Kì vọng gì từ dự án đường sắt cao tốc 'tỉ đô' TP HCM – Cần Thơ?

Trong tháng 4 tới, nhà máy điện đầu tiên phục vụ tuyến đường sắt cao tốc TP HCM – Cần Thơ sẽ chính thức khởi công bắt đầu cho các hoạt động khởi công của dự án 'tỉ đô' này.

Biểu đồ đò họa dự án đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ

Biểu đồ đò họa dự án đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ

Dự án đường sắt cao tốc TP HCM – Cần Thơ rục rịch khởi công, nhiều người kì vọng dự án sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế và giảm gánh nặng giao thông từ TP HCM về các tỉnh miền Tây và ngược lại.

Cải thiện môi trường

Thông tin mới nhất từ Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam, Công ty Tư vấn -Thiết kế GTVT phía Nam cùng những đơn vị tư vấn trực tiếp làm công tác nghiên cứu, thiết kế cho dự án, cho biết mới đây các đơn vị đã họp bàn về việc xây dựng 9 nhà máy điện phục vụ cho tuyến đường sắt cao tốc này.

Theo đó các nhà máy điện được xây dựng sử dụng công nghệ xử lý rác thải thành điện để phục vụ cho tàu chạy trên tuyến đường sắt cao tốc TP HCM – Cần Thơ, vì tàu chạy trên tuyến này là tàu điện.

Cụ thể, dự án sẽ xây dựng 7 nhà máy điện sử dụng rác đốt thành điện ở 7 nhà ga trên tuyến và 2 nhà máy điện mặt trời ở ga đầu là Tân Kiên (TPHCM) và ga cuối ở Cái Cui (Cần Thơ). Mỗi nhà máy có công suất khoảng 50 MW, khi hoàn thành sẽ hòa chung vào lưới điện của Tổng công ty điện lực sau đó được phát trở lại phục vụ hoạt động của đoàn tàu. Nhà máy điện rác mẫu đầu tiên ở Đồng Nai, gần khu vực ga Bửu Long sẽ được khởi công vào tháng 4 tới. Dự án này có mức đầu tư 38 triệu USD do 1 tập đoàn của Mỹ đầu tư.

Đánh giá về các tác động tích cực mà dự án đường sắt cao tốc này mang lại từ việc xử lý rác thải thành điện, chuyên gia cho rằng Dự án đi vào hoạt động sẽ giúp các địa phương khu vực này giải quyết tốt việc xử lý rác thải thông qua các nhà máy điện sử dụng rác thải để đốt chuyển hóa thành điện.

Giảm gánh nặng giao thông

Khi dự án đường sắt cao tốc TP HCM – Cần Thơ đi vào hoạt động ngoài việc mang hiệu quả cải thiện môi trường từ việc xử lý điện từ rác thải, nhiều người cũng kì vọng dự án sẽ cải thiện tốt gánh nặng giao thông từ TP HCM về các tỉnh miền Tây và chiều ngược lại.

Anh Nguyễn Minh Hoàng - người dân TP HCM cho biết, khi nghe tin tuyến đường sắt cao tốc TP HCM – Cần Thơ sắp khởi công anh rất phấn khích vì tuyến đường di chuyển từ TP HCM về quê miền Tây không còn phải vật vả do gánh nặng giao thông như hiện nay. Anh Hoàng cho biết, anh là dân gốc miền Tây lập nghiệp ở TP HCM nhiều năm, nhưng năm nào cũng về quê vài lần, mỗi lần về rất cực với tình trạng giao thông kẹt, xa, đặc biệt là các dịp lễ Tết.

“Dự án tuyến đường sắt cao tốc TP HCM – Cần Thơ được khởi công kì vọng sẽ giảm gánh nặng giao thông, tăng hiệu quả kinh tế giữa TP HCM với các tỉnh miền Tây.” – anh Hoàng chia sẻ.

Các chuyên gia cũng nhận định khi tuyến đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ được thực hiện sẽ kết nối trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam với thủ phủ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn 45 phút. Tuyến đường sắt cần nhanh chóng được triển khai thực hiện vì sau khi hoàn thành, dự án này sẽ đem lại lợi ích rất lớn cả về kinh tế, văn hóa và xã hội cho cả vùng kinh tế lớn phía nam.

Tuy nhiên thực tế, khó khăn lớn nhất khi phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường sắt ở Việt Nam luôn là nguồn vốn. Làm đường sắt vốn đầu tư rất lớn nhưng ngân sách không đủ để bố trí. Việc kêu gọi tư nhân, xã hội hóa cũng rất khó khăn vì khả năng thu hồi vốn chậm. Kêu gọi vốn ODA cũng không đơn giản. Cũng vì lý do này, không ít dự án dù biết nếu thực hiện sẽ tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội, nhu cầu đi lại của người dân nhưng vẫn ngậm ngùi nằm đó chờ đợi.

Quyết định của Bộ GTVT ngày 27.8.2013 phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt TP HCM - Cần Thơ, tổng chiều dài toàn tuyến là 173,677 km với 14 ga, bắt đầu từ ga lập tàu An Bình (Bình Dương) đến Cần Thơ đi theo hướng tuyến dài nhằm tiếp cận các đô thị, thị xã hiện hữu của TP.HCM và 4 tỉnh miền Tây.

Tuy nhiên, sau nhiều lần họp bàn, đại diện 5 tỉnh thành liên quan đã thống nhất với phương án đơn vị nghiên cứu đề xuất (Viện Khoa học - Công nghệ Phương Nam) là rút ngắn tuyến còn 139,7 km với 9 ga, chạy song hành với đường bộ cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu.

Vì thế, tháng 9 năm ngoái, UBND TP HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt này.

Công Thương

Bạn đang đọc bài viết Kì vọng gì từ dự án đường sắt cao tốc “tỉ đô” TP HCM – Cần Thơ? tại chuyên mục Thời sự của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/ki-vong-gi-tu-du-an-duong-sat-cao-toc-ti-do-tp-hcm-can-tho-145625.html