng Mỹ số 1 thuộc Sư đoàn bộ binh 3 (3 tiểu đoàn đóng quân ở Ba Lan, Romania và các nước Baltic). Bằng các đơn vị ở châu Âu, người Mỹ hy vọng sẽ hỗ trợ lực lượng quân đội đồng minh của họ và đảm phòng ngự đáng tin cậy trên mặt trận hơn 1.200km.

Lực lượng mặt đất lập phòng tuyến dài 1.200 km ngăn Quân đội Nga; Nguồn: topwar.ru

Với vai trò là lực lượng tăng cường, Sư đoàn Dù số 82 của Mỹ, có căn cứ ở Bragg (Bắc Carolina), có thể được triển khai ở châu Âu trong thời gian ngắn. Hỗ trợ các hoạt động của lực lượng mặt đất Mỹ ở châu Âu sẽ là Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt tại chiến trường châu Âu (SOCEUR). Bộ chỉ huy này sẽ phối hợp hành động của các lực lượng đặc nhiệm của Hải quân, Lục quân, Không quân và Quân đoàn Thủy quân Lục chiến trên lục địa. Đặc biệt, một tiểu đoàn thuộc Nhóm quân đặc nhiệm số 10 của quân đội Mỹ (lính mũ nồi xanh) đóng thường trực tại Đức.

Khu vực đặc trách của Nhóm quân đặc nhiệm số 10 là châu Âu. Trên thực tế, đơn vị này là một trung đoàn lính dù gồm bốn tiểu đoàn. Và trên lãnh thổ của Vương quốc Anh tại căn cứ không quân Mildenhall, đơn vị tác chiến đặc biệt số 352 của Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của Không quân Mỹ đóng trụ sở thường trực. Các đơn vị này, đã được triển khai ở châu Âu, sẽ là đơn vị đầu tiên được triển khai trong trường hợp Thế chiến III bùng nổ./.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/kich-ban-hanh-dong-cua-quan-doi-my-trong-truong-hop-no-ra-the-chien-iii-777502