Kịch bản Canada gia nhập Bộ tứ chỉ còn là vấn đề thời gian?

Câu hỏi đặt ra là liệu Canada có thể nắm bắt cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn với nhóm Bộ tứ và các đối tác khác trong khu vực hay không.

Không lực Hoàng gia Canada lần đầu tiên cùng nhóm Bộ tứ tham gia cuộc tập trận Rồng biển ở đảo Guam, tháng 1/2021. (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Không lực Hoàng gia Canada lần đầu tiên cùng nhóm Bộ tứ tham gia cuộc tập trận Rồng biển ở đảo Guam, tháng 1/2021. (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Trong bối cảnh các mối quan ngại gia tăng liên quan đến việc Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng quân sự và chính trị tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có nhiều ý kiến thúc giục Canada tham gia một liên minh không chính thức gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, còn được gọi là nhóm Bộ tứ (Quad).

Một thành viên hợp lý

Đầu năm nay, Không lực Hoàng gia Canada lần đầu tiên cùng nhóm Bộ tứ đã tham gia cuộc tập trận Sea Dragon (Rồng biển), một cuộc diễn tập tác chiến chống tàu ngầm ở đảo Guam.

Nhóm Bộ tứ thường tổ chức các cuộc tập trận quân sự, hội nghị thượng đỉnh bán thường kỳ và thúc đẩy hợp tác trải dài trong nhiều lĩnh vực, từ bảo vệ chuỗi cung ứng đến an ninh mạng, trong khuôn khổ của một thỏa thuận được coi là đối trọng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Liên quan đến khả năng Canada được đề nghị chính thức tham gia Bộ tứ, các chuyên gia cho rằng kịch bản này chỉ còn là vấn đề thời gian, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách xây dựng các liên minh toàn cầu để kiềm chế Bắc Kinh.

Thiếu tướng Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu Robert Girrier, hiện là Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương (một viện nghiên cứu chính sách đối ngoại, có trụ sở tại Honolulu), nhận định rằng Canada sẽ là một thành viên hợp lý của Bộ tứ.

Trong khi đó, Phó Đô đốc Canada Mark Norman (đã nghỉ hưu) đồng ý rằng quốc gia Bắc Mỹ này nên trở thành thành viên của Bộ tứ, nhưng chỉ khi Ottawa sẵn sàng đóng góp đáng kể cho hoạt động quốc phòng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cả hai cựu quan chức trên đều bày tỏ lo ngại về việc Bắc Kinh đang nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng vũ trang và tăng cường hiện diện quân sự tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Không chỉ gây ra mối đe dọa cho các tuyến thương mại quốc tế mà Trung Quốc còn đưa các đội tàu cá của mình vào vùng biển của các nước khác. Ông Girrier cho biết: "Đây là những đội tàu cá lớn thường hoạt động giống như các đơn vị bán quân sự”.

Tháng 6/2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam gần các đảo trên Biển Đông. Trước đó một tháng, một tàu thăm dò dầu khí của Malaysia đã xung đột với một tàu khảo sát của Trung Quốc, ngoài khơi Borneo, khiến Mỹ và Australia phải điều tàu chiến đến khu vực này.

Hồi tháng 3/2021, phát biểu tại một hội nghị an ninh ở Ottawa, Thứ trưởng Quốc phòng Canada Jody Thomas cho rằng Canada đang “bắn” tín hiệu tới Trung Quốc khi triển khai tàu chiến tới Biển Đông. Đây là tuyến đường huyết mạch quan trọng đối với thương mại toàn cầu mà Bắc Kinh đang cố tuyên bố chủ quyền bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự.

Trước đó, hồi tháng 10/2020, tàu khu trục HMCS Winnipeg của Canada đã đi qua eo biển Đài Loan.

Trong khi đó, Bộ các vấn đề toàn cầu của Canada (GAC) đã không bày tỏ ý kiến rõ ràng khi được hỏi liệu Canada có tìm cách gia nhập nhóm Bộ tứ hay không.

GAC cho biết Canada làm việc với cả 4 thành viên Bộ tứ để giải quyết những thách thức chung ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

"Trong những năm gần đây, với tư cách là một quốc gia Thái Bình Dương và nhận thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với an ninh và thịnh vượng của Canada, Ottawa đã tăng cường sự hiện diện trong lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng tại khu vực”.

Hay vẫn còn quá sớm

Mặc dù Mỹ có thể quan tâm đến việc Canada tham gia Bộ tứ, nhưng Ấn Độ và Australia lại cho rằng việc này quá sớm. Thiếu tướng Hải quân Ấn Độ đã nghỉ hưu Sudarshan Shrikhande cho hay: “Theo quan điểm của tôi, có lẽ còn hơi sớm để Canada trở thành thành viên của Bộ tứ”.

Ông Shrikhande cho rằng quân đội Canada có thể đóng góp tốt hơn bằng cách tăng cường các hoạt động của mình ở Bắc Cực, nơi Trung Quốc đang có lợi ích cùng với Nga.

“Tôi muốn nói rằng đóng góp của Canada đối với những lo ngại toàn cầu về Trung Quốc sẽ được đặt đúng chỗ thông qua hoạt động tích cực của Canada ở Bắc Cực… vì tôi cảm thấy ý định của Trung Quốc ở Bắc Cực cần được theo dõi và giám sát cẩn thận”.

Trong khi đó, Phó Đô đốc Norman đã phản bác rằng mặc dù Canada cần tăng cường sự hiện diện ở Bắc Cực, nhưng không nên loại trừ việc đóng vai trò tích cực tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thông qua hợp tác với các đồng minh trong Bộ tứ.

Ông Rory Medcalfe, chuyên gia về an ninh châu Á tại Đại học Quốc gia Australia cảnh báo không nên coi Bộ tứ là một “NATO châu Á”. Đây không phải là một liên minh quân sự chính thức với một hiệp ước quốc phòng như NATO, trong đó Điều 5 quy định một cuộc tấn công vào một thành viên của NATO được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên của nhóm này.

Các chuyên gia đang đặt câu hỏi liệu Canada có thể nắm bắt cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn với nhóm Bộ tứ và các đối tác khác trong khu vực hay không.

Ông Jonathan Berkshire Miller, Giám đốc chương trình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Viện Macdonald Laurier lưu ý rằng chính phủ Canada hiện vẫn chưa đưa ra một chiến lược phác thảo ý định của mình đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo ông Miller, chiến lược này sẽ đại diện cho cam kết cấp cao đối với an ninh trong khu vực, có thể sẽ bao gồm cơ chế làm việc với Bộ tứ một cách thường xuyên.

(theo Globe and Mail)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kich-ban-canada-gia-nhap-bo-tu-chi-con-la-van-de-thoi-gian-141423.html