Kịch '18 tuổi' nhìn đa chiều về đổ vỡ hạnh phúc gia đình

Đạo diễn Thái Kim Tùng đã giới thiệu vở diễn '18 tuổi' tại sân khấu Nhà hát Kịch Thành phố (rạp Công nhân, TPHCM) với đề tài về tình phụ tử thiêng liêng, cùng cái nhìn đa chiều về những nguyên nhân gây tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Tình phụ tử

Vở “18 tuổi” (tác giả Tùng Phi) kể về hoàn cảnh của một người cha (nghệ sĩ Anh Tuấn thủ vai) “gà trống” nuôi 2 đứa con gái bằng nghề sửa giày. Dù trước đây ông từng là cử nhân văn khoa nhưng do những xô đẩy của cuộc đời, ông bám trụ với nghề sửa giày để nuôi 2 con gái lớn khôn. Tình cảm cha con sẽ mãi êm đẹp nếu không có một ngày kia, khi các con đã bước sang ngưỡng của tuổi 18 và đứng trước những lựa chọn, những cám dỗ của cuộc đời.

Câu chuyện "gà trống nuôi con" mở dầu với nhiều khoảnh khắc ấm áp tình phụ tử gây xúc động lòng người. Ảnh: M.Thuận

Cô chị Nhỏ Lớn (Khánh Vân) sở hữu ngoại hình khá cục mịch, mang ước mơ trở thành cô giáo dạy thể chất. Người cha đã rất yên tâm với sự ngoan ngoãn, vâng lời cùng suy nghĩ, lựa chọn tương lai rất thường tình, an toàn của con. Nhưng cô gái út Nhỏ Nhỏ (Đoàn Thanh Phượng) thì sở hữu ngoại hình “hot girl”. Cô âm thầm khát khao đổi đời bằng sự nổi tiếng. Dù được cha nhất mực yêu thương, cưng chiều nhưng với cô như vậy vẫn chưa đủ. Nhỏ Nhỏ muốn kiếm thật nhiều tiền để cả gia đình mình không bị người đời khinh rẻ.

Chính sự hấp tấp và bồng bột của đứa trẻ mới bước qua tuổi 18 như Nhỏ Nhỏ đã là "miếng mồi ngon" cho những kẻ chuyên dụ dỗ, lường gạt. Nhỏ Nhỏ đã bỏ học, lầm đường lạc lối khi nghe theo lời dụ ngọt của người ta, tham gia những cuộc mua vui, đổi chác sự trong sáng của bản thân để mưu cầu danh lợi. Cũng khi đó, đứng trước những răn dạy của cha, Nhỏ Nhỏ đã không còn giữ được bản tính lương thiện, thơ ngây ngày nào mà trở nên hỗn xược. Tình cảm cha con, chị em sứt mẻ đến độ cha phải từ mặt con trong đau đớn và nước mắt.

Nhỏ Nhỏ nhiều lần bị đẩy vào hoàn cảnh nguy hiểm khi chấp nhận dấn thân để nổi tiếng

Cho tới 1 ngày, khi những sai lầm lên đến đỉnh điểm thì cũng chính cha cô mới là người cứu được con gái thoát khỏi nanh vuốt của người đời. Những ân hận của người con dĩ nhiên vẫn luôn được vòng tay của người cha dang rộng, thứ tha. Bởi chẳng có gì cao quý hơn, chẳng có gì có thể cách ngăn tình phụ tử thiêng liêng, cao cả.

Bên cạnh tuyến nhân vật chính, câu chuyện của gia đình cô gái tên Trang, là bạn của Nhỏ Lớn cũng mang đến một khía cạnh khác về tình cảm gia đình. Đó là ba mẹ của Trang đã xây dựng một hình ảnh đẹp hoàn hảo trong mắt cô và người đời chỉ nhằm tìm kiếm những lợi ích của các nhân mình. Để rồi khi phải đối diện với sự thực về mối quan hệ mục ruỗng đến tận gốc rễ của cha mẹ, Trang (vốn bị bệnh tim) đã rơi vào tuyệt vọng tột, lên con đau tim đến suýt mất mạng.

Hoàn cảnh gia đình Trang cũng không khá hơn dù có đầy đủ cả cha và mẹ

Sự hối cải muộn màng của cha mẹ Trang đã mang đến một góc nhìn mới về những câu chuyện hạnh phúc gia đình. Đó là không chỉ có con cái sai lầm mà chính cha mẹ đôi khi cũng là những "tội đồ", là nguyên nhân phá nát hạnh phúc của con cái. Mỗi gia đình một cảnh ngộ, một sự đối đầu với những rạn vỡ khác nhau nhưng chính chính sự yêu thương, bao dung mở lối cho sự ăn năn và quay đầu của mỗi con người.

Vở diễn không bị dừng lại mỗi khi đổi cảnh

Một điểm sáng trong cách dàn dựng một vở diễn với đề tài vốn khá truyền thống này, đó là đạo diễn khéo léo lồng ghép những phân đoạn đan xen để vở diễn không bị dừng lại mỗi khi đổi cảnh.

Vở diễn đã được diễn ra liền mạch, không bị ngắt quãng bởi những phút đổi cảnh như cách dàn dựng thông thường.

Cụ thể, giữa những lần chuyển cảnh là phân đoạn có tính chất tự sự hoặc độc thoại của các nhân vật. Khi đó, ánh sáng điểm sẽ chiếu về phía diễn viên ở một vị trí bậc tam cấp bước lên sân khấu. Khi phân đoạn này kết thúc cũng là lúc phía sau phông màn sân khấu đã được đổi cảnh. Vở diễn nhờ vậy được liền mạch, không gián đoạn, thời gian vở diễn không bị kéo dài.

Đ.T.Hiền - M.Thuận

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/giai-tri/kich-18-tuoi-nhin-da-chieu-ve-do-vo-hanh-phuc-gia-dinh-post49024.html